Những "hạt giống đỏ" trên đồng ruộng
Sau bốn năm học ngành Chăn nuôi thú y tại Trường đại học Nông nghiệp 4, chị Cao Thị Hòa (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) quyết tâm mang kiến thức của mình về làm giàu quê hương. Nghĩ là làm, chị đầu tư chăn nuôi heo theo mô hình chuồng trại tiên tiến trên vùng đất giồng cát quê mình. Nhờ có kiến thức chuyên môn tốt, nên công việc chăn nuôi của chị Hòa đạt hiệu quả cao, từ đó tạo sự khích lệ cho nhiều nông dân khác. Năm 2000, chị Hòa trở thành hội viên Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng và chỉ hai năm sau, chị được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Với tác phong cùng làm, cùng rút kinh nghiệm, chị nắm bắt nhanh các việc đồng áng, mùa màng.
Không những vậy, chị còn mạnh dạn cùng đứng ra thành lập Hợp tác xã Sơ chế rau, củ, quả cho nông dân. Nhờ đó, việc bao tiêu sản phẩm từ mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của địa phương luôn được duy trì ổn định. Hơn 10 năm tham gia công tác hội ở cơ sở, đến năm 2011, chị Cao Thị Hòa được kết nạp Đảng.
Đó là nguồn động viên to lớn đối với quá trình nỗ lực phấn đấu của bản thân. Đứng vào hàng ngũ những người cộng sản, chị Hòa thấy mình phải có trách nhiệm hơn trong công việc. Không chỉ tìm đường hướng sản xuất, chăn nuôi làm sao cho hiệu quả, người nữ đảng viên ấy còn vận động nông dân tham gia thực hiện mô hình VietGAP; giúp hội viên nông dân tiếp cận với các khoản vay ngân hàng để vượt nghèo, thoát khổ; tạo việc làm cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn... Là đảng viên, chị còn đặc biệt chú tâm đến công tác phát triển đảng viên bằng cách giới thiệu quần chúng ưu tú cho chi bộ để bồi dưỡng kết nạp. "Đến nay, Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng đã có 33 đảng viên. Nhiều đồng chí trước đây vốn là nông dân nghèo nhưng đã biết vượt khó và làm giàu trên quê hương mình. Tuy nhiên, xã còn hàng trăm nông dân ưu tú song do trình độ học vấn còn hạn chế nên cấp ủy rất khó kết nạp Đảng cho họ", chị Hòa tâm tư! Đến xã Phong Phú (huyện Bình Chánh), chúng tôi ngạc nhiên khi nghe bà con nông dân kể về mô hình "nuôi cá lia thia trong chậu" mà thoát nghèo bền vững. Vùng đồng đất Phong Phú xưa nay vốn trũng và ngập mặn sáu tháng mỗi năm nên không thể làm gì.
Thế nhưng, từ khi đảng viên Đỗ Văn Thảo đưa cá lia thia về nuôi trong chậu thì nông dân trong ấp đã được "khai sáng" bởi mô hình này không tốn diện tích, đầu ra đa dạng và con giống không khó tìm. Từ mô hình của đảng viên Thảo, rất nhiều nông dân nuôi cá lia thia đã vươn lên làm giàu. 38 tuổi, Đỗ Văn Thảo vui mừng cho biết: "Với vai trò đảng viên, tôi thấy nhiều hội viên nông dân vươn lên làm giàu từ nghề nuôi cá lia thia, trở lại giúp hội viên khó khăn hơn bằng con giống, kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi. Gia đình tôi hiện có sáu nghìn con cá lia thia chuẩn bị xuất bán, trung bình mỗi tháng thu nhập 10 triệu đồng". Hiện, Hội Nông dân xã Phong Phú có 908 hội viên, 32 hội viên nông dân trở thành đảng viên từ các mô hình sản xuất như thế.
Để có thêm nhiều đảng viên nông dân
"Đến nay, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh có 3.319 đảng viên/79.536 hội viên, chín tháng đầu năm 2014, chỉ có 26 nông dân chính thức được kết nạp Đảng, đây là con số khiêm tốn so với nguồn nông dân ưu tú trên toàn địa bàn năm huyện ngoại thành thành phố", đó là đánh giá của Thành ủy TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị "Thực trạng và phương hướng phát triển đảng viên trong giai cấp nông dân" vừa diễn ra.
Từ năm 2010 đến nay, chi bộ các ấp thuộc năm huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh đã kết nạp được 211 hội viên nông dân trở thành đảng viên (trung bình kết nạp được hơn 50 đảng viên là nông dân/năm). Tại Huyện ủy Củ Chi, bốn năm qua, đã xét kết nạp Đảng cho 132 nông dân.
Đại diện lãnh đạo Huyện ủy Hóc Môn cho biết, hầu hết nông dân cốt cán đều đã lớn tuổi, chuyển ngành nghề hoặc đứng ra cho thuê đất. Huyện ủy Hóc Môn cũng rất linh động khi xem xét kết nạp 19 đảng viên mới, phần lớn là nông dân có hộ khẩu ở nơi khác thuê đất sản xuất trên địa bàn Hóc Môn. Cũng như vậy, dù rất cố gắng tạo nguồn nhưng các năm qua, Huyện ủy Bình Chánh chỉ kết nạp thêm 25 đảng viên là nông dân; Huyện ủy Nhà Bè kết nạp thêm 26 đảng viên là nông dân; Huyện ủy Cần Giờ kết nạp thêm 10 đảng viên là nông dân.
Như vậy, với 436 chi bộ ấp, khu phố tại các huyện ngoại thành của thành phố thì trong bốn năm qua, mỗi năm từng chi bộ kết nạp được chưa đến một đảng viên, đây thật sự là con số "hết sức khiêm tốn".
Nguyên nhân hạn chế được lãnh đạo nhiều địa phương chỉ ra là do sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang lĩnh vực khác rất mạnh; quá trình đô thị hóa nên nguồn kết nạp Đảng trong nông dân thu hẹp; phần đông nông dân đều lớn tuổi, trình độ học vấn chưa cao, ít tham gia công tác xã hội. Về chủ quan, do các cấp ủy, chi bộ chưa có giải pháp cho công tác tạo nguồn từ nông dân sản xuất giỏi, nông dân tiêu biểu; công tác giới thiệu nông dân ưu tú vào Đảng còn hình thức, thiếu sự quan tâm giúp đỡ tiếp theo khi đã hoàn tất bàn giao hồ sơ đối tượng đảng cho cấp ủy.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Tiêu chí về trình độ học vấn đang là khó khăn lớn nhất với nông dân thành phố khi phấn đấu vào Đảng. Năm huyện ngoại thành của TP Hồ Chí Minh có hơn 13 nghìn đoàn viên, thanh niên, hơn 200 nghìn hội viên phụ nữ là nông dân, sinh sống và trưởng thành trên đồng đất quê hương. Thiết nghĩ, cấp ủy các cấp cần có giải pháp riêng với từng đối tượng cảm tình đảng là nông dân, giúp họ khắc phục khó khăn trong đời sống, tạo điều kiện tốt nhất cho họ nâng cao trình độ, để những nông dân ưu tú có nguyện vọng, phấn đấu tốt hơn trở thành đảng viên.
BÀI VÀ ẢNH: LÊ MẠNH, MINH ANH
Theo nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã