Học tập đạo đức HCM

Tỉnh có hơn 90% số xã nợ đọng tiền nông thôn mới, mờ mịt ngày trả nợ

Thứ tư - 20/07/2016 04:04
Nói thẳng ra, Phú Thọ nợ đọng NTM không lớn, khoảng gần 200 tỷ đồng, nhưng lại là tỉnh có tỷ lệ các xã mắc nợ khá cao, với 226/247 xã là “con nợ NTM”.

 

Làm giao thông nông thôn ở Đoan Hùng (Phú Thọ)

Làm giao thông nông thôn ở Đoan Hùng (Phú Thọ)

Sau 5 năm cả nước dốc sức triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, theo thống kê sơ bộ của 52/62 tỉnh, thành, tổng số nợ đọng (tính đến hết 31/1/2016) khoảng 15.212 tỷ đồng. Tỉnh ít nợ trăm tỷ, tỉnh nhiều cả ngàn tỷ. Món nợ này chuyển qua nhiều đời lãnh đạo, chưa biết khi nào mới trả xong!

Nói thẳng ra, Phú Thọ nợ đọng NTM không lớn, khoảng gần 200 tỷ đồng, nhưng lại là tỉnh có tỷ lệ các xã mắc nợ khá cao, với 226/247 xã là “con nợ NTM”. Số nợ đó đến nay cứ treo lơ lửng trên đầu lãnh đạo địa phương mà chưa tìm ra lời giải.

Chưa đạt chuẩn, đã nợ 22 tỷ đồng

Là xã miền núi của huyện Phù Ninh (Phú Thọ), những năm qua, xã Liên Hoa đã cố gắng phấn đấu đạt 15/19 tiêu chí NTM. 4 tiêu chí chưa đạt được đều là những tiêu chí ngốn rất nhiều tiền là giao thông, thuỷ lợi, trường học và chợ.

Khó nuốt nhất vẫn là đường giao thông. Xã còn 7,5/19km tỉnh lộ, huyện lộ và liên xã, trên 20/50km đường liên thôn, nội đồng chưa hoàn thành. Là xã miền núi cũng là vùng đất giữa, xa trung tâm, không có quốc lộ, đường sông, không DN đóng trên địa bàn; bà con chủ yếu làm ruộng, hầu như không có nghề phụ, nên việc huy động nguồn lực cho xây dựng NTM tương đối khó khăn.

Vì vậy, nhiều đoạn đường huyết mạch của xã hiện đang rất lầy lội nhưng chưa xin được kinh phí làm. Xã có 26km kênh mương thì mới cứng hoá được 500m, đạt 1,54%, trong khi yêu cầu của tiêu chí này phải 65%.

Ngoài ra Liên Hoa còn "nợ" tiêu chí chợ. Chợ xã Liên Hoa cơ sở vật chất hầu như không có, 5 ngày họp 1 phiên nhưng một số hộ dân ở xa trung tâm xã vẫn đi đường đất, nếu trời mưa lầy lội là bà con không thể đến chợ.

Ông Đặng Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hoa cho biết, đã cố hết mức mới được vậy. Xã rất mong cấp trên rót vốn làm nốt 7,5km đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, cứng hoá kênh mương nội đồng và hỗ trợ xi măng làm đường... Mong thì vẫn mong, nhưng đành ngồi chờ chứ tỉnh, huyện cũng còn khó khăn thì chưa biết khi nào mới có tiền.

Cùng với các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, đến tháng 2/2016, huyện Phù Ninh chưa có xã đạt chuẩn NTM mặc dù có 8/18 xã đạt từ 15 đến 17 tiêu chí. 

Khó khăn chung vẫn rơi vào các tiêu chí thuỷ lợi, giao thông, trường học, chợ nông thôn và y tế. Toàn huyện chỉ có hai xã đạt tiêu chí giao thông đó là Phú Nham và Hạ Giáp; 5 xã hoàn thành tiêu chí về trường học; 10 xã hoàn thành tiêu chí chợ nông thôn; 6 xã đạt tiêu chí về y tế; chưa có xã nào hoàn thành tiêu chí về thuỷ lợi…

Tại buổi kiểm tra về nợ đọng xây dựng NTM của Phú Thọ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, tỉnh cần tránh đầu tư dàn trải, phân tán, nợ đọng vốn, đặc biệt quan tâm đến huyện nghèo và các xã khó khăn. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát giúp các xã đang vay nợ nhiều. Tiến hành rà soát, phân loại nợ và xác định nguồn để có lộ trình xử lý nợ đọng NTM.

Đến nay, huyện đã có 16/18 xã cơ bản đạt chuẩn NTM. Năm 2016, huyện phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn. Tuy nhiên do Phù Ninh là huyện miền khó khăn, vốn ngân sách huyện, vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh còn hạn chế nên hết tháng 5, nợ đọng NTM toàn huyện còn hơn 22 tỷ đồng.

Trả nợ: Hãy đợi đấy!

Theo tỉnh Phú Thọ, năm 2015, tổng huy động nguồn lực đầu tư xây dựng NTM của tỉnh ước đạt 1.211 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách đầu tư lồng ghép các chương trình, dự án chiếm 23,53%; vốn từ DN, HTX và các tổ chức kinh tế khác chiếm 24,51%, còn lại là vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp, vốn tín dụng và nguồn lực huy động từ cộng đồng dân cư…

“Với nguồn vốn đã huy động được, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều chương trình, giải pháp thực hiện tiêu chí số 2 (phát triển giao thông nông thôn). Đây được coi là một trong những giải pháp then chốt giúp các địa phương đẩy mạnh việc phát triển KT-XH.

Đến nay, trên toàn tỉnh tỷ lệ đường trục xã, liên xã được nhựa hoá, bê tông hoá đạt 61%; đường trục thôn, xóm được cứng hoá đạt 55,05%; tỷ lệ đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa đạt 60,9%. Mặc dù vậy, đến tháng 2/2016, toàn tỉnh mới chỉ có 44/247 xã đạt tiêu chí này (chiếm 17,8%)”, ông Nguyễn Thanh Hải, tân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho hay.

14-36-55_ntm-phu-tho
Phát triển hạ tầng trong xây dựng NTM đang khiến cho số nợ đọng ngày một lớn

 

Đối với tiêu chí thuỷ lợi, các địa phương đã tập trung chỉ đạo xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình thuỷ lợi và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Tỷ lệ kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá đạt 38%, toàn tỉnh có 59/247 xã đạt tiêu chí này.

Để đạt được kết quả trên, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, thì các địa phương trong tỉnh buộc phải tìm đủ mọi biện pháp để “hiện thực hóa phong trào xây dựng NTM”, nhưng càng làm càng mắc nợ. Cứ cắm cúi làm, đến hết năm 2015 nhìn lại, các xã đã trở thành “con nợ” NTM với gần 200 tỷ đồng.

Về phương án trả nợ, theo ông Hải, tỉnh đang lúng túng, vì ngân sách quá hạn hẹp. “Chúng tôi dự tính sử dụng vốn vay tín dụng, tiền vượt thu ngân sách, nguồn thu từ xổ số kiến thiết, đấu giá quyền sử dụng đất, hỗ trợ chuyển đổi đất lúa và một số nguồn khác để xử lý dứt điểm nợ đọng NTM. Tóm lại tìm được nguồn nào để trả nợ đều đã cố gắng hết sức rồi”, ông Hải cho biết.

Đấy là về lý thuyết, còn trên thực tế, theo PGĐ Sở Tài chính tỉnh, ông Đào Quý Cường, thì nguồn thu từ xổ số mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng, trước dành cả cho phát triển giáo dục nhưng gần đây thì chia đều cho giáo dục và y tế.

Phần tiền vượt thu ngân sách một năm khoảng 60 tỷ đồng thì 30 tỷ dành trả nợ các công trình xây dựng do tỉnh quyết định đầu tư, nửa còn lại chi các quỹ dự phòng là hết. Ngoài ra, do bất động sản đóng băng nên khó có thêm nguồn từ đấu giá quyền sử dụng đất để trả nợ NTM...

“Tóm lại là nguồn trả nợ đọng là cực kỳ khó khăn, vậy nên trông chờ cả vào ngân sách Trung ương hỗ trợ và nguồn thu khác từ địa phương, nhưng còn mờ mịt lắm”, ông Cường nói.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở NN-PTNT Phú Thọ), cho rằng xuất phát từ quyết tâm xây dựng NTM nhanh chóng, huyện Phù Ninh hầu như đã dốc toàn lực vào xây dựng hạ tầng, kể cả chấp nhận vay nợ. Sau 5 năm nhìn lại mới “ngã ngửa” bởi số nợ đọng xây dựng cơ bản làm NTM quá lớn mà chưa tìm ra nguồn để trả.

 

THEO VĂN NGUYỄN/NONGNGHIEP.VN


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập197
  • Hôm nay76,642
  • Tháng hiện tại907,369
  • Tổng lượt truy cập92,081,098
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây