* Cảnh báo nguy cơ tàn lụi các vùng cây có múi và đề xuất cấp bách
Một bộ giống cam, chanh, bưởi không hạt, rải vụ đã được chọn ra cho sản xuất như các giống cam V2, BH, Hamlin, CT36... Đến nay, các loại quả cam không hạt, bưởi da xanh vẫn giữ giá ở mức trên dưới 2 USD/kg.
Các loài Citrus ưa nhiệt như bưởi, cam sành, chanh tây (Limon) và chanh ta (Lime) có thể phát triển rất tốt ở các tỉnh phía Nam và phía Bắc. Các loài cam ngọt, quýt, chanh, bưởi có thể trồng rộng rãi ở các tỉnh Bắc Trung Bộ trở ra và vùng cao ở Tây Nguyên. Các giống bưởi chất lượng cao hàng đầu thế giới như bưởi da xanh, Năm Roi; các giống cam không hạt như V2, BH, C36, Hamlin và cam Xã Đoài có thể phát triển trên quy mô công nghiệp. Năng suất cam không hạt ở một số doanh nghiệp và trang trại có thể đạt trên 70 tấn/ha từ năm thứ 5 thứ 6; trung bình có thể đạt 30-40 tấn/ha với các nguồn giống sạch bệnh.
Bưởi là thế mạnh quốc gia. Bưởi da xanh của Việt Nam được coi là "hoa hậu bưởi quốc tế". (Ảnh: Lê Hoàng Vũ) |
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017, sản lượng bưởi toàn quốc đạt 571,3 nghìn tấn, tăng 13,4% so với năm 2016. Cây bưởi là thế mạnh quốc gia, rất nhiều giống bưởi khác nhau được phổ biến trên khắp cả nước. Đặc biệt là 2 giống bưởi da xanh và Năm Roi không hạt. Bưởi da xanh được các nhà khoa học gọi là hoa hậu bưởi quốc tế, dễ tính, dễ trồng so với cam, khả năng thích nghi rộng, đã và đang được mở rộng trồng ở cả hai miền Nam - Bắc. Hiện tại, vùng ĐBSCL có diện tích và sản lượng bưởi da xanh lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, diện tích mở rộng bưởi ở vùng này hạn chế. Cần sớm quy hoạch vùng sản xuất công nghiệp bưởi da xanh.
Qua nghiên cứu lịch sử phát triển cam ở nước ta, với thực tiễn nghiên cứu và sản xuất các giống Citrus không hạt ở các địa phương khoảng 20 năm qua, chúng tôi tin chắc rằng Việt Nam có thể sản xuất cam và bưởi không hạt quy mô công nghiệp để xuất khẩu. Đặc biệt, trong số các nước ASEAN, chỉ có nước ta có ưu thế khí hậu trong sản xuất cam ngọt (Citrus sinensis). Tuy nhiên cần một chiến lược phát triển bền vững với các yêu cầu nghiêm ngặt, nếu không hệ lụy sẽ rất khôn lường.
Phát triển sản xuất cây có múi nóng, trong khi các vườn mới trồng đều nhiễm bệnh, nhiều vườn 100% số cây bị bệnh ngay từ trong vườn ươm. Các vùng cam lớn đang có nguy cơ bị tàn lụi.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cam, bưởi, quýt nằm trong top 15 loại cây trồng có diện tích lớn nhất (trên 100.000ha) và sản lượng lớn nhất (trên 100.000 tấn/năm). Năm 2017, đã có 22.000ha cây ăn quả có múi trồng mới so với năm 2016, trong đó, diện tích cam hiện tại là 90.000ha, tăng 10.000ha; diện tích bưởi tăng 13.000ha so với năm 2016.
Rất tiếc rằng hầu hết diện tích trồng mới cây có múi đều lấy từ các nguồn giống chất lượng thấp. Các cây mẹ cung cấp mắt ghép đã bị nhiễm bệnh Vàng chồi (Hoanglongbing – HLB hay trước đây thường gọi là bệnh Greening), bệnh Tristeza và các bệnh lây nhiễm khác. Các vườn ươm nhân giống mọc ra như nấm. Việc sản xuất và vận chuyển giống từ vùng này sang vùng khác hoàn toàn không được kiểm soát. Các giống cam quýt nhiễm bệnh, đặc biệt nhiễm bệnh nặng như cam đường Canh, đã được chuyển đến trồng ở mọi vùng miền đất mới. Chúng tôi đã thực hiện việc chẩn đoán các bệnh HLB và Tristeza ở các vùng cam quýt (Hòa Bình, Nghệ An, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Giang, Tuyên Quang...). Kết quả cho thấy hầu hết các vườn bị nhiễm cả 2 bệnh; các vườn trồng xen cam với quýt đường Canh, 100% số cây bị bệnh.
Đây thực sự đã và sẽ là thảm họa cho công nghiệp Citrus của nước ta. Rất tiếc tình trạng này đã được các nhà khoa học cảnh báo nhiều nhưng không có người nghe. Theo dự đoán của chúng tôi, các vùng cam quýt đang phát triển đậm đặc hiện nay có thể sẽ rất sớm bị tàn lụi. Diện tích cam quýt tàn lụi mỗi năm dự kiến vào khoảng 20% tổng diện tích.
Chúng tôi xin đơn cử một số thiệt hại do bệnh HLB ở Mỹ; nơi căn bệnh này được nghiên cứu và giám sát chặt chẽ nhất để chúng ta tham khảo.
Bệnh HLB (bệnh Vàng chồi Greening) được coi là bệnh có sức tàn phá lớn nhất so với tất cả các bệnh ở cam quýt, bệnh dịch đã gây hại ở trên 40 nước và đã lan truyền ở 15 bang trên nước Mỹ. Hiện tại, trên thế giới chưa có chiến lược kiểm soát bệnh đầy đủ. Bệnh lần đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc năm 1919; tại Hoa Kỳ, cây bệnh được xác định lần đầu ở Florida vào tháng 8 năm 2005. Đến nay, ở Florida, ước tính khoảng 80% cây cam quýt bị nhiễm bệnh, một số cây và vườn bị tàn phá.
Sản lượng cam quýt của Hoa Kỳ liên tục giảm từ năm 2008 đến 2016, từ 11,5 triệu tấn năm 2008, xuống còn 7,8 triệu tấn năm 2016 (FAO, 2017). Với dự báo hiện tại là 6,16 triệu tấn năm 2017/18, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự kiến sản lượng cam quýt của Mỹ sẽ giảm 21% so với mùa trước. Sự sụt giảm do bệnh phản ánh sự giảm sản xuất ở tất cả các loại cây có múi chính và ở bốn bang sản xuất chính (Florida, California, Texas và Arizona). Xu hướng giảm trong dài hạn trong sản xuất cam chủ yếu là do bệnh HLB (Greening) ở cây có múi. Tốc độ lan truyền bệnh rất nhanh, từ khi phát hiện cây bệnh đầu tiên, sau 10 tháng số cây nhiễm bệnh trong vườn lên đến 39%. Ban đầu, hầu hết người trồng đã loại bỏ cây bị nhiễm bệnh, nhưng do bệnh lan truyền nhanh chóng khiến người trồng phải ngưng sản xuất.
Kể từ năm 2009, USDA đã đầu tư hơn 400 triệu đô la để nghiên cứu giải quyết vấn đề bệnh HLB ở cây có múi, bao gồm hơn 57 triệu đô la thông qua Chương trình Nghiên cứu Bệnh và Khuyến nông cây có múi Citrus từ năm 2014.
Thu hoạch bưởi ở ĐBSCL (Ảnh: Lê Hoàng Vũ) |
Đáng lo ngại nhất đối với sản xuất Citrus hiện nay là nhận thức rất yếu của người dân và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương về nguy cơ bệnh dịch ở cây trồng; thái độ phổ biến là thờ ơ; chưa có luật về kiểm soát bệnh.
Để đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp Citrus, hàng loại các biện pháp đồng bộ cần phải đặt ra như:
1. Ưu tiên quy hoạch các vùng trồng quy mô lớn (liên xã, liên huyện, liên tỉnh) và cơ cấu chủng loại giống thích hợp, chú trọng 3 loại quả (cam, bưởi, chanh không hạt); tối ưu hóa cơ cấu mùa vụ thu hoạch; cơ cấu ăn tươi và chế biến; cơ cấu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
2. Quy hoạch và xây dựng hệ thống giống xác nhận sạch bệnh, bao gồm:
i) Vườn tập đoàn các giống đa dạng sinh học, sạch bệnh, bảo quản trong nhà lưới hoặc trong điều kiện cách ly không gian. Từ tập đoàn chọn tạo ra các dòng, giống và cá thể ưu việt cho từng vùng sinh thái, trong đó có tập đoàn các giống gốc ghép.
ii) Quy hoạch và xây dựng hệ thống nhân giống sạch bệnh, bao gồm:
+ Vườn cây mẹ ưu tú cung cấp mắt ghép sạch bệnh trong nhà lưới.
+ Xây dựng mạng lưới vườn ươm nhân giống sạch bệnh ở các địa phương.
3. Giám sát chặt chẽ, chấm dứt việc sản xuất và vận chuyển giống bừa bãi. Cấm toàn bộ các vườn ươm không có xác nhận sạch bệnh. Quản lý việc vận chuyển giống từ địa phương này sang địa phương kia, đặc biệt là chuyển giống đến các vùng trồng mới.
Chương trình phát triển rau quả quốc gia hiện đang được hàng chục triệu nông dân và rất nhiều doanh nghiệp hưởng ứng nồng nhiệt. Hơn nữa, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đặc biệt quan tâm chỉ đạo chiến lược rau quả. Đây là cơ hội có một không hai để chúng ta đổi mới nền sản xuất theo hướng công nghiệp mặc dù còn nhiều lo ngại rủi ro, đặc biệt là sự thiếu hụt nhận thức và triết lý phát triển.
Mọi chương trình kinh tế - xã hội đều có thể rơi vào tình trạng mù quáng nếu không dựa trên 2 nền tảng là khoa học kinh tế và khoa học công nghệ.
Mọi chương trình kinh tế - xã hội đều có thể rơi vào tình trạng hỗn độn nếu không được định hướng và chỉ đạo quyết liệt của nhà nước và sự nghiêm túc của pháp luật.
Sự thờ ơ trước những thời vận phát triển của nông nghiệp quốc gia, trong đó có phát triển rau quả (cam, chanh, bưởi) có thể dẫn đến tổn thất nghiêm trọng và tội lỗi.
Chúng ta cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội “nóng” và “các nguy cơ” hiện nay để phát triển thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu quả có múi hàng đầu khu vực trong tương lai gần.
Theo: GS TS Đỗ Năng Vịnh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;