Đầu tư nghiêm túc để tránh rủi ro kép
TSKH. Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhận định, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi chiến lược của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển mới, chưa có tiền lệ, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro và đây là rủi ro kép. Vì thị trường tiêu thụ chưa ổn định, biến đổi khí hậu đang diễn ra khắc nghiệt, hơn nữa, vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao lại rất lớn.
“Trong vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, ngân hàng, quỹ đầu tư… đã và đang chuyển dịch vốn, đầu tư, kinh doanh sang khu vực nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không thực chất, mang tính phong trào. Chúng ta cần chủ động hạn chế những tác động tiêu cực ngay từ đầu”, ông Ngọc cảnh báo.
Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đang có kế hoạch xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, cần cẩn trọng tính toán lộ trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách hợp lý, có kế hoạch. Nếu không, phong trào này sẽ dẫn đến tình trạng các địa phương cùng làm nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao rồi bỏ trống vì vắng các dự án đầu tư.
Chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh tinh thần trong thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao là phải tính toán cung cầu, phân công đầu tư phát triển, không làm ào ạt theo phong trào, giải quyết điểm nghẽn một cách tích cực hơn, tinh thần là xã hội hóa chứ không đầu tư bao cấp.
Trên thực tế, nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực khá “kén” nhà đầu tư, bởi đặc thù của ngành này là đầu tư lớn, nhiều rủi ro. Trong khi đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào khu vực này còn gặp nhiều vướng mắc. Theo đó, hiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp còn chưa rõ ràng, thiếu tính đột phá, đặc biệt là các chính sách về tích tụ và tập trung đất đai. Đây cũng chính là lý do khiến cả nước mới chỉ có khoảng 4.500 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp.
Dù Chính phủ đã ban hành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, song lãi suất chưa thực hấp dẫn và điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn. Việc thiếu chính sách bảo hiểm nông nghiệp, thiếu chế tài đảm bảo quyền lợi của nhà sản xuất và doanh nghiệp trong thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm… cũng khiến đầu tư vào lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Doanh nghiệp mong có thị trường minh bạch
Theo ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (ATE), công tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và quản lý chất lượng, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thương hiệu của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản… chưa bài bản, thiếu minh bạch. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc truy suất nguồn gốc nông sản, mà còn dẫn tới tình trạng nhập nhèm, khiến người tiêu dùng khó nhận diện, thậm chí mất niềm tin vào nông sản sạch.
Điển hình là hiện nay, phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ rộ lên. Theo ông TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, dù nhu cầu về sản phẩm hữu cơ rất lớn và được coi là hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhỏ lẻ. Cả nước cũng chỉ mới có hai trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ có quy mô lớn, trong đó nổi bật là trang trại bò sữa của Công ty TH TrueMilk (khoảng 1.000 con).
Đến nay, chưa có các cơ quan chứng nhận sản phẩm hữu cơ, nên một số nơi đã có hiện tượng tự gắn nhãn mác “hữu cơ”. Việc không áp dụng, hoặc áp dụng không đầy đủ các tiêu chuẩn đánh giá, công nhận sản xuất hữu cơ, cũng như hoạt động của các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó phân biệt. Tình trạng này không chỉ khiến người tiêu dùng mất niềm tin, mà còn khiến doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ bài bản gặp nhiều thiệt thòi.
Ông Wolfgang Friess, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm TH (Tập đoàn TH) cho hay, do Việt Nam chưa có chứng nhận chăn nuôi hữu cơ, nên các doanh nghiệp, trong đó có TH phải lấy chứng nhận hữu cơ quốc tế, chi phí khá cao. Mặc dù việc lấy chứng nhận organic quốc tế là chủ trương của TH, bởi doanh nghiệp này đặt mục tiêu sản phẩm hữu cơ đạt chuẩn quốc tế để hướng tới xuất khẩu.
Được biết, trang trại chăn nuôi hữu cơ của TH đã tổ chức quốc tế Control Uni-on chứng nhận. Ngoài chăn nuôi, TH cũng cũng đã giới thiệu ra thị trường các loại rau, củ hữu cơ mang thương hiệu FVF và dược liệu/nước uống dược liệu hữu cơ TH herbals. Dự án rau, củ, quả hữu cơ và lúa chất lượng cao ở Thái Bình cũng đã được tập đoàn này khởi công.
Hội Thảo và Triển lãm Quốc tế về các Sản phẩm Nông nghiệp Công nghệ cao và các Sản phẩm Hữu cơ (D-AGROTECH 2017) khai mạc vào ngày hôm nay (14/7) sẽ kéo dài đến ngày 16/07/2017. Đây là hội thảo và triển lãm chuyên nghành nông nghiệp công nghệ cao uy tín tại Việt Nam, do CTCP Hội chợ và Xúc tiến Thương mại Á Châu (ATFA), dưới sự bảo trợ và phối hợp của Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Tổng hội NN&PTNT, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, TW Hội Phân bón Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phối hợp tổ chức với sự tài trợ của Tập đoàn TH.
Triển lãm dự kiến sẽ có sự tham gia của 150 doanh nghiệp với trên 200 gian hàng trưng bày và thu hút hơn 50,000 lượt khách tham quan trong 3 ngày diễn ra. D-AGROTECH 2017 cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận và trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn, đồng thời thể hiện quyết tâm ủng hộ chủ trương và chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển bền vững ngành nông nghiệp công nghệ cao.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;