Các đánh giá đều khá lạc quan
Năm nay, Chính phủ yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương nắm thật chắc tình hình thế giới và trong nước để xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách thật cụ thể. Kịch bản này được xây dựng cho từng quý, kèm theo những kiến nghị, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện nhằm đạt mục tiêu cao nhất. Từ các kịch bản của từng bộ, ngành, lĩnh vực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ dựng nên bức tranh toàn cảnh về tăng trưởng sát thực nhất ở mức có thể của nền kinh tế Việt Nam năm nay. Theo kế hoạch thì ngày 15-3, Bộ KH&ĐT phải trình Chính phủ kịch bản tăng trưởng của năm 2018.
Tuy kịch bản chính thức chưa được Bộ KH&ĐT đưa ra, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, kinh tế Việt Nam năm 2018 hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% mà Quốc hội giao, thậm chí có thể đạt mức cao hơn.
Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô hai tháng đầu năm 2018 vừa được công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng: Hoạt động sản xuất tiếp tục có diễn biến tích cực nhờ những chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP. Thậm chí, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, tăng trưởng năm nay có thể lên tới 6,8%, nếu các chính sách cải thiện bên cung phát huy tác dụng thì dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức cao.
Mua sắm tại hệ thống siêu thị Co.op Mart (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: HÙNG KHOA.
Trong khi đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF)-Bộ KH&ĐT cho rằng, kinh tế Việt Nam năm nay có thể diễn ra theo 3 kịch bản. Kịch bản trung bình, có nhiều khả năng xảy ra nhất, tăng trưởng GDP là 6,71%, lạm phát khoảng 3,8%. Kịch bản GDP tăng cao nhất là 7%, lúc đó lạm phát sẽ khoảng 4,8%. Còn kịch bản GDP thấp nhất là 6,31%, lạm phát là 4,2%. Theo NCIF, kịch bản tăng trưởng GDP tới 7% tuy ít khả năng xảy ra nhưng cũng có thể đạt được, nếu các nỗ lực cải cách kinh tế được thực thi hiệu quả.
Những tín hiệu tích cực cho quý I
Thực tế là tiếp theo đà tăng trưởng cao của năm 2017, nền kinh tế tiếp tục xu hướng tích cực trong hai tháng đầu năm nay. Một trong những chỉ số quan trọng nhất tác động tới tăng trưởng kinh tế là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong hai tháng đầu năm nay tăng tới 15,2% so với cùng kỳ, cao hơn 6 lần so với mức tăng 2,4% của cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh là cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng GDP của quý I sẽ cao hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng 5,15% của quý I-2017. Thậm chí, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn đã rất lạc quan khi cho rằng, tổng hợp các số liệu vĩ mô hai tháng đầu năm, có cơ sở để tự tin với tăng trưởng GDP quý I-2018 sẽ tương đương như nửa cuối năm 2017, ở kịch bản tốt, có thể chạm ngưỡng 8%.
Nói về những tác động tích cực của việc Hiệp định CPTPP được ký kết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, mặc dù phải tới đầu năm 2019, các điều khoản của hiệp định mới được thực thi, sau đó các hiệu quả xuất khẩu mới có trên thực tế, nhưng ngay từ bây giờ, nền kinh tế Việt Nam đã có thể hưởng lợi từ việc đón nhận các luồng đầu tư FDI mới để đón đầu CPTPP. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong tin tưởng con số tăng trưởng 6,7% mà Chính phủ đưa ra là hoàn toàn khả thi.
Về lợi ích của việc ký Hiệp định CPTPP, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, theo nhiều nghiên cứu khác nhau, lợi ích gián tiếp còn cao hơn nhóm lợi ích trực tiếp mở cửa thị trường. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), lợi ích trực tiếp tăng trưởng có thể giúp tăng 1% GDP nhưng gián tiếp có thể giúp tăng 3,6 điểm phần trăm trong GDP. Hiệp định còn có lợi ích khác như lợi ích từ phi thuế quan. Khi các nước có Hiệp định Thương mại tự do (FTA), tức chấp nhận luật chơi chung, theo một chất lượng quản lý, thương mại, thì có sự tin tưởng nhau hơn. Vì vậy, nhiều trường hợp, rào cản phi thuế quan giữa các nước giảm đi nhiều.
Cẩn trọng với lạm phát và tỷ giá
Chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh cho rằng, dù kinh tế năm 2018 là khả quan, song vẫn còn rất nhiều rủi ro cần phải lường trước và thận trọng trong điều hành, trong đó rõ nét nhất là lạm phát. Cũng theo ông Cao Viết Sinh, một rủi ro nữa mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2018 là xu hướng bảo hộ thương mại của Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng tới thương mại và kinh tế toàn cầu. Có thể những ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam không lớn, nhưng những đổi thay chính sách của Mỹ, bao gồm cả việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất USD, gây áp lực đến tỷ giá và giá trị của đồng Việt Nam, gây hệ lụy với xuất nhập khẩu, tới ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Về chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng khá cao trong hai tháng đầu năm, NCIF cảnh báo rằng, CPI tăng cao có thể tác động đến tâm lý tiêu dùng, làm giảm tiêu dùng tư nhân, củng cố xu hướng tiết kiệm của hộ gia đình.
Bình luận về vấn đề này, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kinh tế Việt Nam đang rất mở nên sẽ phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, kinh tế thế giới được dự báo vẫn có chiều hướng tích cực, tuy nhiên không có mức độ lớn như năm 2017. Thế giới cũng đối mặt với nhiều rủi ro lớn liên quan đến các căng thẳng địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số khu vực như chế biến-chế tạo, bất động sản, dịch vụ. Các ngành này trong năm tới có thể vẫn phát triển nhưng khả năng bứt phá sẽ không mạnh mẽ như năm 2017. Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành tin rằng, mục tiêu tăng trưởng năm 2018 được Quốc hội thông qua là từ 6,5 đến 6,7% sẽ đạt được.
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 2-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu, khẩn trương đề xuất các nhiệm vụ, đối sách kịp thời trước việc nhiều nước lớn đang điều chỉnh chính sách, như: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng thuế một số mặt hàng nhập khẩu, dựng hàng rào thương mại, tăng lãi suất... Thậm chí, một số dấu hiệu gần đây cho thấy, có thể sẽ có những cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn. Điều này có thể sẽ gây những tác động bất lợi đến một nền kinh tế xuất khẩu như Việt Nam, đòi hỏi phải có chính sách ứng phó linh hoạt, kịp thời.
Nguồn: qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã