Ưu tiên các chương trình và dự án cấp bách
Đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh các kết quả đạt được, trong quản lý đầu tư công giai đoạn 2011-2015 còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc huy động vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt khoảng 31,7% GDP, không đạt mục tiêu đề ra (33,5-35%). Tình trạng mất cân đối vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, nhất là đối với vốn ngân sách Trung ương chưa được khắc phục, dẫn tới bị động trong việc phân bổ nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việc thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công ở một số nơi chưa chấp hành nghiêm; bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công, gây lãng phí thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư;...
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên có phần do những yếu tố khách quan, như quy mô nền kinh tế và nguồn thu ngân sách còn hạn hẹp, không đủ khả năng cân đối cho nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng chủ yếu là các nguyên nhân chủ quan, do buông lỏng quản lý, không chấp hành nghiêm các quy định, chính sách và quy chế quản lý đầu tư công, như: Quyết định quá nhiều dự án mà không tính đến khả năng cân đối vốn; ứng trước vốn kế hoạch mà không tính đến nguồn để hoàn trả; thi công vượt vốn kế hoạch gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá lớn trong thời gian qua…
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội qua thảo luận ở tổ và hội trường, Dự thảo Nghị quyết đã xác định Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, cấp bách làm cơ sở đẩy mạnh sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Ưu tiên vốn đầu tư cho các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng; các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu...
Đánh giá về kế hoạch này, một số đại biểu có ý kiến cho rằng, đây là lần đầu tiên trong việc lập kế hoạch, chúng ta khắc phục tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc ra từng năm, chuyển sang xây dựng được kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm, chuyển từ cân đối vốn hằng năm sang cân đối trung hạn 5 năm cả ở tầm quốc gia và các cấp chính quyền địa phương. Kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công đã được siết chặt. Các bộ, ngành, địa phương chỉ được bố trí vốn cho dự án mới sau khi đã bố trí đủ vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước… Cách làm này bảo đảm bố trí vốn tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán trước đây. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) đánh giá, Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn lần này sẽ giúp cho các cơ quan, các địa phương tổ chức thực hiện chủ động hơn, hạn chế cơ chế xin-cho và không chồng chéo giữa các nguồn lực đầu tư cho xã hội.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được ưu tiên vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Trong ảnh: Làm đường nông thôn mới tại tỉnh Đắc Lắc.
Loại bỏ các dự án không đáp ứng đúng nguyên tắc
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc thận trọng trong tính toán, xác định nguồn lực đầu tư là cần thiết, tránh tình trạng dự án dở dang, không hoàn thành do không bố trí đủ vốn. Do đó, trước khi hoàn thành dự thảo Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan bám sát các chỉ tiêu tăng trưởng, báo cáo từng nguồn vốn, mức vốn có khả năng huy động và đã xác định tổng mức đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2 triệu tỷ đồng (đã bố trí 10% dự phòng để lường khi thu ngân sách Nhà nước không đạt kế hoạch). Trong đó, bố trí 72.817 tỷ đồng để thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong cả giai đoạn. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng bố trí 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và mức vốn cụ thể cho từng dự án quan trọng quốc gia sau khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án này theo quy định của Luật Đầu tư công.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, danh mục dự án như trong tờ trình của Chính phủ chưa tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công, nhiều dự án chưa làm rõ tổng mức đầu tư, thời hạn hoàn thành. Đề nghị rà soát kỹ danh mục, loại khỏi danh mục những dự án không đáp ứng nguyên tắc quy định. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện danh mục, bảo đảm các công trình, dự án trong danh mục phải đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công, các nguyên tắc, trật tự ưu tiên trong Nghị quyết của Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31-1-2017, trước khi giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Nhiều thách thức trong triển khai thực hiện
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp và nợ công tăng nhanh như hiện nay thì kế hoạch đầu tư công trung hạn phải phù hợp với khả năng cân đối từ nguồn ngân sách Nhà nước, bảo đảm các cân đối vĩ mô, đặc biệt phải giữ vững an toàn nợ công, giảm bội chi ngân sách. Bên cạnh đó, để những đồng vốn của Nhà nước phát huy hiệu quả cao nhất trong kế hoạch đầu tư công trung hạn này cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho tất cả các cấp chính quyền.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, đối với đầu tư công, việc bảo đảm đủ vốn và không điều chỉnh tăng vốn cho các dự án, cũng như triển khai các dự án đúng thời gian quy định là một trong những thách thức rất lớn. Trong thời gian qua, đa số các dự án đều đã phải điều chỉnh tăng vốn, kéo dài thời gian do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong bối cảnh ngân sách rất hạn hẹp và nhiều ràng buộc thì việc tăng vốn này đã tạo ra áp lực, gánh nặng không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, đòi hỏi các bộ, ngành và các cấp chính quyền quản lý đầu tư công trung hạn phải quyết liệt trong việc thực thi đúng tiến độ các dự án theo thứ tự ưu tiên; siết chặt kỷ luật ngân sách, bảo đảm đúng, đủ nguồn vốn bố trí để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Đại biểu Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, để kế hoạch đầu tư công trung hạn bảo đảm hiệu quả khi triển khai thực hiện thì bản thân các đại biểu Quốc hội phải giám sát chặt chẽ các dự án và thông qua giám sát của cử tri để thực thi công khai, minh bạch. Nếu như các dự án có sự khác biệt so với ban đầu như điều chỉnh vốn, thời gian hoàn thành thì cơ quan triển khai phải có trách nhiệm giải trình minh bạch với Quốc hội và cử tri để có giải pháp kịp thời, tránh lãng phí, tiêu cực trong các dự án đầu tư công.
Theo qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;