Theo báo cáo, trong 3 năm qua (2011-2013), ngân sách T.Ư đã hỗ trợ cho 59 tỉnh, thành phố và các bộ ngành khoảng 4.980 tỷ đồng; các tỉnh, thành phố cũng đã bố trí ngân sách địa phương cho chương trình xây dựng NTM với tổng kinh phí 44.579 tỷ đồng. Theo Quyết định 800/QĐ-TTg thì cơ cấu vốn của chương trình trong 3 năm qua thấp hơn nhiều so với dự kiến, chỉ đạt 33,3%, quá thấp so với nhu cầu thực tế.
Triển khai xây dựng NTM từ năm 2012, song đến nay xã Thành Lợi (Bình Tân, Vĩnh Long) mới xây dựng được 12km đường liên ấp; hệ thống thủy lợi gần như chưa đầu tư thêm được gì.
Ông Nguyễn Minh Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Thành Lợi cho biết: “Trên địa bàn xã hiện nay có rất nhiều tuyến đường nông thôn đã được quy hoạch, nhưng hiện vẫn phải chờ kinh phí từ cấp trên hỗ trợ, bởi ngân sách của địa phương quá eo hẹp, không thực hiện được bao nhiêu”. Còn ông Phan Nhựt Ái – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long thì khẳng định: Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM thì các tiêu chí không cần vốn, hoặc ít vốn, dễ làm thì các xã trên địa bàn đã thực hiện gần hết, còn lại đa số là các tiêu chí cần nhiều vốn.
Không riêng tỉnh Vĩnh Long gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn mà đó cũng là tình trạng chung của các tỉnh ĐBSCL. Tương tự, tình trạng “khát” vốn cũng bủa vây các tỉnh miền núi phía Bắc. Ba năm qua, vùng này mới huy động được hơn 110.000 tỷ đồng cho NTM, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu.
Cần sử dụng vốn có trọng tâm, trọng điểm
Theo báo cáo, 2 năm qua tỉnh Điện Biên được T.Ư cấp hơn 30 tỷ đồng; Sơn La được cấp trên 57 tỷ đồng, tuy nhiên, do các địa phương trải đều nguồn vốn này cho hàng trăm xã nên tính ra mỗi xã chỉ được vài chục đến vài trăm triệu đồng. Nếu cộng các nguồn vốn lồng ghép từ các dự án, thì hàng năm mỗi xã cũng chỉ được đầu tư không đến vài tỷ đồng. Trong khi với gần 20 xã của tỉnh Điện Biên và 25 xã của tỉnh Sơn La được ưu tiên đầu tư để cán đích NTM vào năm 2015, thì mỗi xã đã cần tới mấy chục tỷ đồng/năm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tới năm 2015, 16 chương trình mục tiêu quốc gia vẫn giữ nguyên nhưng sẽ cắt giảm các chương trình thành phần cho phù hợp với nguồn lực hiện có. Trong giai đoạn 2016 - 2020, sẽ lồng ghép tất cả chương trình mục tiêu quốc gia vào 2 chương trình chính: Xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững. |
Tuy nhiên, do phân bổ, giao kế hoạch vốn theo kiểu dàn trải, chia đều mỗi nơi một ít nên những đồng vốn này không phát huy tác dụng, thậm chí còn gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh: Mặc dù vốn hỗ trợ của T.Ư giao cho các tỉnh chủ động phân bổ, nhưng chính quyền địa phương đó cần rà soát lại, rồi quyết định phân bổ nguồn vốn đó cho hợp lý. Đề nghị các địa phương sử dụng vốn phải có trọng tâm, trọng điểm, tùy vào điều kiện của từng xã mà triển khai, lựa chọn tiêu chí nào cần ưu tiên trước; tránh chia đều mỗi nơi một ít như hiện nay.