Đáng mừng hơn, những cửa hàng này không chỉ xuất hiện tại quận trung tâm thành phố mà còn lan tỏa, được đón nhận tại các quận, huyện xa trung tâm; doanh thu cũng không hề giảm mà còn có xu hướng tăng.
Việc gắn logo không chỉ được các cửa hàng bán trái cây mà ngay cả người tiêu dùng cũng nồng nhiệt đón nhận. Họ cho rằng đề án đã tạo ra thói quen thương mại mới bởi trước đây, lo ngại chất lượng trái cây không đảm bảo, thì nay yên tâm hơn với cửa hàng gắn logo.
Rõ ràng, từ ý tưởng ban đầu cho đến sự triển khai đồng bộ của các sở, ngành, quận, huyện và doanh nghiệp là kinh nghiệm tốt cho nhiều nơi khác. Một thói quen mua bán mới, công khai và trách nhiệm hơn đã sớm đi vào cuộc sống Thủ đô - 1 trong 2 thị trường tiêu dùng lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, điều được doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm là khi đề án này hết thời hạn triển khai (cuối năm 2018), TP. Hà Nội sẽ làm gì để duy trì bền vững thói quen thương mại đã lâu lắm mới xuất hiện trên thị trường tiêu dùng Thủ đô. Nhiều chuyên gia cho rằng, không nhất thiết phải quy định thời hạn gắn biển mà thay vào đó, sau khi vai trò đặt nền móng của UBND thành phố kết thúc, các quận, huyện phải vào cuộc theo phong cách hậu kiểm. Trong trường hợp cần thiết, có thể rút biển nhận diện nếu cửa hàng vi phạm.
Đại diện một số doanh nghiệp trực tiếp tham gia cho rằng thành phố nên tiếp tục tuyên truyền tới người tiêu dùng nhằm tạo nhận diện mạnh hơn về biển cửa hàng trái cây an toàn. "Nếu người tiêu dùng biết đến logo như một thương hiệu, điều đó cho thấy chúng ta đã thành công" - đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tổ chức các hội nghị giao thương, liên kết người sản xuất - kinh doanh - tiêu dùng bởi khi sản phẩm có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng và giá cạnh tranh thì người tiêu dùng khó có thể đứng ngoài cuộc.