Học tập đạo đức HCM

Thương mại điện tử - mảnh đất màu mỡ hút đầu tư

Thứ hai - 16/04/2018 23:53
Vượt qua Thái Lan và Malaysia, Việt Nam đang trở thành quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử, ở mức trên 30%.
Được dự kiến sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, hiện quy mô của thương mại điện tử không chỉ giới hạn ở hoạt động bán hàng, thiết kế web, mà không ít doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu giao nhận, vận chuyển hàng hóa phục vụ thương mại điện tử. 

Mắt xích quan trọng 

Theo Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLBA), ngành này chiếm từ 20 đến 25% GDP và dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 12% mỗi năm trong tương lai gần. Mức tăng trưởng cao của ngành công nghiệp thương mại điện tử mang đến nhiều cơ hội cho các công ty logistics. 
 
Cụ thể, các dịch vụ chuyển phát nhanh và dịch vụ hậu cần nhắm tới thương mại điện tử là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư. Bên cạnh những tên tuổi lâu như chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS), Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), sự tham gia ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt của các doanh nghiệp tư nhân như Scommerce (tiền thân là Giaohangnhanh), Lazada, DHL... ngày càng chứng tỏ sức hút của thị trường này. 

Ông Nguyễn Quang Thuật, Giám đốc Trung tâm xử lý đơn hàng của Công ty Cổ phần công nghệ Sen Đỏ cho biết, trong lĩnh vực logistics, vận chuyển được coi là xương sống của thương mại điện tử, nhưng hầu như các nhà vận chuyển lớn trong nước đều không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp thương mại điện tử. Sở dĩ vậy bởi dịch vụ logistics tại Việt Nam còn rất sơ khai, chủ yếu mang logistics truyền thống sang phục vụ điện tử. 

Một khảo sát mới nhất của Công ty Cổ phần Sendo cho thấy, hơn 40% người tiêu dùng đang phản ánh về tốc độ giao hàng, bên cạnh đó chi phí giao nhận cũng khá cao so với nhu cầu mua sắm online. 

Còn theo ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Công ty Lazada Express, chi phí logistics ở Việt Nam đang chiếm 30% doanh thu thương mại điện tử, ở mức cao so với nhiều nước (Ấn Độ từ 10-15%). 
Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Ladaza Express phát biểu tại một hội thảo về logistics và thương mại điện tử. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Không những thế, sự phát triển của lĩnh vực logistics vẫn chưa đáp ứng cho yêu cầu của thương mại điện tử. Đơn cử với số lượng đơn hàng lên đến hàng trăm nghìn giao dịch mỗi ngày, doanh nghiệp không thể phát triển một lực lượng hùng hậu các "shipper" (người vận chuyển) chạy bằng xe máy để giao hàng trên khắp cả nước, trong khi chi phí đầu tư và vận hàng cho phương tiện ôtô cao và gây tắc nghẽn giao thông. 

Ông Vũ Đức Thịnh lý giải thêm: Thương mại điện tử khác với thương mại truyền thống bởi có ngày cao điểm doanh số bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp có thể bằng tổng lượng đơn hàng của cả một năm. Hơn nữa, hiện nay ở Việt Nam chưa có Luật về logistics, thủ tục hành chính cũng phức tạp. 

Chẳng hạn như Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường quy định hàng hóa vận chuyển trên đường phải có đơn hàng. Tuy nhiên, nếu thương mại điện tử một ngày có hàng trăm đơn hàng và có những đơn hàng chỉ vài chục nghìn đồng thì sẽ khó có thể kẹp hóa đơn cho từng đơn hàng. 

Điều đáng buồn hơn cả về nhân lực cho logistics phục vụ thương mại điện tử thì đến nay vẫn chưa có trường để đào tạo chuyên ngành. 

Trong khi thương mại điện tử muốn phát triển mạnh, không thể thiếu các dịch vụ logistics có chất lượng. Ngược lại, dịch vụ logistics là một mắt xích then chốt để hoàn tất mua bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình. 

Do đó, việc thiếu liên kết giữa doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp logistics là một điểm yếu của thương mại điện tử Việt Nam, đồng thời làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp logistics. 

Đầu tư công nghệ 

Có thể thấy, việc thiếu liên kết giữa doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp logistics có thể làm mất đi cơ hội cho các doanh nghiệp. 

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp logistics có thể đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của doanh nghiệp thương mại điện tử. 

Vì vậy, theo ông Đào Trọng Khoa, nếu các doanh nghiệp biết liên kết, tận dụng thế mạnh của nhau tạo ra dịch vụ trên nền tảng của dịch vụ có sẵn của các bên để có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. 

Cũng nhìn nhận thực tế này, ông Vũ Đức Thịnh khuyến nghị các doanh nghiệp logistics cần đầu tư vào công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao năng lực vận hành. Cùng với đó là đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng từ thế giới vào Việt Nam, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. 

Ngoài ra, ông Thịnh cũng đề xuất hướng phát triển xanh đồng thời khẳng định phía Lazada Express sẽ đầu tư vào xe điện khi nhận được sự ủng hộ của các cơ quan nhà nước để vận hành phương tiện này. 

 


Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh, hiện hệ thống các văn bản pháp quy đã điều chỉnh những vấn đề cốt lõi nhất về thương mại điện tử. Điều này sẽ tạo cơ sở lớn hơn cho các doanh nghiệp đầu tư và hợp tác cũng như có cơ hội cùng phát triển. 

Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ và những giải pháp từ phía Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ nhằm theo kịp xu hướng mới và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 

Chẳng hạn như phần mềm giao hàng của Công ty Giao hàng nhanh hiện mới chỉ cho phép nhân viên nhận đơn và chia đơn theo khu vực để tiện đường giao hàng. Năm nay, với số lượng đơn hàng dự kiến tăng lên gấp 3 lần so với năm 2017 doanh nghiệp này sẽ dành khoảng 2% doanh số để đầu tư nâng cấp công nghệ. Trong đó, có việc tích hợp tính năng định vị để gom các đơn hàng gần nhau vào một nhóm, nhằm giảm thời gian giao hàng. 

Ông Nguyễn Trần Thi - Tổng Giám đốc Công ty Giao hàng nhanh chia sẻ: Trong năm 2018, công ty sẽ cố gắng để đơn hàng trong nội thành Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh được giao trong 2 tiếng và tất cả người mua hàng trên toàn quốc có thể nhận hàng trong 24 tiếng. 

Còn với Công ty T&M Forwarding, trước đây để đưa hàng trong nước đến với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới, dịch vụ logistics chỉ theo hình thức B to B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp). Vài năm trở lại đây cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức phục vụ đã chuyển sang B to B to C (tức là hàng hóa được đưa đến tận tay người tiêu dùng). Muốn làm được điều này, công nghệ là yếu tố rất quan trọng. 

Ngay cả với các sàn thương mại điện tử quốc tế, tiêu chí để lựa chọn đơn vị giao nhận địa phương cũng dựa trên nền tảng công nghệ mà họ đang có bởi khi có công nghệ tốt, các công ty này mới có thể kết nối được với đối tác giao nhận nước ngoài. 

Ông Fabian Wantd - Giám đốc vận hành Lazada Việt Nam cho rằng công ty giao nhận Việt Nam hiểu thị trường, hiểu về vùng miền. Còn các công ty quốc tế lại có thế mạnh về công nghệ. Do đó, muốn có sự kết hợp tốt, phía công ty Việt Nam phải đầu tư để có giải pháp công nghệ tương thích. 

Thêm nữa, sự tham gia của các trường đại học cũng là dấu hiệu rất rõ ràng cho việc các công ty và trường đại học muốn đồng hành để xây dựng những khoá học phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp có nhu cầu hiện nay. 

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể sử dụng ngay những kỹ năng đã được thực hành để ứng tuyển. Có như vậy mới có thể sử dụng thành thạo những công nghệ mới. Bởi ngày nay, công nghệ và tự động hoá chính là chìa khóa cho sự phát triển của ngành logistics.
 

 

Uyên Hương (TTXVN)
 
 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập489
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại844,243
  • Tổng lượt truy cập92,017,972
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây