Học tập đạo đức HCM

"Trâu sắt" xóa nghèo

Chủ nhật - 02/06/2013 07:05
Tháng 5, những cơn mưa rào đầu hạ trút xuống. Nguồn "nước bạc, nước vàng" đã về với người dân vùng cao tỉnh Lào Cai. Chúng tôi lên bản Má Tra, xã Sa Pả của người Mông ở xứ rét Sa Pa, với những ngôi nhà ẩn trong sương mù và ruộng bậc thang xòe như rẻ quạt dưới khe sâu, quấn những vành khăn mảnh quanh núi Can Ngài cao vút chạm mây trời...

 

"Trâu" không sợ rét

Ở vùng núi cao của xứ sở giá rét, mây mù bao phủ quanh năm như Má Tra này, ruộng bậc thang là cái "bồ thóc" nghìn đời của người Mông, giúp họ có lương thực, định canh định cư, không phát rừng làm nương. Cày ruộng bậc thang là công việc gian nan, vất vả, đòi hỏi sức khỏe và sự khéo tay của trai tráng để điều khiển con trâu, lách lưỡi cày lật từng thớ đất rắn chung quanh những tảng đá, gốc cây trên mảnh ruộng hẹp như cái bụng con ngựa gầy, chênh vênh trên núi cao chót vót. Vì thế, chỉ những người khỏe mới cày được ruộng bậc thang. Nhưng, hôm nay gió lạnh thổi ù ù như xay lúa, Giàng A Lủ, với cái lưng gù như cục bướu lạc đà, điều khiển chiếc máy cày đất, loại bốn mã lực, hiệu ZONGSHEN chạy phăng phăng như làm xiếc trên dải ruộng bậc thang chật hẹp, bề ngang chỉ vừa một đường bừa. Lủ cày đất bằng "con trâu sắt" nhẹ nhàng như không, chiếc máy chạy băng băng, loáng cái đã xong một vành ruộng bậc thang dài tít tắp, đất và cỏ dại bị những lưỡi dao sắc phay nhỏ, tơi xốp như đổ bột. "Lái con "trâu sắt ăn xăng", chạy nhanh như thế này có mệt như con trâu đen ăn cỏ kia không?". Tôi chỉ vào lũ trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ quanh những bụi lau ven bờ ruộng, hỏi. "Không mệt đâu, lái máy cày còn dễ hơn lái con trâu đấy, chỉ cần đẩy nhẹ cái cần lái này thì mình thích cày chỗ nào là được chỗ đó mà. Dễ lắm!"- Lủ cười thành tiếng. Chiếc máy cày phinh... phinh... tăng tốc, len lỏi vào tận mép bờ, góc ruộng hẹp để bóc, để phay tơi lớp đất vừa qua trận mưa đêm, bở bồm bộp. "Trời cho cái nước mưa, đất mềm ra, dễ cày lắm, nhưng nếu cày không nhanh, nắng lên, đất rắn đanh lại thì không cày được đâu. Ngày trước dùng trâu để cày, nó đi chậm, lại nhanh mệt, cho nên có khi đành bỏ hoang để cho cỏ nó ăn mất ruộng đấy"- Ðứng trên bờ ruộng bậc thang, Giàng A Sơn, em trai út của Lủ mới 16 tuổi, nói át trong tiếng máy giòn giã. Vì vậy, sau trận mưa đêm, từ tờ mờ sáng, hai anh em Lủ đã đưa "con trâu sắt" lên đồi, thay nhau cày thông buổi trưa, để kịp đất làm ngô lai vụ hè thu. Ðổi tay lái máy cho thằng em A Sơn, Lủ rót bát nước chè rừng xanh óng đưa lên miệng uống ừng ực, nhớ lại: Cách đây mấy năm (năm 2009) trận rét lịch sử kéo dài gần hai tháng liền đã đánh gục đàn trâu của dân bản Má Tra và cả xã Sa Pả này. Nhiệt độ xuống thấp 2 đến 3oC, rét quá, đói cỏ, trâu mẹ, trâu con lăn ra chết rét. Ðận ấy, cả huyện Sa Pa chết rét mất hơn 3.000 con trâu; riêng mấy xã vùng "rốn rét" như Sa Pả, Tả Phìn, Trung Chải... trâu chết gần hết. Mùa vụ năm đó, không riêng gì bản Má Tra mà cả xã Sa Pả, người lớn và trẻ em thay nhau kéo cày, cuốc đất thay trâu, cực khổ vô cùng. Ở Má Tra này cũng như nhiều nơi khác ở Sa Pa, có lẽ sợ nhất là mùa đông rét hại kèm theo sương muối, cây cỏ lụi tàn, để giữ được con trâu làm sức kéo cho sản xuất nông nghiệp tốn rất nhiều công sức, vất vả. Lo nhất là cỏ làm thức ăn nuôi trâu. Người Mông, người Dao phải thức dậy từ bốn, năm giờ sáng, nghèo thì đi bộ, khá hơn thì đi xe máy xuống vùng thấp cách xa từ 30 đến 50 cây số để kiếm cỏ về nuôi trâu qua ngày đông tháng giá, cực khổ trăm bề, không còn thời gian làm việc gì nữa. Nhiều gia đình con cái phải bỏ học để cả ngày nai lưng kiếm cỏ nuôi trâu. Bây giờ ba, bốn nhà chung tiền mua một máy cày, cả xã có hơn 60 "trâu sắt" rồi. Kể đến đây, Lủ đọc vanh vách tên hàng chục đứa trẻ ở bản đã từng được đi học nhưng phải nghỉ giữa chừng để ở nhà chăn trâu, kiếm cỏ, cuốc đất, bừa ruộng... giúp gia đình. "Bây giờ có "trâu sắt" thì không sợ cái rét nữa chứ?- tôi cắt ngang. "Ừ, "trâu sắt" không ăn cỏ, không biết rét, không lo bị chết. Mình không phải dậy sớm, đi xa kiếm cỏ, có thời gian làm nhiều việc khác; ba đứa con nhà mình không phải đi chăn trâu, đều được đi học cái chữ. Chúng nó học tiến bộ lắm, được cô giáo khen đấy"- Lủ cười vang trên mảnh ruộng bậc thang đang được cày tung lên đón vụ mới.

"Trâu sắt" đuổi nghèo

Giữa trưa, tôi đến bản Sả Séng của người Dao ở xã Tả Phìn, vào nhà nào cũng chỉ có phụ nữ và người già thêu, dệt thổ cẩm, chế biến lá tắm thuốc, còn đàn ông đổ cả lên nương cày đất. Tiếng "trâu sắt" nổ vang rộn một vùng núi non xanh thăm thẳm. Nhà Mã A Sáng đã cày, bừa xong hơn 20 cân giống ruộng bậc thang (khoảng bảy sào) trên núi Sả Séng lẫn trong mây mù, đợi ngày xuống hạt. Sáng bảo, không cấy lúa mà trồng ngô lai giống C919 của Mỹ, vì cần ít nước, mà vẫn cho năng suất cao, mỗi vụ ngô thu về chừng một tấn hạt, trị giá hơn 50 triệu đồng. "Ba năm nay, có cái máy cày, mình đã thoát nghèo được rồi, không phải xin trợ cấp gạo của Nhà nước nữa. Sướng cái bụng quá"- Sáng khoe thế. Bây giờ, người Mông, Dao, Tày, Giáy... ở sáu thôn của xã Tả Phìn, huyện Sa Pa chuyển sang sử dụng máy công cụ để làm đất canh tác nông nghiệp. Máy đến với người dân thông qua Chương trình 135 của Nhà nước và đồng bào tự mua. Chủ tịch UBND xã Tả Phìn Trang A Xà cho biết, xã này có 86 máy, nhiều nhất huyện; Nhà nước hỗ trợ 26 chiếc, còn lại dân tự mua. Tả Phìn là địa phương đầu tiên trong huyện vận động người dân sử dụng máy cày thay trâu, từ đó lan tỏa sang các xã Sa Pả, Trung Chải, Hầu Thào, Tả Van... "Trâu sắt" đã giúp bà con nông dân chủ động sức kéo, rút ngắn thời gian cày đất nặng nhọc, có thêm thời gian làm nghề phụ như sản xuất thổ cẩm, trồng địa lan, chế biến nước tắm lá thuốc cổ truyền phục vụ khách du lịch... để có thêm thu nhập. Tả Phìn là một trong những xã xóa nghèo nhanh và bền vững của huyện Sa Pa, đạt khoảng 11%/năm. Năm 2012, có hơn 100 hộ thoát nghèo, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Phó Chủ tịch xã Lý Láo Tả cho biết: "Trâu sắt còn giúp mang cái chữ đến với trẻ em đấy. Tả Phìn đạt tỷ lệ học sinh chuyên cần cao nhất, nhì huyện (98%) là nhờ trẻ em không phải đi chăn trâu, kiếm cỏ ngày đông giá rét". Tả thoăn thoắt dẫn tôi đến nhà ông Lý Phù Nguyện, một trong những hộ người Dao khá giả nhờ sắm hai máy cày hiệu 500B-2, ngoài làm đất cho gia đình còn dùng để cày, bừa thuê cho bà con trong xã, mỗi vụ thu về vài chục triệu đồng. Bên cạnh căn nhà khang trang, đủ tiện nghi, ông Nguyện còn mở một cửa hàng làm dịch vụ sửa chữa máy nông cụ nhỏ cho bà con trong xã và vùng lân cận, giải quyết việc làm cho sáu lao động ở địa phương. Bên ấm chè thuốc cổ truyền của người Dao, uống vào đến đâu biết đến đó, ông Nguyện khoe "sáng kiến" chế tạo thành công bánh lồng bằng sắt để lắp vào máy giúp bà con làm việc ở ruộng lầy thụt đạt hiệu quả tốt.

Ở phòng kinh tế huyện Sa Pa, Trưởng phòng Nguyễn Tiến Thành cho biết: Toàn huyện hiện có 427 máy nông cụ làm đất, ở 17 trong số 17 xã, thị trấn (trong đó Nhà nước hỗ trợ 199 chiếc, còn lại là dân tự mua), chủ yếu là máy cày, loại 3,5 đến 4 mã lực, bảo đảm làm đất được gần 50% diện tích canh tác nông nghiệp toàn huyện (4.126 ha, trong đó 90% là ruộng bậc thang). Về giá thành thì một máy cày cầm tay loại bốn mã lực, có giá từ 10 đến 12 triệu đồng, chỉ bằng một nửa số tiền để mua một con trâu cày được, phù hợp với khả năng tài chính, cho nên đồng bào dễ mua sắm. Một trâu khỏe chỉ cày được khoảng 800 m2 đất/ngày, trong khi máy cày năng suất gấp ba lần, đạt khoảng 2.500 m2/ngày. Cuối câu chuyện, anh Thành khẳng định: "Vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao sử dụng máy cày thay trâu đã giải quyết được ba vấn đề, đó là: chủ động nguồn sức kéo, không bị phụ thuộc vào thời tiết giá rét; giải phóng sức lao động, tạo điều kiện mở nghề phụ phát triển du lịch, nâng cao thu nhập; trẻ em được đi học, tỷ lệ chuyên cần cao hơn. Nhiều năm nay, chúng tôi "đau đầu" về bài toán này, bây giờ thì đã có lời giải". Ðể kiểm chứng thêm, tôi đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sa Pa, nữ Trưởng phòng Âu Thị Oanh cho biết: Mỗi năm huyện Sa Pa có khoảng 600 đến 800 hộ thoát nghèo nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất của Nhà nước theo Chương trình 135, trong đó việc đưa máy cày lên núi thay trâu là sự đột phá, làm thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao theo hướng chuyên canh hàng hóa, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhờ cơ giới hóa sản xuất, nhiều hộ đã chuyển sang trồng rau, hoa cao cấp, dược liệu cho thu nhập cao hơn nhiều lần trồng lúa, ngô. Chúng tôi phấn khởi, vì đây chính là nền tảng để giúp bà con xóa nghèo bền vững.

Tháng 5, Sa Pa đang là cao điểm của mùa cày đất. Trên các sườn đồi có ruộng bậc thang dễ thấy đàn "trâu sắt" sơn mầu đỏ chói đang hối hả lật tung lớp đất nâu, vui như ngày hội. Tuy nhiên vẫn còn những việc làm Chủ tịch huyện Sa Pa Lê Ðức Luận trăn trở là chưa có cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng máy nông cụ tại chỗ, đủ sức khắc phục được những hỏng hóc và cung cấp phụ tùng thay thế bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý. Máy cày ở vùng cao, do gặp đá và địa hình có độ dốc lớn, thường hay bị gãy lưỡi dao phay đất và mẻ hộp xích chuyền động. Muốn sửa chữa hoặc thay thế, bà con phải mang xuống TP Lào Cai. "Dù còn nhiều khó khăn, nhưng giai đoạn 2012- 2015, chúng tôi dành khoảng năm tỷ đồng để tăng thêm hơn 300 máy cày, bừa và thành lập các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng ngay tại các xã, đẩy nhanh việc cơ giới hóa khâu làm đất, xây dựng nông thôn mới ở vùng núi giá rét có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như Sa Pa"- Chủ tịch huyện Lê Ðức Luận nói, tràn đầy tin tưởng.

Bài và ảnh: QUỐC HỒNG
Theo nhandan.org.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập595
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại793,123
  • Tổng lượt truy cập93,170,787
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây