Nếu trong năm đầu tiên triển khai (2011), nhiều người, nhiều địa phương vẫn chưa hiểu NTM là gì, thì sang đến năm 2012, nói như ông Nguyễn Đăng Khoa - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT là “con tàu NTM đã vào ray”.
Và khi đã vào ray, con tàu đó bắt đầu vận hành những bước đi theo đúng mục tiêu đã đề ra. Bằng chứng là chỉ sau thời gian ngắn ngủi, dù gặp vô vàn khó khăn nhưng vẫn có tới 144 xã đạt đủ 19 tiêu chí về xây dựng NTM, còn mục tiêu của năm 2014 này là cả nước có 500 xã NTM.
Không một chương trình nào lại huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung được nguồn lực của toàn xã hội như NTM. Điển hình như năm 2013, dù kinh tế còn nhiều khó khăn, song cả nước vẫn huy động được tới gần 42.000 tỷ đồng để xây dựng NTM, nhiều địa phương như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… còn dành tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho NTM.
Vì sao Chương trình xây dựng NTM lại có được dấu ấn và sự quan tâm đó? Ngoài yếu tố liên quan tới số đông là 70% dân số sống ở nông thôn, chương trình này còn có mục tiêu rõ ràng và đích đến đã được xác định. Tất cả 19 tiêu chí mà chương trình hướng tới đều nhằm cải thiện, nâng cao đời sống cho cư dân nông thôn.
Chẳng hạn như tiêu chí về môi trường, mục tiêu cũng chỉ là làm cho môi trường sống của người dân được tốt hơn với phương châm: Xanh - sạch - đẹp. Hay tiêu chí về hình thức và tổ chức sản xuất, mục tiêu hướng tới cũng là nâng cao thu nhập cho nông dân…
Chính vì thế, có thể khẳng định xây dựng NTM là một chương trình rất được lòng dân, cũng vì được lòng dân, nên dân mới tin, mới có những hộ gia đình sẵn sàng hiến hàng nghìn m2 đất thổ cư để làm đường hay các công trình công cộng.
Với những nền tảng, dấu ấn của “tuổi lên 3” đó, có thể khẳng định Chương trình xây dựng NTM đã bước sang một giai đoạn mới, đó là tăng tốc. Tăng tốc để đạt được những mục tiêu đã đề ra là 20% số xã trở thành xã NTM vào năm 2015, 50% số xã NTM vào năm 2020, song điều quan trọng hơn là tăng tốc để giúp người dân đang sống ở các khu vực nông thôn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Lê Hân
theo danviet