Các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng trưởng tích cực so với năm 2011. Đến tháng 9.2016, đã có 2.045 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 23%), đã có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Việc một số huyện đạt tiêu chí nông thôn mới sớm hơn so với dự kiến là bước phát triển quan trọng của Chương trình. |
Báo cáo kết quả giám sát trình UBTVQH tại Phiên họp sáng qua cho biết, trong số 53/63 tỉnh, thành phố nợ đọng xây dựng cơ bản, cá biệt có địa phương mất khả năng thanh toán, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Đáng lưu ý, số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung ở đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ - khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, đồng thời cũng là nơi có số nợ đọng lớn nhất, chiếm tới 75,3%. Tổng số nợ tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước.
15.277 tỷ đồng - so với tổng nguồn lực khoảng 1 triệu tỷ đồng huy động được cho Chương trình, thì không phải là con số lớn và không trải đều ở tất cả các xã, huyện mà chỉ tập trung ở một số nơi, khu vực. Như phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, trong số nợ này có nhiều khoản và không phải khoản nào cũng xấu, có khoản nợ lành mạnh. Ví dụ, đối với những xã đã đạt 15 - 16 tiêu chí rồi, bây giờ họ muốn dấn thêm một bước nên đã vay nợ để làm cho đủ 19 tiêu chí. Vì vậy, cũng không nên nặng nề. Nếu nợ do anh làm theo kiểu bất chấp, hoặc do thất thoát, tiêu cực, thì phải chấn chỉnh ngay, Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt chỉ rõ.
Tuy nhiên, lý lẽ này chưa thuyết phục được đa số thành viên UBTVQH khác, trong đó có người đứng đầu cơ quan lập pháp: Hơn 15 nghìn tỷ đồng nợ (xây dựng cơ bản) không lớn và cần phân tích nợ lành mạnh. Trừ những thất thoát, nếu số nợ này đi vào cơ sở hạ tầng thì lành mạnh hết. Nhưng nó không lành mạnh cho nền tài chính quốc gia. Mình đang nợ xây dựng cơ bản ở các địa phương, chưa xử lý xong, bây giờ để cố gắng xây dựng nông thôn mới lại nợ tiếp trên cả nước hơn 15 nghìn tỷ đồng nữa… Nợ để được đạt chuẩn nông thôn mới thì xử lý như thế nào? Nếu ngân sách mai mốt có nguồn trái phiếu hay nguồn gì cho đầu tư công để ưu tiên xử lý số nợ này thì lại không công bằng với những xã khác. Và như thế thì cứ vay nợ đầu tư sẽ được ưu tiên giải quyết nợ - là không hợp lý, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn.
Trả lời cho câu hỏi khó này, Bộ trưởng Bộ NN -PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, qua làm việc với các địa phương, Đoàn giám sát cũng quan tâm tới việc xử lý nợ đọng, nhưng quả thật chưa có một giải pháp nào khả thi về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Còn qua làm việc với các bộ, ngành, đặc biệt là Kiểm toán Nhà nước, thì câu hỏi này chưa rõ và chưa trả lời được ý kiến băn khoăn của Chủ tịch QH.
Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Phiên họp (Ảnh: Quang Khánh) |
Thực ra cũng chưa hẳn là không có giải pháp nào. Bởi theo đề xuất, có phần lạc quan, của các địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, sau này sẽ sử dụng quỹ đất qua đấu giá để bù đắp cho khoản nợ này. Tuy nhiên, từ góc độ tính khả thi của đề xuất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ rõ, thị trường bất động sản hiện chưa có gì khởi sắc và nếu lấy quỹ đất của các địa phương để phát triển đô thị sẽ không tạo được sản xuất. Nhưng trên hết, theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, vấn đề nổi lên cần quan tâm là tính hợp lý, tính công bằng sau khi xử lý nợ và nguồn trả nợ cũng chưa rõ ràng. Nếu nói rằng, sử dụng nguồn thu ngân sách, hay nguồn thu từ đất đai (có được sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới) thì có những địa phương nợ hơn 100 tỷ đồng - đang không biết lấy nguồn nào để trả nợ?
Mới chú trọng xây dựng hạ tầng
Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, có bước đi phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Do vậy, không thể nôn nóng. Mặc dù đây là lần đầu tiên thực hiện Chương trình, nhưng chúng ta đã lượng hóa được thế nào là nông thôn mới với 19 tiêu chí. Qua gần 6 năm thực hiện, cả nước đã có 23% tổng số xã đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới, 24 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Và vấn đề quan trọng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, đó là Chương trình đã huy động được sự đóng góp rất lớn của người dân. Nếu đóng thành tập những gương sáng về hiến đất, góp nguyên vật liệu… để xây dựng nông thôn mới, thì rất nhiều chuyện xúc động. “Tôi thấy được tấm lòng của người dân mong muốn có nông thôn mới thực sự”, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu khẳng định.
Kết quả đạt được bước đầu là khá rõ nét. Song qua giám sát, việc thực hiện Chương trình cũng còn không ít bất cập cần được phân tích, làm rõ nguyên nhân để tìm ra giải pháp khắc phục cho giai đoạn tới.
Mục tiêu cốt lõi của Chương trình nông thôn mới là tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, bảo đảm các vấn đề về môi trường, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng phải đàng hoàng, thì quan trọng nhất là yếu tố phát triển bền vững cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Điều này bảo đảm rằng, khi đã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ không bị tái không đạt chuẩn nữa. Tuy nhiên, theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, dường như phong trào xây dựng nông thôn mới chỉ thi đua nhau để xây dựng cơ sở hạ tầng, còn mảng sản xuất, chỉ đạo, quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng có chất lượng, có năng suất, có hiệu quả trên từng hécta đất, trên từng sào ruộng, thì hình như các địa phương chưa quan tâm, chú ý chỉ đạo thực hiện (?). Đặt câu hỏi này với Bộ trưởng Bộ NN - PTNT, Chủ tịch QH yêu cầu làm rõ có hay không tình trạng nêu trên, và nếu có phải uốn nắn, chỉ đạo như thế nào. Bởi, đây là phần việc rất quan trọng. Huy động tiền để làm đường, làm cơ sở hạ tầng, nhưng sản xuất thì không thay đổi gì hết. Cuộc sống, thu nhập của nông dân sẽ không được bảo đảm, dẫn đến không bền vững, lúc đó lấy tiền đâu trả nợ?
Thừa nhận những bất cập trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hứa: Sau này, Bộ sẽ có trách nhiệm cùng với các địa phương, yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết những khoản nợ đọng này, chứ không để xảy ra tình trạng như Chủ tịch QH nêu, đó là cứ vay nợ rồi nay mai lại lấy vào khoản này, khoản khác. Bộ sẽ tập trung yêu cầu các địa phương khắc phục tình trạng này bằng mọi cách, bằng mọi giải pháp.
Đây cũng là một trong khá nhiều kiến nghị cụ thể, kiên quyết mà Đoàn giám sát đưa ra từ thực tế làm việc với các bộ, ngành, địa phương. Đó là khẩn trương rà soát tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản, đề ra giải pháp xử lý dứt điểm trong năm 2017 và không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán dẫn đến nợ.
Ủng hộ quan điểm và kiến nghị của Đoàn giám sát, UBTVQH yêu cầu, phải quyết liệt và sâu sát hơn trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, không chạy theo thành tích. Đặc biệt, phải kiểm soát được bản chất của việc đạt 19 tiêu chí, tránh lặp lại tình trạng nhiều xã đạt đủ 19 tiêu chí nhưng kèm theo đó là khoản nợ hơn 15 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh chưa có giải pháp khả thi xử lý khoản nợ cũ, thì dừng việc vay nợ để không làm phát sinh thêm nợ mới là cần thiết, có thể coi như giải pháp tạm thời.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;