Học tập đạo đức HCM

Thủ tướng: Cần một tầm nhìn mới cho hạt gạo

Thứ tư - 15/03/2017 06:07
(Chinhphu.vn) - Ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới, một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo Việt Nam đáp ứng sâu sắc nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới, từ đó, đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người nông dân trồng lúa ở Việt Nam cũng như các doanh nghiệp làm lúa gạo.
Phát biểu kết luận Hội nghị bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vẫn đất đai ấy, vẫn con người đó nhưng mà trước Đổi mới, dân ta thiếu đói nghiêm trọng. Nhờ Đổi mới với một loạt chính sách quan trọng như Khoán 10, Chỉ thị 100, tự do lưu thông lương thực, đến nay, chúng ta đã bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu hàng triệu tấn mỗi năm. Gạo Việt Nam đã đến 150 nước và vùng lãnh thổ, đưa tên tuổi Việt Nam đi khắp 5 châu.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của khoa học công nghệ, sự chỉ đạo, điều hành của các địa phương trong vùng, đặc biệt là bà con nông dân đã một nắng hai sương, miệt mài, cần cù trên đồng ruộng. Thủ tướng cũng ghi nhận, đánh giá cao công sức của các nhà khoa học, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu gạo.

Nguy cơ “xâm thực" gạo từ nước ngoài mới đáng sợ

“Tuy vậy, thống kê cho thấy, hiệu quả trồng lúa còn thấp, hay có thể nói là rất thấp. Kể cả sản xuất 3 vụ 1 năm, lãi gộp cao nhất cũng chưa đến 30 triệu đồng/ha/năm”, Thủ tướng nói. “Ngay ở vựa lúa lớn nhất cả nước, người nông dân trồng lúa bao đời nay cũng chỉ lấy công làm lãi”. Sản xuất lúa sử dụng nhiều lao động, vật tư, sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước, nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Giá thành gạo cao hơn so với thế giới. Khả năng cạnh tranh kém, bán vào thị trường dễ tính, chưa qua chế biến sâu, chất lượng không đồng đều, hầu như không có tên tuổi nổi trội. Chưa có thương hiệu nổi tiếng và hiện bị lấn sân ngay cả thị trường trong nước. “Mình nói xâm thực mặn ở ĐBSCL nhưng xâm thực gạo của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ”, Thủ tướng bày tỏ và cảnh báo, các nước nhập khẩu gạo tăng cường trợ cấp nông nghiệp để tự túc sản xuất gạo.

 

Thủ tướng tham quan các sản phẩm gạo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, Thủ tướng nêu rõ: Lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt ĐBSCL tiếp tục được khẳng định trong an ninh lương thực tầm quốc gia và quốc tế. Lúa gạo đóng vai trò quan trọng, không thể thay thế được trong nông nghiệp Việt Nam. Điều này thể hiện qua việc đa số nông dân Việt Nam tham gia sản xuất lúa gạo, giải quyết làm, tạo thu nhập. Lúa gạo vẫn là một trong những loại nông sản chiến lược mà Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh nông nghiệp. Nếu chúng ta sản xuất lớn, áp dụng công nghệ và quản lý phù hợp, kết hợp chế biến sâu, tiếp thị tốt thì hiệu quả kinh tế ngành lúa còn tăng nhiều lần, Thủ tướng nhấn mạnh. Về mặt sinh thái, môi trường thì khó cây trồng nào có đủ thay thế được sản xuất lúa trên quy mô lớn ở Việt Nam.

Từ phân tích này, Thủ tướng cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất. Chính vì vậy, ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới, một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo Việt Nam đáp ứng sâu sắc nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới, từ đó, đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người nông dân trồng lúa ở Việt Nam cũng như các doanh nghiệp làm lúa gạo.

Tầm nhìn cho ngành lúa gạo

Vậy tầm nhìn đó là gì?, Thủ tướng cho rằng: Việt Nam sẽ không chỉ là một quốc gia xuất khẩu lúa gạo đạt mức kim ngạch hàng đầu thế giới mà chúng ta phải phấn đấu trong 10 - 20 năm tới, hạt gạo do người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra sẽ đem lại những giá trị gia tăng tốt nhất dựa trên việc đáp ứng một cách tinh tế các nhu cầu và tiêu chuẩn phổ quát về dinh dưỡng và dược liệu, góp phần củng cố danh tiếng của một trong những nền văn minh nông nghiệp lâu đời nhất của thế giới.

Với tầm nhìn này, Thủ tướng đề nghị đổi mới ngành sản xuất lúa gạo bằng các giải pháp đột phá về thể chế, chính sách, cả mô hình phát triển.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thứ nhất là điều chỉnh quy mô. Sản xuất lúa của Việt Nam nếu cho phép người trực tiếp sản xuất tăng được quy mô của từng nông hộ bằng cách mở rộng hạn điền một cách phù hợp. Việc hình thành các cánh đồng mẫu lớn, liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, thuê lại đất lâu dài là những hướng điều chỉnh quy mô phù hợp trong sản xuất nông nghiệp. “Ở các nước, nông nghiệp chiếm tỷ lệ trong GDP không phải cao nhưng mà sản lượng rất lớn, lao động chỉ 5-7% còn mình thì lao động trong nông nghiệp quá nhiều”, Thủ tướng cho rằng cần cơ giới hóa nông nghiệp đi liền với đột phá trong vấn đề rút lao động ra khỏi nông nghiệp, nông thôn, cải thiện căn bản thị trường lao động phi chính thức.

Bên cạnh đó, điều chỉnh mục đích sử dụng đất lúa với tinh thần là vẫn giữ đất lúa nhưng xem xét lại mùa vụ, tính toán xen canh cây, con gì trên đất lúa, “chứ chúng ta không có chủ trương lấy đất lúa để làm sân golf”.

Xây dựng hệ thống thủy lợi môt cách  hiện đại, hướng đến đa mục tiêu và áp dụng cơ chế thị trường về giá nước sản xuất để người dùng tiết kiệm, sử dụng nước hiệu quả hơn. Kinh tế hợp tác và tư nhân sẽ làm dịch vụ quản lý tưới tiêu nội đồng.

Tổ chức sản xuất lớn, hình thành các vùng chuyên canh lúa tập trung cho từng mục đích, từng thị trường, có các cụm công nghiệp dịch vụ chế biến sâu, đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật trên quy mô lớn. Hình thành cho được chuỗi giá trị, phải giải quyết được vấn đề quy hoạch kinh tế và liên kết vùng.

Thủ tướng cũng nêu yêu cầu chống thất thoát sau quy hoạch khi mà tổn thất sau quy hoạch còn ở mức khá cao, làm tăng giá thành, khó cạnh tranh. Cần cơ cấu lại nội bộ ngành nông nghiệp.

Các ngành chức năng, đặc biệt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin thị trường.

Không để lúa gạo đi lòng vòng

Cho rằng lúa gạo từ nông dân đến nhà máy chế biến, trước khi xuất khẩu còn đi lòng vòng, chi phi trung gian lớn, do đó, “chủ trương mà các địa phương phải làm là đừng để lúa gạo đi lòng vòng, chi phí trung gian lớn”, Thủ tướng nêu rõ. “Vấn đề cò lúa, thương lái mới đến nhà máy, chính quyền thông qua hợp tác xã và các hình thức khác phải làm tốt khâu này. Phải có hình thức quản lý để giảm chi phí này”.

Chi phí lãi vay ngân hàng trong đầu tư, trong thu mua, chế biến lúa gạo còn cao, chưa có cơ cấu tín dụng hợp lý. Ngành ngân hàng cần tính toán vấn đề này để hỗ trợ sản xuất lúa gạo. Tất cả các tỉnh làm lương thực phải tập trung tốt hơn nữa, sản xuất lúa gạo chất lượng cao, hình thức đẹp, sạch, đặc biệt là xây dựng một số thương hiệu lớn.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Muốn giải quyết vấn đề trên, cần chú trọng khoa học công nghệ, trước hết là khâu giống.

Yêu cầu chú trọng, phục vụ tốt hơn nữa thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, đừng để tình trạng “xâm thực” gạo nước ngoài nằm “đầy kệ” với bao bì đẹp, quảng bá rất mạnh.

Về thể chế, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT sớm trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội xem xét sửa Điều 109 Luật Đất đai, trước hết là có một số chính sách quy định phù hợp để mở rộng hạn điền. Chính sách đó cần lưu việc việc bồi thường thỏa đáng cho người dân khi thu hồi đất trên tinh thần khuyến khính mạnh mẽ hơn cánh đồng mẫu lớn; mở rộng, khuyến khích đầu tư tư nhân vào nông nghiệp; mở rông quyền sử dụng đất và bảo hộ quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp tư nhân.

Nêu tên hàng loạt chính sách cần sửa

Nhấn mạnh các bộ, ngành liên quan đều phải tiếp thu các ý kiến góp ý để hình thành, bổ sung một số chính sách sớm hơn nữa, Thủ tướng nêu danh mục chính sách cụ thể cần sửa. Đó là Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo, liên quan đến Bộ Công Thương, với nội dung cần sửa là không đưa nhiều quy định phức tạp trong xuất khẩu gạo, không quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, không nên cho trao cho Hiệp hội Lương thực VFA nhiều quyền không nên có như quy định giá sàn, phân phối hạn ngạch cứng 80% để bảo đảm kinh tế thị trường. Thứ hai là Nghị định 35 về quản lý sử dụng đất trồng lúa, cần bỏ một số khoản không cần thiết. Thứ ba là Quyết định 1898 về phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành lúa ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 trong đó có nhiều mục tiêu chưa phù hợp với những gì Thủ tướng vừa nêu về tầm nhìn lúa gạo Việt Nam. Thứ tư là cần sửa Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn trong đó có nội dung về đầu tư cho xay xát, chế biến, kho bãi phải được vay dài hạn, hoặc trung hạn, do đó, những doanh nghiệp đã vay ngắn hạn thì cần tái cơ cấu lại nguồn vay cho doanh nghiệp để đầu tư phát triển lâu dài.

“Tôi nói một số văn bản mà hôm nay chưa thể nêu hết được. Tinh thần là chúng ta sẽ sửa thể chế mạnh mẽ hơn, bãi bỏ những việc không cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Thủ tướng thăm dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Tất cả chúng ta phải dựa vào dân, vào khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp, nông thôn chứ không phải dựa vào nhà nước. Cho nên các địa phương phát động dân để làm việc này một cách thực chất”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, những năm kháng chiến, những người nông dân đã tiến hành một cuộc cách mạng giành lại độc lập cho dân tộc, thì giờ đây, người nông dân, những doanh nghiệp nông nghiệp cùng với Chính phủ sẽ làm một cuộc cách mạng về chất trong nông nghiệp để nâng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nâng hiệu quả sản xuất lúa gạo cả nước mà trước hết là ĐBSCL.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, các đơn vị sản xuất kinh doanh, các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là UBND các tỉnh, các bộ; các đơn vị kinh doanh cùng xắn tay áo, cùng Nhà nước lo cho sản xuất lúa gạo theo định hướng hữu cơ, chất lượng và thương hiệu.

*Cùng ngày, Thủ tướng đã đến thăm Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang.

Đức Tuân
http://baochinhphu.vn


 Tags: việt nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập369
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại852,251
  • Tổng lượt truy cập92,025,980
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây