Âm thầm đi đầu
Cuối thập niên 1990, đầu những năm 2000, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp lấy lúa làm cây trồng chính sang các loại cây, con giá trị để nâng cao thu nhập người dân và gia tăng giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp, sau này được gọi là nền nông nghiệp đô thị, đã được TPHCM tiến hành. Ngay sau đó, khi đi tìm hiểu về Khu NNCNC nước ngoài, TPHCM xúc tiến việc thành lập Khu NNCNC. Vị trí ban đầu dự định gần ngã tư An Sương, trên quốc lộ 1A (đoạn thuộc quận 12) với diện tích khoảng 20ha. Khi gần như đã hoàn tất các bước chuẩn bị cho việc thi công thì TP lại chuyển địa điểm lên huyện Củ Chi - địa bàn được xác định sẽ là trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của TP sau này. Khu NNCNC được xây dựng tại xã Phạm Văn Hai trên diện tích gần 90ha. Cuối thập niên 2000, ngay từ trước khi được khánh thành, Khu NNCNC đã thu hút các nhà đầu tư vào để sản xuất các loại giống rau quả nhiệt đới… Nhìn lại mới thấy tầm nhìn của lãnh đạo TP khi đến giờ chót quyết định chuyển đổi vị trí, nếu vẫn xây dựng ở quận 12, bây giờ Khu NNCNC đã lọt thỏm vào các khu dân cư.
Lúc đó, đây là khu NNCNC đầu tiên của cả nước nên thu hút rất nhiều địa phương đến tìm hiểu. Sau đó, vấn đề NNCNC đã được nhiều địa phương quan tâm và hiện nay được phát triển khá mạnh ở nhiều nơi, đặc biệt là tỉnh Lâm Đồng, cũng như thu hút các nhà đầu tư từ nhiều lĩnh vực khác tham gia, nhất là từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại buổi gặp gỡ với thành viên Câu lạc bộ NNCNC (DAA) cuối năm 2016 ở TPHCM, khuyến khích các thành phần cũng như địa phương đầu tư vào NNCNC. Đồng thời, Chính phủ cho biết sẽ có gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho các dự án về NNCNC.
Cùng với Khu NNCNC, lãnh đạo TPHCM tính đến việc xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học với quy mô lớn nhất cả nước, cơ sở vật chất được đầu tư cả ngàn tỷ đồng. Cơ sở có quy mô trên 20ha (đặt tại quận 12) và nhiều trang thiết bị hiện đại, không chỉ nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ cao trong nông nghiệp mà còn nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực y tế, dược liệu, thực phẩm... Theo TS Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học, việc đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất này có vai trò dẫn dắt nền nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao - một chủ trương lớn của TP trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, đất đai bị hạn chế về diện tích. Bên cạnh đó, TP còn hình thành các chính sách nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này theo định hướng cụ thể.
Hiệu ứng lan tỏa
Giai đoạn 2011-2015 đã dần khẳng định tính tiên phong của Khu NNCNC trong việc góp phần phát triển nền NNCNC ở các huyện ngoại thành TP, cũng như tạo ra sự lan tỏa sang các tỉnh trong khu vực. Với vai trò là hạt nhân, Khu NNCNC đã và đang góp phần hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng sản xuất rau an toàn tại các huyện (Củ Chi có xã Tân Phú Trung, Nhuận Đức, Trung Lập Hạ; huyện Bình Chánh có xã Quy Đức, Hưng Long, Tân Quý Tây, Bình Chánh; huyện Hóc Môn có xã Xuân Thới thượng, Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn...), với gần 330 mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, tổng diện tích canh tác hơn 145ha. Ngoài ra, còn xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, cho năng suất đạt cao hơn từ 15% - 30% so với cách thức canh tác trước đây. Đó là vùng sản xuất hoa lan ở huyện Củ Chi (tại xã Tân Thông Hội, Tân An Hội, Phước Hiệp, Trung An, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội). Các mô hình này được giới thiệu, chuyển giao và ứng dụng để tăng sản lượng và thu nhập của nông dân; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của TP. Hiện nay, TPHCM đang tiến tới việc mở rộng cũng như thành lập các khu NNCNC mới ở các huyện còn lại, phù hợp cho từng nhu cầu cây con.
Theo TS Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC TP, nhiều tiến bộ kỹ thuật của khu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật quốc gia, và được triển khai cho bà con nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp. Để có thể hỗ trợ bà con nông dân hưởng lợi trực tiếp từ các thành tựu của Khu NNCNC, Ban Quản lý đang xây dựng 2 đề án. Đó là, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để chuyển giao các thành tựu mới trong sản xuất; đề án về việc liên kết Khu NNCNC TPHCM với các khu NNCNC, trung tâm ứng dụng NNCNC, trung tâm công nghệ sinh học ở các tỉnh, thành, nhằm liên kết hình thành các chuỗi ngành hàng hàng chủ lực cung cấp cho thị trường nôi địa và xuất khẩu.
Có thể nói, TPHCM có bước đi khá bài bản, từ đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư con người, cùng với chính sách cho vay vốn và hỗ trợ lãi vay theo danh mục cụ thể, dành cho bà con nông dân và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đã trở thành địa phương dẫn đầu với vai trò hỗ trợ và dẫn dắt cho cả khu vực.
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã