Tự kê toa và dùng… chiêu độc
Ông Võ Văn Phúc (trú thôn Lương Sơn, xã Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hòa), chủ 2 cơ sở tôm hùm 6.000 con, cho biết, dịch bệnh tôm sữa làm cho đàn tôm nhà ông hao hụt trên 50%. Sốt ruột, ông nghe lời tư vấn của một dược sĩ, sử dụng kháng sinh dùng cho người là Gentamicin, trộn vào thức ăn cho tôm ăn nhiều đợt, trong cả tháng. Ông còn học được kinh nghiệm dùng các “độc chiêu” khác để trị bệnh tôm như, dùng cá đuối sống làm thuốc, dùng nước cốt tỏi trộn vào thức ăn để cho tôm ăn thường xuyên… “Những cách này rất nhiều người áp dụng, thấy tôm có vẻ khỏe lên nhưng không khỏi hẳn, tôm vẫn chết rải rác” – ông Phúc nói.
Còn ông Nguyễn Điền – chủ trang trại 10.000 con tôm hùm ở thôn Xuân Tự (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), cho biết, phác đồ điều trị bệnh tôm do Tổng cục Thủy sản phổ biến năm 2007 đã lạc hậu và thiếu thực tiễn. Theo phác đồ này, phải bắt con tôm lên để tiêm kháng sinh, nhưng sau đó tôm chưa chết vì bệnh đã chết vì ngợp và sứt râu, rụng cọng. Hiện ông Điền đang dùng cách trộn kháng sinh vào thức ăn và thấy hiệu quả khá tốt. “Hàm lượng kháng sinh như thế nào, tỷ lệ pha trộn ra sao thì chúng tôi đều phải tự mày mò cho phù hợp với thực tế sức khỏe của tôm” – ông Điền chia sẻ.
Dời lồng, “neo” tôm
Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Bộ NNPTNT, cả nước hiện có trên 49.500 lồng nuôi tôm hùm, trong đó Phú Yên có 29.000 lồng, Khánh Hòa 19.000 lồng. Tình trạng phát triển nóng, lồng nuôi ken đặc ở những vùng biển thuận lợi đã gây ô nhiễm lớp bùn đáy, khiến tôm nuôi nhiễm bệnh.
Ở xã Xuân Thịnh (huyện Sông Cầu, Phú Yên), cơ quan chức năng khuyến cáo nuôi 30 lồng/ha nhưng dân nuôi tới 75 lồng/ha. Đến khi dịch bệnh hoành hành, hàng trăm chủ bè bắt đầu kéo lồng tìm nơi neo mới. Còn ở Khánh Hòa, vùng nuôi tôm nổi tiếng Xuân Tự cũng vắng bóng bè tôm, hầu hết các chủ bè đã kéo lồng tôm ra tận vùng biển Khải Lương (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) và các vùng đảo khác, cách đó đến vài chục cây số.
Ông Trương Ngọc Sang – Chủ tịch Hội ND phường Cam Phú, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa, cho biết, người nuôi tôm trên vùng vịnh Cam Ranh có cách chữa trị bệnh tôm khác, “độc chiêu” hơn. Họ chuyển tôm từ bè sang lồng rồi dùng neo lớn và phao, nối dây, treo lồng tôm lơ lửng dưới biển. Cách “neo” tôm không cho tôm sống dưới đáy biển cũng không cho tôm sống gần mặt nước biển giúp thông thoáng vùng nước, tránh bị ô nhiễm từ tầng đáy. Lồng chao lắc liên tục sẽ cung cấp thêm ôxy giúp tôm khỏe hơn trước dịch bệnh…
Trong khi dân tìm đủ cách để cứu tôm thì công tác theo dõi và đánh giá dịch bệnh của các ngành chức năng lại rất lúng túng. Tại Hội nghị Phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm vừa diễn ra ở Nha Trang, Vụ Nuôi trồng thủy sản báo cáo, sản lượng tôm hùm của Phú Yên khoảng 500 tấn/năm, nhưng Chi cục Nuôi trồng thủy sản địa phương lại cho là 890 tấn/năm. Vụ Nuôi trồng thủy sản nói tình hình nuôi tôm hùm giảm mạnh nhưng đại diện UBND xã Sông Cầu (Phú Yên) lại “phản pháo” rằng chỉ tăng, chưa bao giờ giảm… Phác đồ điều trị bệnh tôm sữa mà Tổng cục Thủy sản phổ biến không hiệu quả ngay từ khi phổ biến (năm 2007) nhưng đến nay vẫn chưa có phác đồ chính thức nào thay thế…
“Sản lượng tôm hùm nuôi hàng năm của cả nước đạt trên 2.000 tấn. Với giá thị trường 2 tỷ đồng/tấn, tôm hùm nuôi mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Nhưng việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ về quy hoạch vùng nuôi, quy trình nuôi của các địa phương chưa hiệu quả. Khi có dịch mới vội vã dập dịch thì đã quá muộn” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu nhận định.
Theo Tinmoi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã