Học tập đạo đức HCM

Vĩnh Phúc: Xây dựng nông thôn mới Định Trung

Thứ năm - 13/09/2018 21:08
Xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã thay đổi đến ngỡ ngàng. Đường làng, ngõ xóm được trải nhựa, bê tông sạch sẽ. Hai bên là những ngôi nhà cao tầng san sát, kiên cố, khang trang. Sân vườn, khuôn viên được trang trí cây xanh, hoa cảnh cắt tỉa gọn gang, đẹp mắt.

image009

          Một góc nông thôn mới ở Định Trung. Ảnh: S.T

Những ngày tháng 9, không khí có phần dịu hơn báo hiệu tiết trời đang vào mùa thu. Tôi về thăm xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ cuối năm 2014.

Với Định Trung tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, bởi nơi đây gắn bó với tôi cũng đã hơn chục năm trời. Nhớ về Định Trung trước những năm 2000, khi đó Định Trung còn là xã nghèo, đường đi nhiều sống trâu ổ gà, đồi ruộng nhấp nhô, cuộc sống tinh thần, vật chất của người dân vô cùng vất vả. Đến cả những tên xóm, tên làng cũng nghe ngồ ngộ, quê quê: Xóm Gẩy, xóm Nọi, xóm Gò, xóm Trám, xóm Veo, làng Tấm, làng Chùa… Tuy nhiên, kỷ niệm được cùng bạn bè dong xe đi dưới bóng cây râm mát của tán bạch đàn, tán cọ, tán bưởi… trên những con đường làng ở Định Trung ngày ấy khiến tôi thấy ấm áp lạ kỳ.

Vẫn là những tên làng, tên xóm xưa, Định Trung nay đã thay đổi đến ngỡ ngàng. Đường làng, ngõ xóm được trải nhựa, bê tông sạch sẽ. Hai bên là những ngôi nhà cao tầng san sát, kiên cố, khang trang. Sân vườn, khuôn viên được trang trí cây xanh, hoa cảnh cắt tỉa gọn gang, đẹp mắt.

Nét nổi bật ở Định Trung là có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong địa giới thành phố Vĩnh Yên với 14 thôn và 2132 hộ dân. Nơi đây có chùa Hà Tiên từng được Bác Hồ dừng chân nghỉ trong lần về thăm Vĩnh Phúc năm 1961, có Văn Miếu, có các đơn vị quân đội đóng quân có thâm niên trên 30 năm. Đặc biệt, trong gần 5 năm trở lại đây, Định Trung đã được 4 bệnh viện lớn của tỉnh, trường năng khiếu Trung học cơ sở Vĩnh Yên, sắp tới là trường Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc và một số doanh nghiệp lớn chọn làm địa điểm dừng chân.

Ông Sái Ngọc Nghị - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Định Trung cho biết: Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các nghị quyết của Đảng ủy xã đưa ra là nâng cao hơn nữa các tiêu chí đã đạt được, đồng thời tập trung chỉ đạo sát sao, ưu tiên các thôn còn khó khăn trên địa bàn xã. Minh chứng cho sự phát triển toàn diện của xã, ông cho tôi xem bản báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017. Theo đó, tổng thu của xã ước đạt 267 tỷ đồng đạt 51,2% kế hoạch năm 2017. Thương mại dịch vụ đạt 125,2 tỷ đồng (chiếm 47% trong cơ cấu kinh tế của xã). Các cơ sở nhà hàng, dịch vụ, buôn bán nhỏ phát triển mạnh. Hiện tại trên địa bàn xã có 169 doanh nghiệp, 523 hộ kinh doanh cá thể, 127 hộ sản xuất công nghiệp cá thể, 43 doanh nghiệp. Lao động trong các khu công nghiệp ổn định, cơ bản không còn tình trạng lao động thất nghiệp.

1_6

Mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã Định Trung (mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Ảnh: Thế Hùng

Xác định độ bền vững của nông thôn mới trên một địa bàn nông nghiệp là quan trọng, vì vậy, trong năm 2017, xã đã nâng tổng diện tích gieo trồng lên 166,5 ha đạt 45% kế hoạch đề ra. Với đặc điểm đồng đất phù hợp để trồng các loại cây rau màu, xã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa nhiều giống cây có năng suất cao vào sản xuất, tăng cường diện tích trồng rau vụ đông. Đặc biệt, xã đã quy hoạch, lập vùng sản xuất rau sạch tập trung gồm rau hữu cơ và rau an toàn để cung cấp sản phẩm rau sạch cho thị trường.

Định Trung có hàng chục gia đình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Hương Hồi - Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Gò là một trong những hộ tiêu biểu của xã. Có lẽ do tính chất công việc kiêm nhiệm nhiều nên phải đi đến lần 2 tôi mới gặp được chị. Trao đổi với tôi, chị Hương Hồi cho hay: Gia đình chị ruộng ít nên chị “xoay” sang phát triển chăn nuôi. Ban đầu chị nuôi gà Ai Cập đẻ trứng, quy mô di động từ 2000 - 3000 con. Chị chia sẻ bí quyết thành công của mình là ưu tiên khâu chọn giống, thức ăn sạch và môi trường chuồng trại. Từ việc nuôi gà, gia đình chị thu lãi bình quân từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng mỗi năm.

Cuối năm 2016, cùng với nuôi gà, gia đình chị phát triển chăn nuôi lợn. Chị xây chuồng lợn làm 2 ngăn gồm ngăn cho lợn ăn uống và ngăn chứa nước thải. Ngăn chứa nước thải chị áp dụng phương pháp đệm lát sinh học gồm: Trấu, mạt cưa, men sinh học. Với phương pháp này, chị vừa giải quyết vấn đề môi trường, vừa sử dụng phân bón hữu cơ trồng các loại rau sạch cung cấp cho thị trường. Gia đình chỉ có 3 sào ruộng trồng các loại rau theo mùa vụ như mướp, rau cải, bí, dưa chuột… nhưng chị thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng mỗi năm.

- Việc trồng rau sạch của chị có rơi vào thế “đơn phương độc mã không”? - Tôi hỏi chị.

Chị cho biết, tham gia tổ hợp trồng rau sạch ở Định Trung hiện nay có 8 hộ. Nguồn rau sạch do các hộ sản xuất ra được trung tâm Vietgarden thu gom bán ra thị trường. Sắp tới, Hợp tác xã rau hữu cơ Định Trung gồm 50 hộ sẽ đi vào hoạt động. Hy vọng với bước đi mới này, đầu ra cho sản phẩm sau sạch của người nông dân sẽ ổn định hơn.

Nhớ lại những ngày cuối năm 2016, tôi có buổi trò chuyện với ông Hoàng Duy Hân - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Định Trung. Trong buổi trao đổi đó,  tôi nêu vấn đề nông thôn mới ở Định Trung sau khi được công nhận về hiện tại và tương lai còn khó khăn gì nảy sinh.

Ông Hân cho biết: Hiện nay nông thôn mới ở Định Trung có 18 tiêu chí đã hoàn thành và có độ bền vững, riêng tiêu chí chợ đến nay còn nợ do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Đầu tư vào nông thôn mới ngoài tiền của của nhà nước, người dân đã đóng góp ngày công, hiến đất và đóng tiền mặt. Số tiền thu được từ dân chiếm 48% tổng số tiền đầu tư xây dựng nông thôn mới. Khoản nợ về nông thôn mới ở Định Trung về cơ bản đã được giải quyết.

Ông cũng chia sẻ thêm: Thời gian tới, mục tiêu của Định Trung là phấn đấu trở thành phường trực thuộc thành phố. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, mục tiêu phấn đấu của đảng bộ và nhân dân Định Trung là có cơ sở. Khó khăn nhất là vấn đề quỹ đất. Đất cho dự án chiếm tỷ lệ cao, quỹ đất tỉnh quản lý chặt. Việc dồn điền đổi thửa để phát triển nông nghiệp rất khó khăn vì đất dự án treo còn nhiều. Trước mắt, chủ trương của lãnh đạo xã là thành lập các Hợp tác xã trồng rau sạch và chăn nuôi, giành quỹ đất lập vùng sản xuất rau sạch tập trung để cung cấp sản phẩm rau sạch cho thị trường.

Ông Hân khẳng định: Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại cho Định Trung nhiều thành quả rất quan trọng. Định Trung đã “lột xác”, khoác lên mình một diện mạo mới, văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, để duy trì và phát huy thành quả bước đầu ấy là điều không hề đơn giản. Vì vậy, rất cần sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và nhân dân để đưa Định Trung phát triển bền vững, vươn xa trong tương lai.

Rời Định Trung, xe lăn bon bon trên những con đường giao thông nông thôn thẳng tắp, qua những ngôi trường học được xây dựng khang trang, rộng rãi, vườn rau, ruộng lúa mướt màu xanh và hàng loạt khu đô thị mới dần hiện hữu… tôi thầm nghĩ: Cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày là điểm tựa để Định Trung đi những bước đi mới, trở thành đô thị trong tương lai không xa.

Tác giả bài viết: Đỗ Hà

Nguồn tin: vanhien.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập363
  • Hôm nay49,474
  • Tháng hiện tại824,752
  • Tổng lượt truy cập91,998,481
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây