Dù không phải là tiêu chí trong XDNTM nhưng xác định dồn điền đổi thửa sẽ tạo nền tảng để thực hiện nhiều tiêu chí khác nên chính quyền xã Duy Thành đã tập trung cho nhiệm vụ này.
Trên thực tế, Duy Thành là địa phương có truyền thống thâm canh tốt nhất huyện Duy Xuyên với 310ha đất lúa, trong 20 năm trở lại đây, năng suất lúa luôn đạt bình quân 65 tạ/ha, cao nhất huyện. Tuy nhiên, do ruộng đất manh mún, bình quân mỗi hộ có tới 7 thửa, lại phân bố ở nhiều xứ đồng nên việc sản xuất, áp dụng cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Duy Thành đã chọn 224.356m2 đất lúa ở thôn Nhơn Bồi để thí điểm dồn điền đổi thửa. Sau dồn đổi, số thửa của thôn giảm từ 686 xuống còn 350, diện tích mỗi thửa được nâng lên 614m2.
Sau thành công của thôn Nhơn Bồi, Duy Thành tiếp tục triển khai công tác dồn điền đổi thửa theo kế hoạch UBND huyện giao. Đến nay, xã đã thực hiện được 68ha cho 3 đội sản xuất. Đây chính là điều kiện để xã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình canh tác tiến bộ, tiến đến chuyển sản xuất nông nghiệp của xã lên quy mô hàng hoá, đồng thời tạo tiền đề để xã thực hiện quy hoạch theo định hướng XDNTM.
Ông Lê Trung Xuân, Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết: “Sau hai năm triển khai XDNTM, xã đã đạt nhiều kết quả khả quan, trong đó cái được lớn nhất là nhận thức, tư duy của người dân dần thay đổi. Đây chính là điều kiện thuận lợi để xã triển khai các chương trình, dự án, cũng như vận động bà con tích cực tham gia các công việc trong quá trình XDNTM”.
Ngay sau khi được UBND huyện Duy Xuyên phê duyệt đề án XDNTM, Đảng ủy xã Duy Thành chỉ đạo UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền đến người dân chủ trương XDNTM, đồng thời triển khai lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Theo đó, UBND xã tổ chức nhiều cuộc họp với trên 1.000 lượt người tham dự nhằm giới thiệu các nội dung, tiêu chí trong XDNTM; lấy ý kiến của người dân về việc thực hiện chương trình này sao cho phù hợp với đặc thù của địa phương; tổ chức 4 đợt tập huấn với trên 600 người tham gia. Qua nhiều đợt tuyên truyền, đã giúp cho nhân dân nắm bắt được chủ trương của Đảng, Nhà nước về XDNTM, mục đích của chương trình và mỗi người dân phải làm gì để thực hiện nhiệm vụ này.
Qua rà soát, đánh giá, đến nay, xã Duy Thành đã đạt 7/19 tiêu chí XDNTM, gồm: Hệ thống điện, trường học, giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh trật tự xã hội.
Bằng việc huy động nhiều nguồn lực, trong đó có sự đóng góp của nhân dân, Duy Thành đã xây dựng thêm được 3,9km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí 2,84 tỷ đồng; xây dựng tường rào tượng đài chiến thắng Vân Quật, kinh phí 499 triệu đồng; hoàn thiện 206m kè chống xói lở tại thôn An Lạc, kinh phí 2 tỷ đồng.
Công tác đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân cũng được chính quyền xã quan tâm. Tính đến nay, xã đã tổ chức đào tạo nghề cho 50 lao động mây tre đan, 30 lao động nuôi tôm nước lợ và 39 hộ nuôi gà.
Tuy nhiên, theo ông Xuân, công cuộc XDNTM ở Duy Thành vẫn còn nhiều khó khăn. Một bộ phận nhỏ nhân dân chưa nắm bắt tinh thần của chương trình, còn xem XDNTM là việc của Nhà nước, chưa xác định được nhân dân là chủ thể trong chương trình này và cũng là đối tượng chính được hưởng lợi. Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước về các hạng mục hạ tầng còn nhỏ giọt. Việc đào tạo, bồi dưỡng, nhất là chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ xã, thôn về nhiệm vụ XDNTM chưa được tổ chức thường xuyên, chưa chuyên sâu nên quá trình tổ chức còn hạn chế.
Trong năm 2013, Duy Thành phấn đấu hoàn thành đồ án quy hoạch NTM trong quý 1/2013 để trình UBND huyện phê duyệt; vận động giải tỏa cắm mốc hành lang để nâng cấp tuyến đường xã dài 3km từ cầu Bara đến đội 8, thôn An Lạc; kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước và nhiều nguồn vốn khác để bê-tông hóa 18km đường thôn, ngõ xóm và giao thông nội đồng với tổng giá trị 11 tỷ đồng; triển khai xây dựng kiên cố hóa 1km kênh cấp I với tổng trị giá 1,2 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của Hợp tác xã là 480 triệu đồng, vốn ngân sách nhà nước 720 triệu đồng; 39,5km còn lại dự kiến đầu tư từ nguồn vốn XDNTM, hợp tác xã, nhân dân và huy động từ nguồn khác.
Bên cạnh đó, xã cũng sẽ triển khai dồn điền đổi thửa, chỉnh trang 23ha đồng ruộng tại khu vực đội sản xuất số 10, thôn An Lạc với tổng kinh phí 100 triệu đồng; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Duy Xuyên xây dựng phương án cánh đồng mẫu lớn với diện tích khoảng 80ha, chia đều cho 2 khu vực sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao.
Về tiêu chí môi trường, xã sẽ triển khai phương án thu gom rác thải trong cộng đồng dân cư cho hai thôn Vân Quật và Thi Thại; vận động nhân dân trong diện xóa nhà tạm xây dựng 31 căn nhà với tổng kinh phí khoảng 4,4 tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn, phấn đấu đến năm 2014, hoàn thành việc xóa nhà tạm cho nhân dân.
“Trên chặng đường về đích sẽ gặp không ít gian nan, vất vả nhưng chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ lâu dài nên sẽ triển khai chắc chắn từng bước một với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân”, ông Xuân nói.
Nguyên – Lan
kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;