Ý nghĩa thiết thực, hiệu quả kinh tế cao
Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện dự án xây dựng các mô hình điểm trồng cây gỗ lớn tại 11 tỉnh miền Bắc và miền Trung do TTKN quốc gia tổ chức tại Hòa Bình ngày 31.10, diện tích trồng rừng tăng mạnh từ 1,92 triệu ha năm 2002 lên 3,4 triệu ha năm 2012, bình quân tăng 127.000ha/năm. Tổng trữ lượng rừng trồng 73,5 triệu m³, trong đó trữ lượng rừng trồng sản xuất khoảng 56 triệu m³, bình quân tăng 6,2%/năm.
Thăm mô hình trồng keo tai tượng ở xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Tuy diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng đã tăng trong thời gian qua nhưng chủ yếu là cung cấp gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ… giá trị kinh tế thấp; chưa có các giải pháp về kỹ thuật để phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho sản xuất đồ mộc, gỗ xuất khẩu với giá trị kinh tế cao.
Mặt khác, năng suất và chất lượng rừng trồng còn thấp, trung bình chỉ đạt 10-13m³/ha/năm (còn khoảng 0,7 triệu ha rừng trồng sản xuất đạt bình quân 7-9 m³/ha/năm), sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt khoảng 15-17 triệu m³ trong đó có 3 - 3,4 triệu m³ gỗ lớn (20%) và 12 - 13,6 triệu m³ gỗ nhỏ (80%), chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến trong nước cũng như xuất khẩu.
Qua khảo sát hiện nay, nhu cầu sử dụng gỗ lớn rất nhiều. Hiện sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 20% nguyên liệu, còn 80% phải nhập khẩu. Ngược lại, diện tích rừng gỗ lớn của nước ta chỉ đạt 20%, 80% là rừng gỗ nhỏ.
Trong khi đó, nếu bán gỗ nhỏ, gỗ dăm hoặc nguyên liệu giấy giá trị chỉ đạt 700.000 – 800.000 đồng/tấn, nhưng nếu gỗ (xẻ) chế biến đường kính càng cao thì giá trị càng lớn (đường kính 25 – 30cm khoảng 1,8 – 2 triệu đồng/m3, giá trị cao gấp 3 lần so với rừng gỗ nhỏ; đường kính trên 30cm khoảng 3 triệu đồng/m3). Các tỉnh miền Bắc và miền Trung mặc dù đã có quy hoạch trồng rừng gỗ lớn, song những năm qua hầu hết các tỉnh chủ yếu tập trung cho trồng rừng gỗ nhỏ, số mô hình trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn còn hạn chế.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, năm 2016, Bộ NNPTNT đã giao TTKN quốc gia chủ trì xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng gỗ lớn trong thời gian 3 năm từ 2016-2018, đáp ứng mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Cán bộ khuyến nông kiểm tra rừng keo được trồng tại huyện Tân Lạc (Hoà Bình). Ảnh: T.L
TS Trần Văn Khởi- quyền Giám đốc TTKN quốc gia cho biết, theo tính toán so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng trồng gỗ lớn cao hơn rất nhiều lần tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Đối với loại cây trồng phổ biến là cây mọc nhanh như: Keo lai, bạch đàn lai và mỡ đến năm thứ 5 vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ mỏ, giá trị đạt trung bình khoảng 40 triệu đồng/ha.
Thế nhưng khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây rừng từ 12-14 năm trồng mới tiến hành khai thác thì hầu hết các cây đã đạt đường kính trên 25cm. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ chế biến (gỗ xẻ) với giá trị 1,8-2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 120-160 triệu đồng/ha, cao gấp 3-4 lần giá trị rừng gỗ nhỏ.
“Trồng rừng gỗ lớn có lợi vì chỉ trồng 1 năm, tỉa tươi chúng ta được phần gỗ tỉa, những cây còn lại tốc độ sinh trưởng tốt, hạn chế phải trồng lại. Giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần, còn góp phần bảo vệ môi trường” - ông Khởi nhấn mạnh.
Điểm sáng sau 2 năm xây dựng các mô hình
Trong hai năm 2016 – 2017, TTKN quốc gia đã chủ trì xây dựng, thực hiện dự án trên địa bàn 11 tỉnh miền Bắc và miền Trung. Kết quả thu hút 336 hộ tham gia, xây dựng được 17 mô hình, mỗi mô hình có 2 điểm trình diễn, tổng trồng được 650ha rừng gỗ lớn (đạt 100% kế hoạch).
Cây trồng chính dự án triển khai là các giống keo lai BV10, BV16, BV32 được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô; bạch đàn lai như UP54, UP99 và mỡ tuyển chọn, các giống này có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Dự án đã hỗ trợ cây giống và phân bón NPK (5:10:3) cho người dân. Đến nay, tỷ lệ cây sống đạt 92 – 95%, cây sinh trưởng nhanh hơn 1,2 – 1,5 lần so với các giống cấy hom.
Đại diện TTKN tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau 2 năm triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn (sử dụng hai giống bạch đàn lai mô UP99 và UP54), cây có chiều cao và đường kính gốc cao hơn ít nhất 30% so với rừng trồng đại trà. Hiệu quả khả quan với nhiều cây đạt chiều cao 5,5-6m. Đặc biệt, đại diện TTKN tỉnh Thanh Hoá thông tin, sau 15 tháng trồng, có những mô hình trồng rừng gỗ lớn, cây keo lai mô sinh trưởng tốt có chiều cao trên 4m.
Tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, dự án được triển khai từ tháng 9.2016. Quy mô dự án với 18ha và 10 hộ tham gia trồng 3 giống keo lai mô: BV10, BV16, BV32.
Ông Bùi Văn Dành - người dân xóm Bin (xã Tử Nê) tham gia dự án với 2ha trồng keo lai chia sẻ: “Trồng 3 giống keo lai mới này mới 13 tháng tuổi nhưng cây sinh trưởng nhanh gấp 2 lần giống cũ. Dự tính đến khi thu hoạch, cây có đường kính 50-60cm, giá bán gỗ lớn cao hơn 4-5 lần gỗ nhỏ”.