Nhiều mô hình sản xuất, chuỗi giá trị nông sản an toàn tuy được phát triển nhưng trên thực tế, nguồn cung thực phẩm an toàn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nhờ trồng nhãn theo quy trình Vietgap nên năng suất, chất lượng của cây nhãn ngày càng tăng.
Phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn xun quanh nội dung này.
Sản xuất thực phẩm an toàn là một trong những chủ trương của ngành nông nghiệp nhằm hướng đến nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Xin ông cho biết, chủ trương này đang được thực hiện như thế nào và kết quả đạt được ra sao?
Ông Trần Công Thắng: Phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững không chỉ là riêng chủ trương của ngành nông nghiệp mà là mục tiêu đặt ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế và trên cả nước.
Đối với ngành nông nghiệp thời gian qua chúng ta cũng đã rất nỗ lực để triển khai các chính sách và giải pháp khác nhau hướng tới một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững; trong đó sản xuất thực phẩm an toàn là một trong những trọng tâm.
Chính phủ cũng rất quan tâm tới vấn đề này và thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước để quản lý sản phẩm dựa trên Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Thanh tra và Luật về xử phạt hành chính.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều chính sách, phát triển sản xuất theo VietGAP. Có nhiều đơn vị, hợp tác xã, hộ nông dân hướng tới sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là tỷ lệ sản xuất áp dụng VietGAP cũng chưa được cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng với các địa phương xây dựng các chuỗi giá trị nông sản an toàn.
Đồng thời đưa ra giới thiệu một số chuỗi giá trị ở các tỉnh, tuy số lượng chuỗi không nhiều nhưng đây là chuỗi ban đầu, từng bước giúp người tiêu dùng nhận biết được và mở rộng để các doanh nghiệp có những chuỗi cung cấp thực phẩm sạch cùng tham gia.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành đẩy mạnh thanh kiểm tra nhưng vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Qua kiểm tra, một loạt các vi phạm về chất cấm trong chăn nuôi đã bị phát hiện. Qua đây, Bộ cũng đẩy mạnh chương trình nói không với chất cấm trong chăn nuôi.
Đã có trên 285.000 hộ ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; trong đó 96,6% là hộ chăn nuôi và 3,4% là hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y và giết mổ gia súc, gia cầm.
Với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Bộ thực hiện dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi theo hướng chăn nuôi sạch từ trang trại đến bàn ăn.
Gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại nông sản an toàn. Theo đó đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất an toàn để giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm xây dựng hội chợ nông sản an toàn tại Trung tâm Xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Bộ Công Thương mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước có thu nhập cao, yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn vệ sinh cao. Một loạt thị trường trước đây không thể thâm nhập được, giờ đã thâm nhập được như Australia, Nhật, EU...
Tuy nhiên, số lượng một số nông sản thực phẩm sang các thị trường này còn hạn chế. Để đảm bảo được đầu ra ổn định tại các thị trường này, trước tiên Việt Nam phải tổ chức sản xuất tốt và ít nhất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của nước nhập khẩu.
Mặc dù hiệu quả của chủ trương này đã được thực tế chứng minh, tuy nhiên quy mô sản xuất an toàn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân?
Ông Trần Công Thắng: Hiện nay ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, tập đoàn tham gia vào sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên có thực tế là sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Có nhiều nguyên nhân khác nhau giải thích cho tình trạng này.
Trước hết phải nói đến nguyên nhân trong khâu sản xuất. Hiện nay, quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát. Nhiều hộ sản xuất còn thiếu kiến thức về sản xuất sản phẩm an toàn, chưa tuân thủ các quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một số hộ sản xuất, kinh doanh đôi khi chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua yếu tố an toàn cho người tiêu dùng, cố tình sử dụng các chất kích thích, tăng trưởng cho cây trồng vật nuôi. Việc sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP còn phức tạp, nhiều hộ không muốn tham gia.
Khâu bảo quản, chế biến cũng có nhiều vấn đề. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư vào bảo quản, chế biến nên vi phạm các quy định liên quan đến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hơn nữa, rau quả hiện nay chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ truyền thống và các cửa hàng nhỏ lẻ, không có nhãn mác, khó truy thu nguồn gốc và gắn trách nhiệm của người sản xuất.
Đối với người tiêu dùng, họ chưa thực sự có lòng tin hoàn toàn vào sản phẩm an toàn, chưa phân biệt rõ được sản phẩm an toàn và không an toàn.
Do vậy, họ chưa sẵn sàng trả mức giá cao hơn để tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận kinh phí chi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta còn thấp; lực lượng cán bộ thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn.
Quá trình quản lý Nhà nước còn hạn chế, thiếu sự giám sát, thanh kiểm tra và đảm bảo chứng nhận cho các cửa hàng để người tiêu dùng có thể tin tưởng vào các cơ sở sản xuất và buôn bán thực phẩm an toàn. Các chính sách để xây dựng các chuỗi kết nối doanh nghiệp với hộ nông dân sản xuất còn hạn chế.
Khách tham quan và mua sắm tại một chợ phiên nông an an toàn.
Do nhu cầu bức thiết của người dân, trong khi cung không đủ cầu đã dẫn đến việc một số đối tượng lợi dụng để đeo nhãn mác thực phẩm an toàn, thậm chí gian dối trong cấp chứng chỉ an toàn để thu lợi bất chính. Xin ông cho biết, ngành nông nghiệp cần phải làm gì để ngăn chặn hiện tượng "con sâu bỏ rầu nồi canh này"?
Ông Trần Công Thắng: Phải tăng cường việc kiểm soát cấp phép, kiểm tra, theo dõi đối với các đơn vị giấy chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn. Khi đã cấp phép phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo sản xuất và tạo lòng tin người tiêu dùng. Đây là vấn đề rất quan trọng. Cần tăng cường kiểm tra cả những đơn vị được phép cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành tốt, bền vững cho các hộ sản xuất, các trang trại.
Đơn giản hóa một số tiêu chuẩn VietGAP để người nông dân có thể sản xuất áp dụng dễ hơn. Vấn đề này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện.
Cùng với đó là tăng cường hỗ trợ trong tiêu thụ sản phẩm chứng nhận, tạo các diễn đàn, hội chợ, xây dựng chuỗi giá trị, hình thành kênh phân phối. Có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để họ có thể cùng nông dân tổ chức sản xuất, tạo chuỗi giá trị để gắn sản xuất với người tiêu dùng.
Đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp được xem là khá rủi ro, trong khi sản xuất an toàn cần nguồn đầu tư lớn. Theo ông, tình hình thu hút đầu tư đối với những doanh nghiệp lớn trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài đối với lĩnh vực này như thế nào? Cần những giải pháp gì để thu hút nguồn lực này tham gia?
Ông Trần Công Thắng: Sản xuất nông nghiệp rất rủi ro, đặc biệt một số sản phẩm như rau quả, chăn nuôi... Hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI, tập đoàn lớn trong nước có xu hướng đầu tư vào lĩnh vực này như TH, Hòa Phát, Vingroup, FLC... Họ nhìn thấy được nhu cầu từ thị trường trong nước rất lớn và muốn cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Hiện nay, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có chủ trương thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất sạch, sử dụng công nghệ cao. Các địa phương cũng tích cực tạo môi trường đầu tư để thu hút các doanh nghiệp này.
Đối với doanh nghiệp hiện công nghệ sản xuất không phải là vấn đề lớn. Khó khăn lớn nhất đối với họ là tìm quỹ đất sạch và quy mô lớn.
Vấn đề cần gỡ cốt lõi là đất đai để doanh nghiệp có thể hình thành được các vùng nguyên liệu lớn. Để giải quyết vấn đề này cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuê, liên kết với nông dân, tổ chức sản xuất.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, cạnh tranh bình đẳng giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư sản xuất.
Xin cảm ơn ông!
Theo TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;