Giảm đầu mối, nâng cao hiệu suất công việc
Thực hiện Đề án 01 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về sắp xếp, tinh giản tổ chức, bộ máy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã sáp nhập Ban Dân vận với Ban Tuyên giáo. Đồng chí Bùi Duy Tùng, Trưởng ban Tuyên giáo - Dân vận Đảng ủy Khối tâm sự, lúc đầu triển khai cũng bỡ ngỡ, sau khi nghiên cứu kỹ chức năng, nhiệm vụ của hai ban, thấy có nhiều điểm tương đồng. Đó là cùng nắm bắt công tác tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức khối các cơ quan. Do vậy, việc sáp nhập Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo là phù hợp. Hiệu quả sau khi sáp nhập là bộ máy của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh giảm đi một đầu mối, giảm đi một chức danh lãnh đạo. Đồng chí cho biết thêm, so với trước đây, biên chế của Ban Tuyên giáo - Dân vận không tăng lên, vẫn là ba người (một trưởng ban và hai chuyên viên). Khối lượng công việc nhiều hơn vì thêm các nhiệm vụ của Ban Dân vận là thực hiện quy chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị và cải cách hành chính. Nhiệm vụ mới đòi hỏi cán bộ phải điều chỉnh theo hướng chủ động, tích cực hơn. Sau hơn một tháng sáp nhập, không còn tình trạng cán bộ đi muộn về sớm hay vừa làm vừa chơi. Hiệu suất công việc của từng cá nhân nâng cao hơn hẳn. “Guồng máy” của Ban Tuyên giáo - Dân vận vận hành trơn tru, mọi nhiệm vụ cấp trên giao đều hoàn thành.
Tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Hoàng Liên, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ cho biết, Sở cũng đang ráo riết triển khai Đề án của tỉnh về sắp xếp, tinh giản tổ chức, bộ máy. Sở đã chủ động xây dựng hai đề án sáp nhập Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu và Ban Quản lý di tích thành Ban Quản lý di tích; Nhà thi đấu Thể dục thể thao và Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao. Cùng với đó, Sở tiến hành sắp xếp lại nhiều phòng ban, đơn vị. Thí dụ như Phòng Pháp chế sáp nhập Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Quy hoạch tài nguyên du lịch sáp nhập Phòng Nghiệp vụ du lịch; Phòng Thể thao thành tích cao sáp nhập Phòng Nghiệp vụ thể thao. Quan điểm của Sở là tất cả những phòng, ban, đơn vị nào có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, xét trong thực tiễn thấy nếu sáp nhập mà không ảnh hưởng chất lượng công việc thì kiên quyết sáp nhập. Như Ban Quản lý di tích và Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu đều có phòng nghiệp vụ chung chức năng, nhiệm vụ bảo tồn di sản và sưu tầm, phục hồi di sản. Do vậy, Sở đã tiến hành sáp nhập hai phòng này thành một. Qua đó, đầu mối phòng giảm từ hai còn một và hai việc trước đây của hai phòng nay chỉ giao cho một cán bộ đảm đương. Với cách làm này, Sở giảm hơn 10 đầu mối phòng, ban, đơn vị. Trong quá trình sắp xếp lại, hầu hết cán bộ, đảng viên đồng thuận, ủng hộ.
Đồng chí Hoàng Văn Toàn, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, mục đích của Đề án sắp xếp lần này nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm khoa học, tinh gọn hiệu quả, phù hợp chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, trên quan điểm nhất quán một cơ quan thực hiện nhiều chức năng, một người làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một người hoặc một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Triển khai từ tháng 12-2016, đến nay đã giảm được 60 phòng, ban, đơn vị đối với các cơ quan Đảng và chính quyền từ tỉnh xuống huyện.
Gắn sắp xếp với cơ cấu đội ngũ cán bộ
Huyện Vĩnh Tường được đánh giá là địa phương thực hiện nghiêm chủ trương của tỉnh về sắp xếp lại tổ chức, bộ máy. Ngoài giải thể Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của huyện, chuyển nhiệm vụ về Phòng Y tế huyện; tiến hành sáp nhập Đài Truyền thanh huyện với Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện để thành lập Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao; huyện còn thí điểm sáp nhập ba đơn vị: Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện thành Ban Tuyên giáo - Dân vận. Theo đồng chí Lỗ Tất Chánh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cái được của mô hình này là thu gọn ba đơn vị thành một, giảm được ít nhất sáu lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên khi đi vào hoạt động đã xuất hiện vướng mắc trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức mà chủ yếu là đối với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Đây vốn là đơn vị đào tạo, do đó cơ sở vật chất có đặc điểm riêng, đội ngũ cán bộ, giáo viên hưởng theo chế độ viên chức nhà nước. Khi sáp nhập vào Ban Tuyên giáo - Dân vận, xảy ra tình trạng "một nhà hai chế độ". Người hưởng theo công chức ngạch đảng, người là viên chức nhà nước. Nhiệm vụ lại không giống nhau cho nên khó có thể phối hợp trong công tác. Sự chưa hợp lý trong việc sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị về Ban Tuyên giáo - Dân vận ở chỗ, khi ký và đóng dấu các văn bằng, chứng chỉ nếu đứng danh Trung tâm thì sẽ hợp lý hơn là Ban Tuyên giáo - Dân vận dù người ký giờ đây là đồng chí thường trực huyện ủy, trưởng ban.
Tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Nguyễn Quốc Huy, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa cho biết, khi sáp nhập Trường Văn hóa nghệ thuật với Trung tâm Đào tạo nghề của tỉnh, nhiều người băn khoăn, liệu có tiếp tục phát huy được truyền thống là “nôi” đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, du lịch cho tỉnh hay không. Vì trường cần một cơ chế hoạt động chuyên biệt, nhất là đội ngũ giáo viên. Với những vướng mắc này, Lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, sẽ tiến hành sơ kết, điều chỉnh những đơn vị, tổ chức sau sáp nhập nhưng hoạt động không hiệu quả. Tập trung nghiên cứu đổi mới cơ chế tài chính cho phù hợp các tổ chức đơn vị mới đối với các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức hội. Tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ cho việc tinh giản biên chế, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Qua thực tế triển khai, có thể thấy Đề án của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc mới chủ yếu tập trung vào công tác sắp xếp, sáp nhập các phòng, ban. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cần tiếp tục nghiên cứu những cách làm, mô hình mang tính đột phá như sáp nhập một số cơ quan đảng, chính quyền có nhiệm vụ tương đồng, nhất thể hóa một số chức danh… Bên cạnh đó, tỉnh cần gắn kết việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả cho thấy, số lượng phòng, ban, đơn vị giảm nhưng số lượng cán bộ, lãnh đạo chủ chốt phòng, ban, đơn vị vẫn lớn. Thí dụ, Sở Giáo dục và Đào tạo sau khi sáp nhập từ 13 phòng còn 12 phòng thì số lượng lãnh đạo phòng, ban có tới 38 trong số 57 người (kể cả nhân viên hợp đồng).
Theo Đề án, đến năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tinh giản 2.500 biên chế nhưng qua sắp xếp mới giảm được 179 người. Nguyên nhân do nhiều cơ quan, đơn vị vẫn nhìn vào số lượng cán bộ có tuổi, chờ về hưu để tính cắt giảm mà chưa có giải pháp mạnh, có thể loại bỏ những cán bộ không đủ sức khỏe, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu công việc. Trong khi số lượng công chức làm việc cầm chừng “sớm xách ô đi, tối xách ô về” còn khá nhiều. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang tập trung xây dựng nghiêm túc đề án việc làm cho từng chức danh, qua đó xây dựng cơ cấu phòng, ban, tổ chức hợp lý. Bố trí sắp xếp cán bộ đúng người, đúng việc. Đổi mới phương pháp đánh giá làm thước đo chính xác năng lực cán bộ. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Làm được như vậy, việc sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy mới thật sự hiệu quả.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã