Nhiều giải pháp vẫn mang tính tình thế, bị động Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với những năm trước. Bội chi ngân sách cả năm ở mức 4,8%. Ông Vinh nhận định, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn khó khăn, khi tốc độ tăng GDP cả năm dự kiến chỉ đạt 5,03%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (6-6,5%)... Về lý do khiến kinh tế tăng trưởng chậm, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu của địa phương không đạt kế hoạch là do khó khăn chung nhưng cũng có nguyên nhân là do sự chỉ đạo điều hành. Là địa phương đăng ký phát biểu đầu tiên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng tự tin nhận định: "GDP của Hà Nội năm nay tăng 8,1%, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch, nhưng chúng tôi tự nhận thấy là vẫn gấp 1,5 lần so với cả nước”. Về thu ngân sách của Hà Nội, mặc dù đạt "kỷ lục” hụt thu chưa từng có trong suốt 15 năm qua, tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tưởng: "Nếu như không thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ về miễn, giãn, giảm thuế, thì Hà Nội sẽ thu được thêm 13.000 tỷ đồng nữa và sẽ vẫn tăng thu so với kế hoạch đề ra” Nỗi niềm này của Hà Nội, nhận được sự đồng cảm sâu sắc từ Hải Phòng. Chủ tịch UBND Hải Phòng Dương Anh Điền cho rằng: "Chính phủ hỗ trợ cho DN bằng cách miễn giảm, giãn thuế, thì cũng cần hỗ trợ cho các địa phương vì thế mà hụt thu nên rất khó khăn. DN khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp là đúng rồi nhưng địa phương cũng rất khó khăn, chứ đâu chỉ mình DN”. Đồng tình cao về việc Chính phủ sẽ ban hành một loạt Nghị quyết cho năm tới, trong đó có cả Nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, nhưng ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh vẫn lưu ý, "Năm 2011, Chính phủ cũng ban hành hai Nghị quyết, trong đó có cả Nghị quyết chuyên đề cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Nghị quyết dành riêng cho tháo gỡ khó khăn cho DN… Nhưng có Nghị quyết lại ban hành vào thời điểm mùa mưa, nên muốn triển khai ngay cũng khó có cách nào mà triển khai tốt được”. Đồng thời Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh bình luận: "Phần lớn các giải pháp điều hành mang tính tình thế, bị động đối phó”. Tăng đối thoại Chính phủ với người dân Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận: "Chính phủ còn nhiều yếu kém khuyết điểm. Đây cũng là thời điểm cuối năm, Chính phủ kiểm điểm tập trung vào những yếu kém trong lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành để thực hiện Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội một cách tích cực hơn”. Còn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: "Để khắc phục những hạn chế, Chính phủ, các cấp, ngành cần nâng cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hơn nữa việc đôn đốc kiểm tra thực hiện công việc đã giao. Định kỳ đánh giá kiểm điểm tình hình, kết quả triển khai, trên cơ sở đó đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu” Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, mục tiêu của năm tới là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm cũ. Chính phủ sẽ kiên trì 9 nhóm giải pháp như: Chính sách tiền tệ tài khóa, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy mạnh các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu, bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng; bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa; đảm bảo quốc phòng an ninh và ổn định chính trị xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội. Để thực hiện các giải pháp trên cần đến sự điều hành quyết liệt của người đứng đầu và sự chủ động của chính quyền các cấp. Chính phủ cũng sẽ tổ chức các nhóm chuyên trách nghiên cứu những lĩnh vực chuyên môn. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: "Chính phủ sẽ tăng cường tiếp xúc, đối thoại, tập trung chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của nhân dân. Chủ động cung cấp thông tin và tăng cường trao đổi tiếp nhận thông tin từ dân”. Tung hàng chục ngàn tỉ đồng giải cứu nền kinh tế Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trình bày cho biết: Sẽ có hàng chục ngàn tỷ đồng được Chính phủ đưa ra để "giải cứu” cho nền kinh tế nhằm giảm hàng tồn kho, phá băng bất động sản... thông qua các giải pháp về thuế, phí. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: Chính phủ sẽ áp dụng hàng loạt giải pháp miễn giảm, giãn thuế, phí và tăng vốn tín dụng. Cụ thể, sẽ gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập DN cho các đối tượng như DN có quy mô vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động. Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế VAT. Hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường. Không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện. Giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi. Giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân... Cũng theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chính phủ sẽ giao Bộ trưởng Tài chính báo cáo QH xem xét, quyết định một số chính sách về miễn giảm thuế. Chẳng hạn, áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 20% từ 1 tháng 7 năm 2013 (sớm hơn 6 tháng so với lộ trình). Giảm 30% số thuế giá trị gia tăng đầu ra với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Đối với giải pháp về vốn, tín dụng, ông Hoàng Trung Hải cho hay, sẽ hạ mặt bằng lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm của lạm phát. Chính phủ cũng sẽ dành một lượng vốn hợp lý để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để mua, thuê mua nhà xã hội và nhà thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Cho vay đối với các DN xây dựng nhà ở xã hội, DN chuyển đổi công năng của dự án đầu tư phục vụ cho nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ dành từ 20-40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại để phục vụ cho vay đối với các đồi tượng này. Đối với nhóm giải pháp xử lý nợ xấu, ông Hoàng Trung Hải cũng nhắc lại những biện pháp đang thực hiện như đánh giá lại nợ, cơ cấu nợ. Dự kiến, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam ngay quý 1. Lục Bình http://daidoanket.vn |
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã