Học tập đạo đức HCM

Tổng Bí thư chỉ ra những việc cần làm tốt để đẩy mạnh thi đua yêu nước

Chủ nhật - 03/06/2018 10:20
VOV.VN - Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Sáng 3/6, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018) và tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, điển hình tiên tiến qua các thời kỳ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

VOV.VN trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu này:

 

tong bi thu chi ra nhung viec can lam tot de day manh thi dua yeu nuoc hinh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm

 

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa toàn thể các đồng chí, đồng bào,

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), hôm nay, chúng ta họp mặt tại đây để ôn lại những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm lại những công việc chúng ta đã làm trong thời gian qua và biểu dương, tuyên dương những tập thể và cá nhân đã có những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua ái quốc, nhằm đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, các vị khách quý, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, và đặc biệt chào mừng 700 đại biểu điển hình tiên tiến - những bông hoa tươi thắm trong phong trào thi đua yêu nước đã về dự buổi lễ trọng thể này. Tôi cũng xin gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng nồng nhiệt tới toàn thể đồng chí, đồng bào và chiến sĩ cả nước đang ngày đêm hăng say lao động, sản xuất, chiến đấu, công tác, học tập, nghiên cứu khoa học, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thưa các vị đại biểu và các đồng chí,

Như chúng ta đã biết, công tác thi đua, khen thưởng có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Cách đây 170 năm, nhà lý luận thiên tài, nhà tư tưởng vĩ đại của giai cấp vô sản C.Mác đã chỉ rõ: Thi đua là một hiện tượng xã hội tồn tại khách quan, là quy luật phát triển tất yếu của quá trình hợp tác lao động của con người; ở đâu có hợp tác lao động thì ở đó có thi đua. V.I.Lê nin cũng từng nói: Cách mạng là ngày hội của quần chúng. Với phong trào cách mạng của triệu triệu quần chúng tự giác, tích cực tham gia thì không có khó khăn nào không vượt qua, không có kẻ thù nào không đánh thắng, không có nhiệm vụ cách mạng nào không hoàn thành.

Vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin về thi đua vào phong trào cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng quan niệm về thi đua lên một tầm tư tưởng, coi thi đua là một phẩm chất đạo đức, thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam. Người nói: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất. Ngày 11/6/1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc. Người chỉ rõ: Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Người khẳng định: Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực. Trên tiền tuyến, các chiến sĩ thi đua chiến đấu lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi để vừa diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong", "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần", "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt", v.v... đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ và hành động cách mạng thiết thực, góp phần đưa các cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng Mùa Xuân năm 1975.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó là, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Trong những năm gần đây, chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" đã được các ngành, các cấp hưởng ứng tích cực, bằng nhiều phong trào thi đua cụ thể, liên tục, thiết thực, có tác động lan toả rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là các phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc"; "Dạy tốt, học tốt"; "Dân vận khéo"; đặc biệt là 3 phong trào thi đua trọng tâm: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau",...

Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng nghìn tỉ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, tác động lan toả trong cả nước, đến mọi tầng lớp nhân dân. Chúng ta thực sự xúc động và tự hào về những việc làm, hành động cao đẹp của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến đã được nêu trong Báo cáo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương cùng những thước phim và các câu chuyện cụ thể, sinh động về những điển hình vừa được giao lưu, tôn vinh hôm nay. Những việc làm cao đẹp của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, gương điển hình tiên tiến đã nhắc nhở mọi người, nhất là các cán bộ, công chức, viên chức phải đề cao trách nhiệm, tận tuỵ trong công việc, nâng cao hiệu quả công tác, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa rời dân, vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Tôi tin chắc rằng, đồng hành cùng với 700 điển hình tiên tiến về dự cuộc gặp mặt hôm nay, còn có rất nhiều tấm gương thầm lặng khác đang cống hiến trên nhiều lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Tổ quốc, trong các tầng lớp dân cư, kể cả đồng bào ta đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài không có điều kiện về dự buổi Lễ hôm nay.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng, trân trọng, đánh giá cao và biểu dương các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến trong toàn quốc. Tôi cũng hoan nghênh, cảm ơn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đã tích cực, chủ động, sáng tạo, có nhiều đóng góp thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, tạo nên những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trong những năm qua.

Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, phong trào thi đua và công tác khen thưởng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện; nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, còn để xảy ra tình trạng "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy huân chương"; khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân tuy đã được quan tâm nhưng còn ít. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền thiếu đồng bộ, sinh động, thuyết phục, làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể, cá nhân. Những hạn chế, khuyết điểm đó cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục.

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng từ trung ương đến cơ sở, người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức và những cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng cần đào sâu suy nghĩ, đề cao trách nhiệm, tiếp tục đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và tổ chức thực hiện để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là một phương thức lãnh đạo của Đảng, một phương thức quản lý của chính quyền và là động lực để xây dựng con người mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thưa các đồng chí,

Đất nước ta đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen. Sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, đầy triển vọng nhưng cũng có không ít khó khăn, phức tạp hơn so với trước. Để phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong thời gian tới, tôi đề nghị toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy. Cụ thể, chúng ta cần tập trung làm tốt một số công việc chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, trọng tâm là phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tiếp tục nhân rộng các phong trào thi đua cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, nhân ái, nhân văn, phát triển toàn diện,... Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, phải phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân, là ngọn cờ dẫn đầu trong các phong trào thi đua.

Hai là, xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, đem lại lợi ích thiết thân, cụ thể cho đất nước, xã hội, con người; khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, tính tích cực chính trị - xã hội của nhân dân, của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, tạo động lực tinh thần, vật chất mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người người thi đua, ngành ngành thi đua, phấn đấu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì hạnh phúc của nhân dân phải trở thành ý chí, quyết tâm, tình cảm và hành động của tất cả mọi người.

Ba là, trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua, cần tăng cường việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và đổi mới mạnh mẽ việc biểu dương, khen thưởng. Bác Hồ nói: "Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch". Biểu dương, khen thưởng phải kịp thời, công tâm, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác.

Bốn là, tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền về những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là các nhân tố mới, để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng trong toàn xã hội, tạo động lực phát triển và lan toả sâu rộng trong từng đơn vị, cơ sở. Tấm gương các điển hình tiên tiến phải có sức thuyết phục, cảm hoá mạnh mẽ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Các cấp, các ngành, cơ quan thông tin, báo chí cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tốt việc học tập, nhân rộng điển hình tiên tiến. Qua đó, phát triển, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua.

Năm là, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng. Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Trước mắt, tập trung sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng cho phù hợp với tình hình thực tế và tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Đồng thời, cần tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy và cán bộ theo hướng gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực thực tiễn, tinh thông nghiệp vụ, biết vận động quần chúng và tổ chức phong trào thi đua, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng phù hợp với thời kỳ mới, góp phần bồi đắp và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thưa các đồng chí,

Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc là dịp để chúng ta bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng, phát động các phong trào thi đua mà chính Người là tấm gương mẫu mực, là nguồn cổ vũ lớn lao cho các phong trào thi đua. Lời kêu gọi thi đua ái quốc nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung về thi đua yêu nước đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có sức sống mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.

Trên cơ sở vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm về thi đua yêu nước đã được kết tinh trong suốt 70 năm qua, chúng ta tin tưởng rằng, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân, phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong thời gian tới sẽ thực sự có những chuyển biến và đổi mới mạnh mẽ, thiết thực.

Xin chúc phong trào thi đua của cả nước tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa!

Chúc các đồng chí và các vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công!

 

 

Xuân Dần/VOV
 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập797
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm784
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại781,576
  • Tổng lượt truy cập93,159,240
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây