Học tập đạo đức HCM

Tiền Giang sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp

Thứ tư - 08/08/2018 09:10
Trao đổi về Hội nghị Xúc tiến đầu tư (XTĐT) tỉnh Tiền Giang diễn ra vào ngày mai (9/8), ông Trần Thanh Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định, tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, coi thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh.

Ông có thể giới thiệu những nét chính về vị trí, tiềm năng và lợi thế đặc trưng của Tiền Giang để thu hút mời gọi nhà đầu tư?

Trải dài 120 km bên bờ Bắc sông Tiền, từ Đồng Tháp Mười đến biển Đông, Tiền Giang cách TP.HCM 70 km về phía Tây Nam, có thành phố trung tâm Mỹ Tho là đô thị loại I, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy và 8 huyện gồm: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phước, Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phú Đông. Tỉnh có diện tích 2.367 km2, có 32 km bờ biển, dân số hơn 1,7  triệu người.

Từ thế kỷ XVII, người Việt với nhiều đợt di dân đã đến khai phá vùng đất hoang vu, biến nơi rừng rậm, đầm lầy, sấu bơi, cọp chạy thành những cánh đồng mênh mông, những vườn cây trĩu quả, làm nên những làng xóm trù phú của vùng châu thổ như hôm nay, với các vùng sinh thái đa dạng: biển, kênh rạch, giồng gò, vùng trũng Đồng Tháp Mười… mà mỗi vùng có những loại động, thực vật đặc trưng, đã tạo ra sự đa dạng không những về cảnh quan, mà cả về văn hóa - xã hội cho tỉnh Tiền Giang.

.
ông Trần Thanh Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

Không chỉ vậy, Tiền Giang còn có lợi thế lớn khi giao thông thủy bộ khá hoàn chỉnh, có đường quốc lộ trải dọc chiều dài địa phương kết nối thuận lợi với các đường tỉnh, nhất là với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương chạy qua và sắp tới là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận II sắp triển khai sẽ tạo sức bật rất lớn cho địa phương thời gian tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Tiền Giang có vị trí địa lý khá thuận lợi để thu hút đầu tư. Là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong Vùng kinh tếtrọng điểm phía Nam, đặc biệt, cách TP.HCM không xa, trong tương lai khi hạ tầng giao thông kết nối hoàn chỉnh, Tiền Giang sẽ là đô thị vệ tinh quan trọng, đón đầu thu hút nhà đầu tư về phát triển dịch vụ bất động sản, nghỉ dưỡng, sân golf thể thao, vui chơi giải trí… nhất là ở các huyện vùng phía Đông của tỉnh.

Ý kiến đánh giá từ các nhà đầu tư cho thấy, lợi thế cạnh tranh lớn nhất trong thu hút đầu tư của Tiền Giang chính là chất lượng, trình độ nguồn nhân lực có tay nghề cao, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực thuế, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp (KCN) khá hoàn chỉnh, công tác quản trị điều hành, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các KCN đi vào nề nếp.

Công tác quy hoạch trên địa bàn cũng được tỉnh chú trọng. UBND tỉnh đã lập và trình duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các huyện; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển đô thị; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, là tiền đề quan trọng để chào đón các nhà đầu tư.

Quan điểm chung cũng như định hướng thu hút đầu tư của Tiền Giang tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm nay ra sao, thưa ông?

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư này, mục đích của tỉnh Tiền Giang không gì khác là nhằm thông qua diễn đàn thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư trong và ngoài tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Song chúng tôi không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà chọn lọc với phương châm phát triển bền vững, cân bằng môi trường, hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước. Những dự án vào tỉnh phải đảm bảo sử dụng công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường.

Để thực hiện nguyên tắc trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phải chủ động làm tốt công tác quy hoạch, trong đó phải nâng cao chất lượng dự báo, bởi chỉ có dự báo đúng, quy hoạch chuẩn thì mới có thể tránh được phát triển tự phát, phát huy cao nhất đồng vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế.

Từ quy hoạch chung, để phục vụ mục tiêu mời gọi đầu tư, tỉnh yêu cầu các ngành và địa phương phải tổ chức lập, trình duyệt quy hoạch phân khu tại khu vực dự án trước khi tổ chức lựa chọn dự án, lựa chọn nhà đầu tư. Mặc dù làm như vậy thì quá trình thu hút đầu tư có thể chậm lại (vì phải chờ quy hoạch phân khu), nhưng sẽ đảm bảo cho các dự án khi triển khai sẽ thuận lợi về thủ tục và phát huy ngay hiệu quả đầu tư, nhờ phát triển đồng bộ với kết cấu hạ tầng khu vực dự án, từ đó đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh - đây cũng là cơ sở để tỉnh lựa chọn nhà đầu tư có dự án tốt, từ đó nhà đầu tư cũng phấn khởi và yên tâm khi bỏ vốn đầu tư vào dự án.

Cần phải nói thêm rằng, quan điểm chọn lọc trong mời gọi đầu tư đã được các ban, ngành của tỉnh quán triệt, đã có không ít trường hợp qua xem xét, tỉnh đã kiên quyết không tiếp nhận những dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc chủ đầu tư không đảm bảo về năng lực thực hiện dự án. Bên cạnh đó, các ban, ngành của tỉnh cũng nâng cao chất lượng quy hoạch gắn với đề xuất danh mục mời gọi đầu tư, tập trung huy động nguồn lực cả ngân sách và ngoài ngân sách thông qua cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị và trung tâm thương mại.

Tỉnh sẽ hỗ trợ nhà đầu tư ra sao?

UBND tỉnh luôn yêu cầu các ngành, các cấp trên địa bàn phải cải cách hành chính thật tốt và mạnh mẽ hơn nữa để hướng tới xây dựng chính quyền năng động, đồng hành, thân thiện, phục vụ doanh nghiệp và nhân dân. Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên, định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh, huyện với các doanh nghiệp, nhằm thông tin kịp thời tình hình phát triển kinh tế - xã hội và phổ biến đến doanh nghiệp các quy định mới, các nội dung cải cách quan trọng liên quan đến môi trường đầu tư; quan tâm giải quyết nhanh chóng các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm cung ứng lao động có trình độ, kỹ năng lao động và tác phong làm việc thật tốt cho các doanh nghiệp; triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ và nhất quán các chính sách ưu đãi đầu tư do Trung ương ban hành, cũng như nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi phù hợp với thẩm quyền và điều kiện thực tế của tỉnh, nhất là để phát triển các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nhà ở công nhân, các dự án xã hội hóa, các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn...

Mục tiêu trên đã, đang và sẽ tiếp tục là những điểm nhấn trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh xuyên suốt trong thời gian tới, nhằm kiến tạo một môi trường đầu tư ngày càng hoàn thiện, hấp dẫn và hiệu quả để có thêm sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng GDP của Tiền Giang.

Ông có nhắn gửi đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp chuẩn bị hợp tác làm ăn, phát triển kinh doanh trên địa bàn?

Chúng tôi nhận thấy rằng, tuy Tiền Giang có nhiều tiềm năng, có vị trí thuận lợi so với nhiều địa phương trong khu vực để tăng lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư, nhưng Tiền Giang cũng nhận rõ có những khó khăn nhất định. Tỉnh nằm kẹp giữa 2 thành phố lớn là trung tâm của vùng trọng điểm phía Nam là TP.HCM và TP. Cần Thơ, ít nhiều có những bất lợi về thu hút đầu tư thời gian qua, nhưng theo tôi, thử thách và cơ hội luôn song hành nhau, trong đó cơ hội luôn chiếm vai trò chủ đạo và dư địa cho Tiền Giang tận dụng cơ hội phát triển đi lên còn rất lớn ở phía trước, nếu có chiến lược, cách nhìn và bước đi linh hoạt, phù hợp để tận dụng mọi lợi thế địa phương.

Thay mặt chính quyền tỉnh Tiền Giang, tôi cam kết địa phương sẽ làm hết trách nhiệm, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi thực hiện ưu đãi doanh nghiệp ở mức cao nhất, chuẩn bị tốt mặt bằng, nguồn nhân lực chất lượng và quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, xem sự thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của địa phương, để Tiền Giang tiếp tục tạo ra đột phá mới về tăng trưởng xoay quanh 3 trụ cột phát triển chính: kinh tế - xã hội - môi trường.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tiền Giang 2018, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ trao chủ trương đầu tư và chủ trương nghiên cứu dự án cho 31 dự án tiêu biểu đã thu hút được từ đầu năm 2018 đến nay, với tổng vốn đầu tư 15.650 tỷ đồng. Cùng với đó, danh mục 19 dự án tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư với tổng vốn 16.360 tỷ đồng cũng sẽ được giới thiệu tại Hội nghị.

Bên lề Hội nghị còn có các hoạt động triển lãm, trưng bày, giới thiệu về tiềm năng và nhu cầu mời gọi đầu tư của tỉnh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, các hoạt động khởi nghiệp trong thanh niên, giới thiệu về thành tựu của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Huy Tự
https://baodautu.vn
 Tags: đầu tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập590
  • Hôm nay73,156
  • Tháng hiện tại732,483
  • Tổng lượt truy cập93,110,147
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây