Sáng 14/3, tại Đà Lạt, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013 của ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. Báo cáo tại hội nghị cho biết, ở lĩnh vực Kinh tế hợp tác, trang trại và liên kết, năm 2012 đã thu được những kết quả tích cực: Cả nước có 9.725 HTX và trên 32.100 tổ hợp tác nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thuỷ sản. Theo đánh giá chung, kinh tế tập thể năm 2012 hoạt động khá ổn định trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Cả nước cũng có 20.000 trang trại (giảm 60 trang trại so với năm 2011), phát triển và khai thác cũng như sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới. Bên cạnh đó, cũng đã hình thành một số mô hình liên kết hiệu quả giữa nông dân và doanh nghiệp như mô hình "cánh đồng mẫu lớn" trong sản xuất lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mô hình liên kết tập trung trong ngành hàng cá tra, mô hình liên kết trồng rừng ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, mô hình liên kết chăn nuôi gia công, trồng và tiêu thụ rau sạch. Tuy nhiên, các mô hình liên kết hiện nay chủ yếu vẫn nằm ở quy mô nhỏ, tình trạng phá vỡ hợp đồng, tranh mua, tranh bán vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Lâm Đồng là một trong những tỉnh, thành có nhiều mô hình cây trồng đạt giá trị trên 150 triệu đồng trên một héc ta canh tác |
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2012 cũng đã đạt được nhiều kết quả mong đợi với tổng số 34 xã trong toàn quốc đã đạt được 19 tiêu chí. Đến thời điểm hiện tại, bộ máy tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cơ bản đã được kiện toàn. Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình, Văn phòng điều phối (2 tỉnh Hà Giang và Quảng Ninh thành lập Ban Xây dựng nông thôn mới trực thuộc UBND tỉnh). Có 80% số huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, 97% số xã thành lập Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã; ngoài ra, có 54% số xã thành lập thêm Ban Chỉ đạo cấp xã để chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển và xây dựng nông thôn mới. Công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã tính đến hết năm 2012, đã có 83,6% số xã quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, 60,4% số xã đã phê duyệt xong đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã; khoảng 20% số xã đạt tiêu chí thuộc nhóm xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Phong trào xây dựng nông thôn mới cả nước đã có sự chuyển biến rõ nét trong năm 2012. Số lượng xã đạt với mỗi tiêu chí đều tăng, ngoài 34 xã đạt được 19/19 tiêu chí( chiếm 0,4%) còn có 276 xã đạt từ 14-18 tiêu chí; 1.701 xã đạt từ 9-13 tiêu chí; 2.523 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Cũng trong năm 2012, các địa phương, nhất là những nơi đã hoàn thành quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới đã chú trọng hơn đến chỉ đạo sản xuất trong nội dung xây dựng nông thôn mới. Mô hình "cánh đồng mẫu lớn" ở An Giang đã được hơn 40 tỉnh học tập và nhân rộng. Thái Bình ngoài việc dồn điền, đổi thửa cải tạo đồng ruộng còn hỗ trợ lãi suất tín dụng cho nông dân vay mua phương tiện sản xuất hiện đại ... Tính đến nay, các địa phương trong cả nước đã hỗ trợ trên 1.600 tỷ đồng để thực hiện hơn 7.000 mô hình sản xuất, rất nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình cây trồng giá trị cao đạt 150 triệu đồng/ha.
Theo baolamdong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã