Học tập đạo đức HCM

TP Hồ Chí Minh xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật - 14/04/2013 03:48
Sau ba năm thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bộ mặt nông thôn ở 6 xã được chọn thí điểm đã thay đổi rõ nét. Nhiều mô hình làm ăn đem lại hiệu quả được triển khai, thu nhập của người dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển.

Hiệu quả từ những mô hình


Đặc thù vùng nông thôn tại TP Hồ Chí Minh là nông thôn vùng ven đô thị đặc biệt, quy hoạch sản xuất định hướng trên địa bàn thuộc xã. Vì vậy, trong quá trình xây dựng đồ án quy hoạch có nhiều phức tạp hơn so với các địa bàn vùng thuần nông và một số vùng khác do quá trình phát triển đô thị công nghiệp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, đồng lòng của các cấp lãnh đạo và người dân mà chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của thành phố đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

 

Những sản phẩm nông nghiệp trong chương trình nông thôn mới được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.


Theo báo cáo của ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM TP Hồ Chí Minh, bên cạnh xã thí điểm NTM cấp trung ương là Tân Thông Hội (Củ Chi), từ năm 2010, thành phố triển khai thí điểm mô hình NTM tại 5 xã ở 5 huyện gồm Thái Mỹ (Củ Chi), Xuân Thới Thượng, (Hóc Môn) Tân Nhựt (Bình Chánh), Nhơn Đức (Nhà Bè) và Lý Nhơn (Cần Giờ) với tổng kinh phí thực hiện xây dựng NTM đến đầu năm 2013 là 6.900 tỷ đồng.


Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả tại 5 xã điểm ngày một giảm, cụ thể năm 2010 có 2.255 ha, đến nay còn khoảng 1.559 ha với nhiều mô hình cây trồng vật nuôi có hiệu quả cao như: rau an toàn, hoa lan, cá cảnh, bò sữa… Các trang trại chăn nuôi đều kết hợp công nghệ biogas xử lý ô nhiễm môi trường.

 

Thu nhập của người dân ngày càng nâng cao nhờ chuyển đổi cây trồng vật nuôi có hiệu quả.


Cụ thể như gia đình anh Huỳnh Nhơn Hùng, xã Nhơn Đức trồng hơn 10 ngàn m2 lan Derobium và Mokara, cắt cành thu nhập hơn 30 triệu đồng/tuần: các hộ nuôi cá cảnh ở xã Thái Mỹ, Tân Nhựt hay hộ chăn nuôi heo bò xã Thái Mỹ, Xuân Thới Thượng… cũng có thu nhập cao.


Chị Nguyễn Thanh Ngà, ấp chánh xã Tân Thông Hội (Củ Chi) chia sẻ: gia đình tôi có bảy nhân khẩu với 3.500 m2 đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa và hoa màu nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm chỉ đủ trang trải trong gia đình và đời sống rất khó khăn. Khi được vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị, tôi đã tham gia tập huấn về kỹ thuật trồng lan cắt cành và đã mạnh dạn đầu tư trồng hoa lan Mokara. Sau ba năm trồng hoa lan trên diện tích đất trồng lúa và hoa màu kém hiệu quả, gia đình tôi có thu nhập bình quân 20 - 25 triệu đồng/tháng mà chỉ cần hai lao động. Từ đó, gia đình tôi có cuộc sống ổn định.


Bên cạnh đó, các mô hình ngành nghề thủ công truyền thống như đan lát, se nhang, làm muối cũng được phục hồi và phát triển. Một số điển hình tiên tiến như bà Huýt ở xã Thái Mỹ, xây dựng cơ sở vệ tinh đan lát giỏ xuất khẩu sang thị trường Đông Á, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn. Theo đó, lao động làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn:

Chủ trương hợp lòng dân

Xây dựng NTM là chủ trương hợp lòng dân, đang nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân. Ở nhiều địa phương trong cả nước, xây dựng NTM đang trở thành phong trào sôi động, trong đó đã xuất hiện mô hình tiên tiến, năng động sáng tạo. Trong thời gian ngắn, bộ mặt nông thôn đã thay đổi. Cụ thể: những kết quả đạt được tại các xã điểm của TP Hồ Chí Minh đã minh chứng cho cách làm của thành phố đúng với tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương và có nhiều sáng tạo. Trong đó, có thể rút ra nhiều kinh nghiệm quý như sự quan tâm thường xuyên sâu sắc, của thành ủy, UBND, các ban ngành… và sự tham gia tích cực của các đoàn thể, nhân dân. Đặc biệt, bà con nông dân TP đã chủ động tham gia xây dựng NTM. Vì vậy TP đã về đích sớm hơn dự kiến. Với quyết tâm cao cùng với sự chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo thành phố, sự đồng thuận của người dân, bộ mặt nông thôn của thành phố sẽ thay đổi, nâng cao đời sống của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Đức - Chủ tịch UBND, Trưởng Ban quản lý - Xây dựng NTM 
xã Thái Mỹ:

Xây dựng NTM gắn với bảo vệ môi trường

Xã Thái Mỹ nằm hướng Tây Nam huyện Củ Chi, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh 42 km. Những năm gần đây, xung quanh Thái Mỹ đã mọc lên nhiều dự án phát triển công nghiệp khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước tình hình trên, ngoài việc yêu cầu các nhà máy và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các đơn vị làm ô nhiễm môi trường, xã Thái Mỹ còn chủ trương trồng nhiều cây xanh nhằm cải tạo, nâng cao chất lượng môi trường, góp phần xây dựng thành công Chương trình NTM. Do đó, chúng tôi đã triển khai chủ trương này đến các đoàn thể, xã ấp, cùng nhân dân thực hiện việc bảo vệ môi trường.Theo đó, trong 3 năm, bà con nhân dân trong xã đã trồng được 14.350 cây bóng mát và 6.000 cây cao, hoa kiểng, phủ kín màu xanh trên địa bàn xã. Đồng thời, có 98% hộ dân trong xã chăn nuôi gia súc xây dựng hầm biogas xử lý nước thải, các hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thuốc trừ sâu, chai lọ được thu gom có nơi có chỗ.

Anh Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Tân nhựt (Bình Chánh):

Nâng cao vai trò giám sát của người dân

Với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, xã Tân Nhựt đã tạo được sự đồng thuận, đồng lòng thực hiện NTM của người dân. Cụ thể năm 2009 huyện Bình Chánh đã xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND xã, Ủy ban mặt trận đã tổ chức 19 điểm hội nghị nhân dân để qua đó tuyên truyền cho nhân dân nắm rõ về chủ trương, mục tiêu của đề án NTM. Trong đó chúng tôi chú trọng đến phương án tiếp cận và dựa vào nội lực và do người dân làm chủ, để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Xác định xây dựng NTM sẽ có rất nhiều công trình triển khai đồng loạt, chúng tôi đã tổ chức bầu chọn tại 5 ấp, chọn ra 20 cá nhân tiêu biểu tham gia giám sát cộng đồng để nâng cao chất lượng đầu tư công cộng. Chúng tôi còn vận động những nhà dân gần công trình cũng tham gia giám sát. Việc thực hiện tốt công tác giám sát cũng là một tác động tích cực để các công trình thi công thực hiện nghiêm túc, chất lượng, đúng tiến độ, từ đó củng cố được lòng tin, nâng cao sự đồng thuận của người dân tham gia, góp phần nâng cao sự thành công của địa phương.

Anh Nguyễn Văn Trực, Tổng giám đốc Công ty nông nghiệp Sài Gòn:

Đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

Để nông dân trong các địa phương xây dựng NTM tiếp cận với những cây trồng, con vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao để chuyển đổi mô hình kinh tế, chúng tôi đã cung cấp những cây con giống có chất lượng tốt nhất giúp nông dân tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống thu nhập. Cụ thể: Chúng tôi đã thực hiện chuyển dịch cây cà tím cho bà con ở xã Tân Thông Hội, trước đây sản xuất cây cà tím bình thường năng suất trên dưới 25 tấn/ha nhưng khi chuyển đổi sang cây cà tím do công ty cung cấp năng suất đã tăng lên 45 tấn/ha. Thời gian tới chúng tôi thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi đa dạng và phong phú hơn như lợn, gà, bò sữa… cho người dân.


Ông Lê Phước Hồng, Chủ tịch UBND xã Lý Nhơn (Cần Giờ) cho biết: Nhờ chương trình xây dựng NTM mà nghề làm muối truyền thống tại xã đã được nhân rộng thành mô hình sản xuất muối sạch theo phương pháp kết tinh trên ruộng trải bạt; diện tích mở rộng hiện nay là 102 ha giải quyết cho 500 lao động trong xã.

 


Như vậy, việc khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, đã góp phần tăng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích 172,5%. Cụ thể, doanh thu 1 ha đất sản xuất năm 2009 chỉ đạt hơn 138 triệu đồng/năm, đến 2012 đã tăng lên 239 triệu đồng/ha.


Phát triển nhờ giao thông được nâng cấp


Tại các xã nằm trong chương trình xây dựng mô hình NTM, bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông. Hầu hết các tuyến đường giao thông chính đến các xã đã được nâng cấp, trải nhựa và bê tông hóa… bằng nguồn vốn xã hội hóa hoặc sự đóng góp của người dân vào xây dựng các công trình công cộng. Theo đó, đã có 911 công trình được xây dựng trong đó có 283 công trình giao thông.


Ông Lê Phước Hồng chia sẻ: xã Lý Nhơn là một xã vùng sâu vùng xa của TP Hồ Chí Minh, cách trung tâm huyện Cần Giờ 70 km. Khi được thành phố chọn là một trong 6 xã thí điểm xây dựng NTM, xã đã quyết định chọn việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông là động lực góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.


Từ đó, xã đã đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông như: nâng cấp nhựa trục đường chính liên xã dài hơn 20 km, tiếp đó nâng cấp nhựa bốn tuyến đường trục liên ấp và giao thông thủy lợi liên vùng dài trên 12 km, sau đó bê tông xi măng và rải cấp phối sỏi đỏ 3 tuyến nội ấp. Những công trình này đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Điển hình như tuyến đường Gốc Tre từ khi được nâng cấp đã tạo điều kiện cho nông dân ổn định và nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất trên 1.000 ha nuôi tôm do có điều kiện đi lại thuận lợi, vận chuyển vật tư và sản phẩm thu hoạch dễ dàng và giảm chi phí vận chuyển.


Bên cạnh đó, sau khi địa phương được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đặc biệt là giao thông, số lượng các doanh nghiệp về đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tăng gấp 4 lần so với trước.


Ông Lê Thanh Liêm, Phó trưởng ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM thành phố cho biết: hiện nay tại 5 xã có 28 doanh nghiệp đầu tư vào hỗ trợ cung ứng các dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân như công ty nông nghiệp Sài Gòn, liên hiệp hợp tác xã thương mại TP, Tổng công ty thương mại Sài Gòn. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các đoàn thể, đến nay đã có hơn 80 mô hình trình diễn và triển khai nhân rộng trên địa bàn 5 xã, góp phần tăng giá trị sản xuất và thu nhập cho nhân dân.


Như vậy, có thể nói việc xây dựng các cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, phát triển sản xuất nâng cao đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và thu hút đầu tư trong cộng đồng. Đa số các công trình xây dựng khi đi vào hoạt động đã phát huy rất tốt trong phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Từ đó, đã nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.


Nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững


Mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng xã NTM suy cho cùng là tạo thu nhập cao cho nông dân, làm cho nông thôn phát triển, đời sống vật chất tinh thần người dân không ngừng cải thiện.

 

Kết quả thực hiện thí điểm đề án xây dựng NTM trong 3 năm qua là: có 2 xã Tân Thông Hội, Thái Mỹ đã được 19/19 tiêu chí, 2 xã Lý Nhơn và Xuân Thới Thượng đạt 18/19 tiêu chí, 2 xã Tân Nhựt và Nhơn Đức đạt 17/19 tiêu chí. Qua đó, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện và điều chỉnh các nội dung của đề án thí điểm chương trình xây dựng NTM, đồng thời phát triển ngành nghề nông thôn tại 6 xã điểm và triển khai kế hoạch 2013. Với mục tiêu của thành phố là nhân rộng mô hình NTM ra 50 xã còn lại để đến năm 2015 tất cả 56/56 xã cơ bản đều đạt được 19 tiêu chí NTM.


Ông Lê Thanh Liêm cho biết: đến nay sau ba năm xây dựng thí điểm NTM ở 6 xã, việc phát triển sản xuất đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao, cải thiện đời sống nhân dân. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, tăng thu nhập cho nông dân. Cụ thể, tại 6 xã điểm, thu nhập bình quân là 31,5 triệu đồng/người/năm gấp 1,83 lần với trước khi xây dựng đề án. Ngoài ra, với chỉ tiêu hộ nghèo với mức quy định của trung ương 4,8 triệu đồng/người/năm thì tại các xã điểm đã không còn hộ nghèo. Còn với chuẩn nghèo của thành phố, tại các xã điểm đều đã nâng thu nhập hộ nghèo lên mức 12 triệu đồng/người/năm. Qua đó, đến nay chỉ còn 1.188 hộ với mức thu nhập 12 triệu đồng/người/năm.

 


Bên cạnh đó, để giảm nghèo bền vững, các cơ quan ban ngành đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn để ngay sau khi đào tạo, người tham gia có thể tìm kiếm việc làm hay có thể vận dụng kiến thức được đào tạo ngay trên địa bàn mình sinh sống. 

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo NTM thành phố, tổng số học viên đăng ký học nghề là 6.718 người, trong đó có việc làm là 5.386 lao động, chiếm tỉ lệ 80,7%. Bằng các giải pháp đào tạo nghề, tư vấn, hỗ trợ, giải quyết việc làm đã chuyển dịch 13.212 lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp thương mại dịch vụ. Hạ tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp bình quân tại 6 xã từ 30% (khi xây dựng đề án) đến cuối tháng 12/2012 chỉ còn 10%. 
Bên cạnh những mặt đã đạt được, việc xây dựng NTM còn gặp phải những khó khăn như việc đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn thành phố còn mới, ban quản lý xây dựng NTM chưa được đào tạo nên khi đi vào thực hiện còn lúng túng; công tác quy hoạch nông thôn còn chậm, không đồng đều, vẫn còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình xây dựng, gây kéo dài thời gian thực hiện dự án. Vốn đầu tư của các xã còn hạn chế…


Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Để chương trình xây dựng NTM tiếp tục mang lại lợi ích cho nhân dân, tạo nên diện mạo mới, chúng ta cần tiếp tục phát huy chất lượng các tiêu chí đã đạt tại 6 xã điểm; đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015, phát triển nông nghiệp đô thị hiệu quả và bền vững. Đồng thời, trong thời gian tới, các đề án xây dựng NTM tại các xã phải được chỉ đạo vào tổ chức thực hiện chặt chẽ nhất là việc lấy ý kiến của nhân dân, nhằm xác định các tiêu chí và bước đi cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. 

 

 

Đan Phương - Hoàng Tuyết
theo baotintuc

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập738
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại783,121
  • Tổng lượt truy cập93,160,785
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây