Học tập đạo đức HCM

Tăng nhanh thu nhập là mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Ðồng Nai

Thứ hai - 08/07/2013 20:19
Là tỉnh công nghiệp phát triển, nhưng Ðồng Nai vẫn có hơn 60% số dân gắn bó với nông nghiệp, nông thôn. Do đó, xây dựng nông thôn mới (NTM) có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt để Ðồng Nai hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện. Thực hiện mục tiêu này, Ðồng Nai chọn huyện miền núi, thuần nông Xuân Lộc làm điểm. Qua ba năm triển khai, cuối năm 2012, Xuân Lộc đã có 5/14 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Trong năm nay, huyện tiếp tục phấn đấu có thêm sáu xã hoàn thành và đây là cơ sở quan trọng để đến cuối năm 2014 là huyện đầu tiên của Ðồng Nai hoàn thành chương trình NTM.

Thu hoạch bắp ở Câu lạc bộ Bắp năng suất cao ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc.
Thu hoạch bắp ở Câu lạc bộ Bắp năng suất cao ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc.

Xã đặc biệt khó khăn hoàn thành nông thôn mới

Suối Cao, xã đặc biệt khó khăn của huyện Xuân Lộc giờ đây đã có bước chuyển mình đi lên mạnh mẽ và ngoạn mục khi hoàn thành chương trình NTM vào năm 2012. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét và ngày càng xuất hiện nhiều hộ nông dân tỷ phú gắn chặt với mô hình phát triển kinh tế hộ bền vững.

Ông Lê Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiêu năng suất cao ấp Gia Lào, xã Suối Cao dẫn chúng tôi đi thăm các vườn tiêu xanh rờn, trĩu quả và kể lại những tháng, năm khó khăn của xã đặc biệt khó khăn này: "Gần 10 năm về trước, toàn bộ 470 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu của ấp Gia Lào là hộ nghèo, cận nghèo. Lúc ấy, cái nghèo vẫn đeo bám các hộ dân sinh sống dưới chân núi Gia Lào - ngọn núi hoang sơ có độ cao 800 m so với mực nước biển ở xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc".

Nhận thấy sự thiếu hiệu quả trong việc làm ăn manh mún, tự phát, thời điểm đó chính quyền xã và người dân trong ấp đã quyết định dùng số vốn vay được từ Chương trình 135, tập trung cải tạo lại vườn tạp để trồng tiêu - một loại cây khá phù hợp với chất đất địa phương. Không chỉ mạnh dạn đầu tư khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, người dân ở đây còn tích cực tham gia các câu lạc bộ năng suất cao theo chủ trương của xã để học hỏi tích lũy kinh nghiệm, cùng nhau phát triển kinh tế. Nhờ đó, chỉ một thời gian sau, gần 200 ha tiêu của người dân trong ấp đã tăng vọt về năng suất, từ 0,8 tấn/ha lên đến hơn 5 tấn/ha như hiện nay.

Ðiển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Kim, trước năm 2005, dù có hơn 1,5 ha tiêu nhưng do trồng xen canh nên thường xuyên bị sâu bệnh, năng suất thấp, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Từ khi tham gia câu lạc bộ, được tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật, chị Kim đã cải tạo vườn tiêu theo mô hình chuyên canh, đồng thời áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm bón phân qua đường ống nên năng suất đạt gần tám tấn một vụ, lợi nhuận hơn 400 triệu đồng một năm. Ông Lê Nam cũng cho biết thêm: "Quyết định mạnh dạn cải tạo vườn tạp, áp dụng các tiến bộ khoa học lúc ấy là cột mốc quan trọng để ấp Gia Lào hôm nay trở thành ấp tỷ phú. Sở dĩ người dân địa phương gọi ấp Gia Lào với cái tên ấp tỷ phú là bởi hiện nay hầu hết các hộ dân ở đây đều có kinh tế ổn định, có nhiều hộ thu nhập một năm lên tới hàng tỷ đồng".

Từ hiệu quả mô hình kinh tế này, xã Suối Cao đã tập trung xây dựng thêm 28 câu lạc bộ, liên hiệp câu lạc bộ năng suất cao với hơn 500 hội viên tham gia chuyên canh 560 ha cây trồng. Qua đó, thu nhập bình quân đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/ha, tăng hơn 20 triệu đồng/ha so với các hộ dân chưa tham gia câu lạc bộ. Ngoài ra, xã cũng xây dựng nhiều hợp tác xã cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðây là tiền đề quan trọng dẫn đến đời sống kinh tế của người dân ở ấp Gia Lào ngày càng đi lên, thể hiện rõ nhất khi bình quân GDP đầu người liên tục tăng qua từng năm, đến nay đã đạt hơn 35 triệu đồng/năm.

Kinh nghiệm của huyện Xuân Lộc

Xuất phát điểm là một huyện thuần nông, đất đai, khí hậu cũng giống như các địa phương khác, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện NTM, huyện Xuân Lộc đưa ra mục tiêu là phải tăng thu nhập trên một diện tích đất sản xuất. Từ đó, huyện thuần nông này chọn ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật làm khâu đột phá và đó là bí quyết giúp Xuân Lộc xuất hiện ngày càng nhiều vùng chuyên canh rộng lớn. Trên cơ sở này, trong hai năm qua, huyện đã thành lập 282 câu lạc bộ, 15 liên hiệp câu lạc bộ năng suất cao theo từng loại cây trồng, tạo ra hàng loạt cánh đồng mẫu lớn như bắp, tiêu, chôm chôm, sầu riêng... cho thu nhập lên tới hơn 200 triệu đồng/ha. Nhờ đó, chỉ sau ba năm triển khai xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm từ 8,11% xuống còn 2,41%, hiện chỉ còn 1.160 hộ nghèo; GDP bình quân đầu người năm 2008 chỉ đạt 11 triệu đồng thì đến năm 2012 đã nâng lên hơn gấp đôi gần 27 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết: "Bên cạnh đột phá từ khâu sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm huyện Xuân Lộc đúc kết được trong quá trình xây dựng NTM là huy động nguồn lực trong dân, "lấy sức dân chăm lo cho dân". Cụ thể, tại xã Xuân Ðịnh, nguồn lực trong dân đóng góp đã tạo ra sự chuyển biến rất lớn và đã giải thích tại sao Xuân Ðịnh lại đi đầu cả nước về xây dựng NTM. Chỉ tính riêng năm 2011, trong tổng vốn hơn 5,3 tỷ đồng đầu tư để xây dựng NTM, nông dân đã đóng góp tới 4,3 tỷ đồng. Ngoài ra, trước tình hình nguồn vốn dành cho xây dựng NTM còn eo hẹp, huyện Xuân Lộc quyết định không bỏ tiền ra thuê các đơn vị tư vấn, thiết kế xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình văn hóa... mà giao cho phòng kinh tế hạ tầng huyện thực hiện. Từ việc làm này, trong năm 2012, huyện Xuân Lộc đã tiết kiệm được gần 45 tỷ đồng. Tất cả số tiền này được huyện tiếp tục đầu tư cho các công trình dân sinh khác, điều này đã được người dân đồng thuận, nhất trí cao.

Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Trần Anh Tuấn cho biết: "Có nhiều bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình xây dựng NTM, nhưng quan trọng hơn hết là làm sao để cho dân thấy được cái lợi của chương trình NTM mang đến cho chính người dân. Muốn làm được điều này, huyện đã xây dựng những mô hình sản xuất cụ thể, hiệu quả kinh tế cao, thiết thực để cho dân thấy và cùng tham gia làm theo. Có sự đồng thuận trong dân, xây dựng NTM dứt khoát sẽ thực hiện được".

Mục tiêu tăng năng suất trên cùng một diện tích

Hiện Ðồng Nai là địa phương dẫn đầu ở khu vực Ðông Nam Bộ với sáu xã Xuân Ðịnh, Xuân Phú, Bảo Hòa, Suối Cao, Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) và xã Xuân Tân (thị xã Long Khánh) đã hoàn thành các tiêu chí NTM. Theo thống kê, trong hai năm qua, tổng nguồn vốn huy động để đầu tư xây dựng nông thôn mới tại 136 xã nông thôn mới của tỉnh là gần 2.600 tỷ đồng, trong đó, trung ương hỗ trợ gần 84 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 2.200 tỷ đồng, số còn lại do người dân và doanh nghiệp đóng góp. Ðến năm 2015, Ðồng Nai phấn đấu sẽ hoàn thành NTM ở 34 xã điểm và nâng thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn lên hơn 26 triệu đồng/người/năm, tăng 1,2 lần so với năm 2010; giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt gần 92,5 triệu đồng/ha/năm và cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh...

Quan điểm của tỉnh Ðồng Nai nếu xây dựng NTM mà chỉ "chăm bẵm" làm đầy đủ kết cấu hạ tầng, trong khi đời sống của người dân không được cải thiện thì không nên làm. Cần thẳng thắn nhìn nhận, nhiều địa phương ở Ðồng Nai nói riêng và cả nước nói chung vẫn xem việc xây dựng NTM chỉ là đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng điện - đường - trường - trạm... mà quên đi làm cách nào để thu nhập của nông dân tăng lên bền vững. Trong khi đó, xu hướng của nông dân hiện nay là mất dần đất đai, sản xuất lệ thuộc vào thời tiết, thị trường nên nhiều nơi nông dân đang có cuộc sống rất bấp bênh. Trước tình hình này, tỉnh Ðồng Nai chỉ đạo các địa phương trong tỉnh dựa trên lợi thế của mình phải nâng cao thu nhập cho nông dân trên cùng một diện tích nông nghiệp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðồng Nai Phạm Minh Ðạo đánh giá: "Qua thực tế, nhiều địa phương ở Ðồng Nai đã tìm ra bước đột phá trong sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, nên chương trình NTM có chuyển biến rất tốt. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật và ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong sản xuất để tăng năng suất, chất lượng trên một diện tích cây trồng".

Từ kinh nghiệm thực tiễn của huyện Xuân Lộc, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2015, Ðồng Nai đưa 34 xã điểm hoàn thành chương trình NTM, tỉnh sẽ tập trung thực hiện những giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất nông nghiệp. Bởi, việc nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó tạo ra được sự tin tưởng, đồng lòng trong dân chính là "cây cọ vàng" để vẽ nên bức tranh nông thôn mới ở Ðồng Nai.

 

BÀI VÀ ẢNH: CAO TÂN

Theo nhandan.org.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập537
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại756,526
  • Tổng lượt truy cập93,134,190
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây