Học tập đạo đức HCM

Vĩnh Linh, miền đất khát vọng

Thứ hai - 25/08/2014 00:04
Cách đây tròn 60 năm, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, nước ta tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 nằm trên dòng sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị làm giới tuyến quân sự tạm thời để chậm nhất hai năm sau đó (1956) tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mỹ bội ước đã xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ và tiến hành chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước. Phần còn lại của Vĩnh Linh cùng với tỉnh Quảng Trị phía nam dòng sông Bến Hải vẫn nằm dưới gót giÀy của quân xâm lược. Bến Hải - Hiền Lương trở thành nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước, Vĩnh Linh trở thành tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng.

 

Với vị trí "đầu sóng ngọn gió", "đứng mũi chịu sào", Vĩnh Linh được Trung ương, Chính phủ và Bác Hồ quyết định thành lập đặc khu - "ngang với một tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương". Năm 1957, Bác Hồ đã sớm vào thăm Quảng Bình - Vĩnh Linh, ân cần căn dặn: "Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Vĩnh Linh - Quảng Bình phải đương đầu với chúng trước hết và phải đảm bảo đánh thắng chúng trước hết". Hơn 20 năm chia cắt, thương và bão lửa, quân và dân Vĩnh Linh đã làm nên bao huyền thoại trên tuyến lửa anh hùng.

Bằng sự can trường và lòng dũng cảm, quân và dân Vĩnh Linh đã bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên trên miền bắc và buộc đế quốc Mỹ phải thừa nhận đã trải qua những thất bại nặng nề (bắn rơi 293 máy bay các loại, bảy pháo đài bay B52). Ngày 11-11-1966 đã trở thành ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ khi sáu máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Vĩnh Linh. Khi Cồn Cỏ cần, Vĩnh Linh mở đường máu tiếp viện để đảo nhỏ "nở đầy hoa thắng trận", đồn Cù Bai với những chiến công thắp sáng đỉnh Trường Sơn, đội quân "ăn cơm bắc, đánh giặc nam" của Vĩnh Linh làm kẻ địch ở bờ nam sông Bến Hải ngày ấy vô cùng khiếp sợ. Khi giặc đánh phá, Vĩnh Linh đương đầu đáp trả. Ðịch tiếp tục hủy diệt, Vĩnh Linh phải xẻ đất xây thành trì địa đạo dưới tầng sâu để phòng tránh thương vong và xung kích lập công xuất sắc, dựng nên Thành đồng lũy thép.

Khi sự hủy diệt của kẻ thù đến mức: "bom chồng lên bom", "đạn cày lên đạn", "đất phủ lên đất", "rừng cháy lan rừng", "những xóm làng trắng những khăn tang"... Vĩnh Linh đã đề xuất Trung ương và Bác Hồ cho triển khai chiến dịch K8, K10 để đưa người già, trẻ em sơ tán ra miền bắc học tập và sinh sống, những mầm non đươc cả miền bắc chở che, đùm bọc ngày ấy đã trở thành "hạt giống đỏ" của tương lai.

Còn những nam thanh nữ tú ở lại trên mảnh đất này đã dũng cảm quên mình đối mặt với mưa bom, bão đạn để chiến đấu và chiến thắng, giữ cho lá cờ Tổ quốc trên kỳ đài Hiền Lương kiêu hãnh tung bay, để nhịp cầu Hiền Lương nối nhịp bờ vui. Ðất nước khải hoàn trong bài ca thống nhất, nam bắc sum họp một nhà.

Hơn 20 năm "đứng mũi chịu sào", "đầu sóng ngọn gió", quân và dân Vĩnh Linh đã được

Bác Hồ tám lần gửi thư khen ngợi. Ðảng và Nhà nước đã hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, xứng danh là Lũy thép Anh hùng. Bước ra khỏi chiến tranh, Vĩnh Linh là địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề về người và của. Từ trong hoang tàn đổ nát, dù ở trong ngôi nhà chung Bến Hải - Bình Trị Thiên hay khi về với tên gọi của chính mình với Quảng Trị thân yêu, người Vĩnh Linh vẫn lặng lẽ tìm con đường ngắn nhất theo đường lối, chủ trương của Ðảng và Nhà nước để tái thiết và xây dựng quê hương.

Với những đột phá trong công tác quy hoạch ruộng vườn, dồn điền đổi thửa những năm đầu sau giải phóng, những đột phá của chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cao-su tiểu điền, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế phát triển bền vững và gần đây là những đột phá trong việc quyết tâm triển khai ba chủ trương lớn "Xây dựng nông thôn mới", "Xây dựng kết cấu hạ tầng", "Giảm nghèo bền vững 11 bản miền tây Vĩnh Linh", đã làm cho miền quê Vĩnh Linh có những đổi thay, tiến bộ từng ngày. Huyện đang dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng nông thôn mới; có 12 trong số 19 xã đạt từ 12 tiêu chí trở lên, trong đó các xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim, Vĩnh Thủy, Vĩnh Hiền đã đạt 17/19 tiêu chí và đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí vào cuối năm 2014. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,5% (cuối năm 2013). Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội có những chuyển biến tích cực, hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn"... được phát huy. Với những cố gắng vượt bậc ấy, Vĩnh Linh lại một lần nữa được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Tự hào với truyền thống anh hùng, thời gian tới, Vĩnh Linh sẽ tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Ðảng, đảng viên; gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng và Nghị quyết T.Ư 7 (khóa XI) về công tác dân vận của Ðảng trong tình hình mới.

Vĩnh Linh đang dồn sức, tập trung cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế, khôi phục và tăng tỷ lệ độ che phủ rừng lên hơn 55%, ổn định diện tích trồng cao-su, hồ tiêu, lúa, lương thực thực phẩm; áp dụng công nghệ, kỹ thuật để tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác; tiếp tục tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm, đánh bắt thủy hải sản; hỗ trợ thương hiệu cho hàng hóa nông sản và đẩy nhanh việc thực hiện phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phấn đấu để được công nhận huyện nông thôn mới trước năm 2020.

Duy trì và nâng cao hiệu quả các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao, du lịch; chăm sóc gia đình có công, giảm nghèo bền vững và thực hiện tốt an sinh xã hội. Vĩnh Linh tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng khu vực phòng thủ huyện và lực lượng vũ trang huyện vững mạnh toàn diện. Nâng cao hiệu quả công tác nội chính, tư pháp, phòng, chống tham nhũng, giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Hơn 80 năm dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhất là 60 năm kể từ ngày Vĩnh Linh hoàn toàn giải phóng, mảnh đất này luôn được Ðảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ T.Ư tới địa phương quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ, động viên và Vĩnh Linh cũng đã làm tất cả những gì có thể để vùng đất này hồi sinh và phát triển.

NGUYỄN ÐĂNG QUANG
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh
Nguồn nhandan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập857
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại757,480
  • Tổng lượt truy cập93,135,144
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây