Học tập đạo đức HCM

Vạn Vỹ “bó tay” với nông thôn mới

Thứ năm - 21/03/2013 21:42
Không có đất đai, mỗi gia đình sống trên một con thuyền nhưng làng chài Vạn Vỹ vẫn có tên trên bản đồ địa chính xã Trung Châu (Đan Phượng - Hà Nội) quản lý. Trong khi cả nước đang hừng hực khí thế xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thì làng chài này vẫn đứng ngoài cuộc vì hầu hết các tiêu chí trong bộ tiêu chí XDNTM làng chài này khó mà đạt được.

Không đạt tiêu chí nào

Dọc sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội có nhiều xóm nổi, như: Vạn Chài, Vạn Vỹ, Vạn Giang, Vạn Thụy…, trong đó, làng chài Vạn Vỹ (xã Trung Châu) có nhiều gia đình nhất. Neo đậu tại bến phà Chu Phan, gia đình anh Nguyễn Văn Bền, một trong những hộ dân của làng Vạn Vỹ, sống trên con thuyền vẻn vẹn 10m2, mọi sinh hoạt từ ăn uống, nghỉ ngơi đều trên con thuyền chật hẹp đó. Kế sinh nhai của 5 nhân khẩu là đánh bắt cá tự nhiên và nuôi gà lồng trên sông. Anh Bền cho biết, ban ngày vợ con anh chèo thuyền ra sông đánh bắt cá, chập tối đến phiên anh đánh cá qua đêm tới sáng. Bình quân mỗi ngày, lượng cá đánh bắt được khoảng 3kg, thu nhập trên dưới 100.000 đồng. Nghề chài lưới cứ ráo mái chèo là hết tiền, vì vậy những hôm bão gió không đánh được cá thì cả nhà đành phải nhịn đói.

Ông Nguyễn Văn Được, Trưởng thôn Vạn Vỹ xót xa tâm sự: “Có lẽ tôi là trưởng thôn độc nhất vô nhị ở nước mình, đứng đầu một thôn có tên trên bản đồ địa chính xã Trung Châu nhưng toàn thôn không có một tấc đất, mọi người lấy thuyền làm nhà. Mỗi khi mưa bão, tôi lại lo cho các hộ dân. Nhìn nước sông Hồng mùa cạn quá đỗi hiền hòa, ít ai hình dung ra cảnh tượng vào mùa lũ những con thuyền của thôn Vạn Vỹ chòng chành, nghiêng ngả theo con sóng dữ, mong manh và nhỏ bé như những chiếc lá. Người già, phụ nữ và trẻ em tạm lánh lên bãi ngô, chen chúc trong những chiếc lều dựng vội bé tẹo”.

Theo thống kê của UBND xã Trung Châu, Vạn Vỹ hiện có 63 hộ dân với khoảng 280 khẩu. Trong đó, có 13 hộ thuộc diện nghèo, còn lại đều là hộ cận nghèo, thu nhập bình quân chỉ khoảng 600.000 đồng/ người/tháng. Ông Được than thở: “Do không có chỗ ở ổn định nên có tới 40% trẻ em ở Vạn Vỹ rơi vào cảnh thất học mà nguyên nhân chính bởi sự cách trở đường đi. Các cháu muốn đi học, nếu về xã phải đi qua đò hoặc chạy thuyền sang bên kia. Nếu không sang bên ấy thì phải học nhờ Mê Linh bên này. Riêng tiền đóng trái tuyến đã là 400.000 - 500.000 đồng, chưa kể tiền học phí, tiền đóng góp cho nhà trường”.

Khi được hỏi: “Ông có biết chương trình XDNTM đang diễn ra khắp nơi?”, ông Được càng đau đáu: Nông thôn Hà Nội cũng như cả nước đang hừng hực khí thế XDNTM. Tôi là trưởng thôn nên cũng được tham dự những cuộc họp do huyện, xã tổ chức để nghe chỉ đạo phương hướng, kế hoạch XDNTM. Nhưng XDNTM ở làng chài Vạn Vỹ thế nào đây khi trong số 19 tiêu chí NTM thì hầu hết chúng tôi chẳng thể đạt được tiêu chí nào.

“Đơn cử như quy định nhà dân phải kiên cố, rồi diện tích sàn nhà trên mỗi nhân khẩu là điều quá xa vời với người dân Vạn Vỹ. Ở đây nhà đều là những con thuyền, bình quân diện tích một thuyền 12-15m2, với 4 - 5 người ở. Nhà trên thuyền thì mãi chỉ là nhà tạm, làm sao có thể xây bằng gạch, đổ mái bằng bê - tông được? 100% số hộ ở đây không có nhà vệ sinh. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước uống hợp vệ sinh cũng là 0%. Nguồn nước duy nhất để bà con ăn uống, tắm giặt chính là nước sông, có nhà múc nguyên nước sông để nấu nướng, hộ nào “lịch sự” thì mua chút phèn đánh cho trong rồi sử dụng. Đó là cuộc sống những ngày sóng yên, gió lặng, còn mùa mưa bão thì cực khổ vô cùng, nước lũ cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về, cũng là lúc dòng sông đục ngầu vì mọi thứ rác rưởi nhưng nguồn nước ấy vẫn là duy nhất. Hầu hết các hộ chưa có điện sinh hoạt, do sống nay đây mai đó nên mắc điện cũng bất tiện. Bởi vậy, quanh năm người dân thắp sáng bằng đèn dầu, sống giữa Thủ đô mà nhiều người chưa bao giờ được xem ti vi. Nếu nhà nước đầu tư kinh phí hỗ trợ cho làng Vạn Vỹ xây dựng hạ tầng thì cũng bó tay. Làm sao xây dựng được đường giao thông trên sông; xây nhà văn hóa, địa điểm hội họp, trường học, trạm y tế ở đâu?”, ông Được trăn trở.

Giải pháp nào đưa NTM đến làng nổi?

Ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Trung Châu phân trần: “Địa dư hành chính của Trung Châu khá phức tạp, chia làm 2 miền. Trong đó, có một thôn nằm ở giữa xã Thọ Xuân, một thôn chuyên làm nghề chài lưới trên sông Hồng nên công tác quản lý rất khó khăn. Đất ở trong đồng của Trung Châu không nhiều, chính vì vậy việc tạo quỹ đất để đưa làng chài lên bờ vẫn chưa triển khai được. Chúng tôi đang đề nghị UBND huyện và thành phố sớm giải quyết nhu cầu đất ở cho dân trong thời gian tới nhưng cũng rất khó khăn”.

Theo báo cáo của UBND xã Trung Châu, đến hết năm 2012, xã này hoàn thành 90% các công trình như điện - đường - trường - trạm ở khu vực trên bờ, còn công việc dành cho làng chài Vạn Vỹ dường như chưa có chuyển biến gì. Với việc UBND xã Trung Châu vẫn đang phải chờ huyện và thành phố giải quyết những vấn đề của làng chài Vạn Vỹ thì thời hạn hoàn thành XDNTM của xã vẫn còn bỏ ngỏ. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dân làng chài Vạn Vỹ vẫn phải lênh đênh trên sông nước.

Tìm đến ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và PTNT), chúng tôi đặt câu hỏi: “Phải chăng chương trình XDNTM đang đẩy các làng chài ra rìa?”, ông Lộc trả lời: “Không chỉ Vạn Vỹ mà trên cả nước còn rất nhiều làng chài như vậy. Trước hết, chúng ta phải thấy XDNTM cũng giống như làm một cuộc cách mạng xã hội về nông thôn. Phải làm thay đổi nhận thức, thói quen, dẫn người dân đến với cuộc sống văn minh. Với những xóm nhỏ chỉ có mấy hộ nằm cách biệt hoặc các làng chài thì không thể xây dựng hệ thống đường sá đến nơi ở của họ được. Thứ nhất, chúng ta không có kinh phí; thứ hai, họ không thể hưởng thụ văn hóa, giáo dục như các nơi khác cho nên đây là cuộc cách mạng dài hơi. Chỉ có cách là phải dồn dân, việc này các nước đều làm. Ở Trung Quốc, tất cả các trại nhỏ lẻ người ta dồn lại chứ không để tình trạng vài ba hộ sống trong một cái chòm. Với các làng chài, hiện chúng ta đang gặp cái bí là phải có quỹ đất để đưa họ định cư trên bờ, nhà nước đang làm nhưng làm chưa xuể. Người lao động thì vẫn đi đánh cá bình thường, nhưng nơi ở phải ổn định, gắn liền với khu vực dân cư để con cái được đi học, được chữa bệnh và hưởng thụ văn hóa, văn minh khác. Phải khẳng định chúng ta không thể giữ lại thói quen ấy mà phải làm một cuộc cách mạng xã hội, nhưng đây là một quá trình lâu dài”.

Từ thực tế này, trong bộ tiêu chí quốc gia XDNTM nên có những cơ chế đặc thù cho những khu dân cư như Vạn Vỹ?

Chu Minh Khôi (kinhtenongthon.com.vn)

 Tags: làng chài

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập146
  • Hôm nay64,229
  • Tháng hiện tại894,956
  • Tổng lượt truy cập92,068,685
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây