Ông Nguyễn Hồng Phúc, xã Hòa An, bên mô hình trồng cóc Thái cho thu nhập cao. |
Nhà nước và nhân dân… cùng làm
Tháng 3-2016, vùng ĐBSCL bước vào mùa khô hạn khốc liệt, nhiều nơi nắng nóng như đổ lửa. Về xã Hòa An (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), được Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Tùng, lấy xe gắn máy đưa đi một vòng quanh xã trên đường quê trải nhựa thẳng tắp và rợp bóng cây, chúng tôi cảm thấy mát lạ. Ông Tùng nói: “Là xã vùng ven, Hòa An nằm cạnh sông Tiền hiền hòa, lộng gió. Toàn xã có 6 ấp thì nơi nào bà con cũng trồng cây ăn trái, trong đó xoài là chủ lực. Vườn cây không chỉ cho nguồn thu cao, mà nó còn che mát nên khí hậu quanh năm rất dễ chịu”.
Chạy bon bon trên con đường làng rộng 3,5m ở ấp Hòa Long, vừa được thảm nhựa phẳng lỳ đi qua những vườn xoài trĩu trái, ông Tùng tiết lộ, con đường này được thi công vào tháng 7-2014 với tiến độ “chóng mặt”, bởi sự vào cuộc của người dân trong ấp và hàng trăm bộ đội, nên chưa đầy 1 tháng toàn tuyến dài hơn 1,4km đã hoàn thành. “Cái ngày con đường khánh thành đã khiến những người già như tui mừng ra nước mắt. Đúng là biết bao năm mơ ước, nay mới thành sự thật. Cũng hôm họp mặt mừng con đường bê tông này, nhiều “bạn già” tụi tui ôn lại “chuyện xa- chuyện gần” về ấp Hòa Long một thời sình lầy trơn trợt mỗi khi tới mùa mưa khiến các cháu phải xoắn quần đi học, có đứa bị trượt té sình bùn. Thế rồi khi triển khai Nông thôn mới, thoáng một cái đường đất trở thành đường bê tông. Tới lúc này mọi người mới ngả ngửa ra: Ủa Nông thôn mới đây sao, đúng là thay đổi thật chứ đâu phải hô hào khẩu hiệu…”- ông Nguyễn Ngọc Phau, 73 tuổi, ngụ ấp Hòa Long bộc bạch. Chuyện ở ấp Hòa Long cũng là “nỗi lòng” chung của người dân toàn xã. Với kinh tế chính là nông nghiệp, nhưng việc sản xuất của Hòa An luôn gặp khó khăn bởi sông rạch chia cắt và thường xuyên bị ngập lũ. Nhiều mô hình được triển khai, nhưng cái khó cứ mãi đeo bám khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 12% (năm 2011); thu nhập bình quân đầu người chỉ có 11 triệu đồng.
Năm 2012, Hòa An vinh dự là 1 trong 3 xã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chọn hỗ trợ xây dựng Nông thôn mới. Đây được xem là bước ngoặt để Hòa An thay da đổi thịt. Thế là Đảng ủy, UBND xã và các ngành liên quan tiến hành khảo sát toàn bộ thực trạng của xã, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Hòa An xác định 3 vấn đề cần tháo gỡ là “phát triển giao thông nông thôn, xây dựng đê bao khép kín và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp kết hợp các làng nghề”. Với 44km đường bộ và 22km kênh rạch được đưa ra thiết kế sao cho hợp lý, khi vừa là đường giao thông nông thôn - vừa là tuyến đê bao chống lũ. Vốn được huy động từ nhiều nguồn, đặc biệt là sự góp sức từ các doanh nghiệp thông qua sự hỗ trợ và vận động của Chủ tịch nước; vấn đề còn lại là sự đồng thuận của người dân. Hàng loạt cuộc họp, gặp gỡ… giữa xã với dân về chủ trương xây dựng Nông thôn mới được diễn ra liên tục. Trong đó, để làm được đê bao và lộ nông thôn thì người dân phải đóng góp lớn về đất đai.
“Hồi trước lộ làng chỉ 1,5 - 2m, nay làm lộ nhựa đòi hỏi phần nền từ 7m trở lên; như vậy bà con phải “hy sinh” thêm phần này. Do đó, khi triển khai có người đồng thuận, có người phản ứng bởi họ bị mất đất vườn đang cho trái dẫn tới giảm thu nhập. Vậy là chính quyền giải thích không nên cái lợi nhỏ trước mắt - mà cần nhìn tương lai xa hơn. Bởi khi đường sá thông thương thì việc đi lại dễ dàng, vận chuyển hàng hóa thuận tiện và giá trị đất cũng tăng lên. Chưa kể, Hòa An là xã Anh hùng từng chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, nay mỗi hộ chấp nhận mất thêm ít đất để làm đường là việc nên làm… Tới lúc này đông đảo người dân mới chịu”- Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Tùng, nhớ lại. Không chỉ đóng góp đất, nhiều hộ dân còn “rỉ tai” nhau góp kinh phí với số tiền “khủng” hơn 50 tỷ đồng để cùng Nhà nước làm Nông thôn mới. Chưa đầy 4 năm, toàn bộ 6 ấp được bê tông hóa, hệ thống đê bao hoàn chỉnh; nhiều công trình phúc lợi xã hội như trường học, trạm y tế, điện, nước sạch… xây dựng xong, với tổng vốn gần 164 tỷ đồng bằng nhiều nguồn khác nhau.
Bộ mặt mới, con người mới
Cơ sở hạ tầng hoàn thiện là điều kiện thuận lợi để Hòa An tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Chủ trương của xã là giảm lúa, tăng diện tích vườn chuyên canh và rau màu các loại theo hướng sản xuất lớn gắn với thị trường tiêu thụ. 7 tổ hợp tác ra đời đưa người dân vào làm ăn liên kết với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền và ngành nông nghiệp. Nông dân Nguyễn Hồng Phúc, 64 tuổi, ngụ ấp Hòa Mỹ, khoe: “Hồi trước khi còn đường đất thì mỗi khi thu hoạch trái cây dân phải gánh ra trung tâm xã, hoặc chở bằng xuồng xuống chợ Cao Lãnh bán, vừa xa, tốn kém chi phí và còn bị thương lái ép giá. Bây giờ đường mở rộng cho xe 4 bánh vào tới tận vườn. Ai muốn bán trái cây chỉ cần ngồi nhà gọi điện là thương lái tới liền, đúng là tiện lợi trăm bề. Thành quả của nông thôn mới, người dân được hưởng lợi đầu tiên”. Là nông dân năng động, ông Phúc mạnh dạn chuyển một phần đất cạnh nhà sang làm vườn. Ông tìm mua giống cóc Thái Lan về trồng với mục đích lấy hột ươm thành cây bán giống. Ưu điểm của cóc Thái chỉ trồng có 6 tháng sẽ cho trái và loại cóc này đang được thị trường TPHCM, các tỉnh ĐBSCL… rất chuộng để làm dưa chua. Nắm bắt cơ hội này, mấy năm nay ông Phúc tập trung sản xuất giống cóc Thái đưa đi tiêu thụ khắp nơi, thu lời hơn 150 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần trồng lúa.
Nhiều trường học ở Hòa An được xây mới. |
Anh Nguyễn Tấn Vinh, ở ấp Hòa Mỹ chia sẻ: “Đường nông thôn mở rộng nên nhiều người qua lại, thế là tui mở tiệm bán tạp hóa và bỏ “mối” nước ngọt, bia, nước đá… kết hợp với làm nghề hớt tóc, còn vợ làm thợ may. Mỗi thứ góp một ít, vậy mà hàng tháng có thu nhập hơn 10 triệu đồng, giúp cả nhà sống khỏe”. Theo UBND xã Hòa An, chủ trương sản xuất kết hợp giữa vườn cây ăn trái, rau màu, làm cây giống, chăn nuôi cùng các làng nghề như đan lát, may mặc, đóng xuồng… đã giúp bà con tăng thu nhập đáng kể. Nếu như năm 2011 thu nhập bình quân đầu người hơn 11 triệu đồng thì đầu năm 2015 tăng vọt lên gần 30 triệu đồng (thuộc hàng cao của tỉnh); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,84%. Tháng 2-2015, Hòa An công bố đạt chuẩn 19 tiêu chí xã nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng III.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng: “Hòa An đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiệu quả, biết hợp tác cùng nhau để phát triển vườn xoài, ruộng rau và các loại nông sản khác mang lại lợi nhuận cao hơn. Tới đây, để phát triển bền vững, Hòa An không chỉ dựa vào nông nghiệp, mà cần thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, mở thêm nhiều ngành nghề mới, dịch vụ mới; trong đó, có thể mạnh dạn phát triển loại hình du lịch cộng đồng…”. 4 năm, một hành trình lột xác tạo nên bộ mặt Hòa An khang trang. Điều quan trọng hơn là người dân Hòa An đã đổi mới trong cách nghĩ, cách làm để thích ứng với xu thế mới.
Xã Hòa An (thành phố Cao Lãnh) là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Tháp, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bảo trợ. Chủ tịch nước đã hai lần về thăm và làm việc vào tháng 2-2014 và 2-2016.
Theo: Tạp chí Nông thôn Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;