Cách làm mới của xã Lưu Kiền là Đảng ủy và UBND xã đã thành lập 6 tổ hỗ trợ, mỗi tổ gồm 9 thành viên, tại 6 bản, nhằm tư vấn, giúp đỡ đồng bào trong phát triển kinh tế, xã hội. Nhiệm vụ của các thành viên trong tổ chính là thường xuyên bám nắm cơ sở để tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc của nhân dân.
Và trọng tâm nhất là tuyên truyền, vận động, cùng nhân dân phát triển kinh tế, phổ biến những kiến thức kỹ thuật trong canh tác, thay đổi tư duy, tập quán chăn nuôi, trồng trọt truyền thống. Các tổ bám sát với nhiệm vụ phân công, và định kỳ hàng tuần phải báo cáo tiến độ thực hiện, qua đó tháo gỡ ngay những khó khăn còn tồn tại.
Lúc đầu việc vận động rất khó khăn, vì đa số đồng bào dân tộc thiểu số, rất khó thay đổi tập quán sản xuất nếu chưa thấy được hiệu quả trước mắt. Ví như tại bản Lưu Thông có 54 hộ, dân cư chủ yếu là dân tộc Mông, quanh năm chỉ biết phát nương làm rẫy. Người dân ở đây chủ yếu trồng lúa, ngô theo tập quán cũ nên năng suất thấp, đất đai lại không được đầu tư thâm canh dẫn đến bạc màu. Bản nằm xa trung tâm huyện và cách biệt với bên ngoài nên thường xuyên xảy ra việc thiếu ăn, thiếu mặc…
Để bà con tin, các cán bộ tổ tư vấn giảm nghèo tại Lưu Thông đã trực tiếp xây dựng mô hình điểm làm mẫu cho bà con noi theo. Tổ tư vấn thường xuyên cắt cử cán bộ luân phiên có mặt tại bản để vừa tuyên truyền vận động người dân, vừa bắt tay làm cùng.
Trưởng bản Vừ Dông Nênh cho biết: "Được cán bộ xã hướng dẫn cách làm ăn mới, xây dựng mô hình thực tế để đồng bào "thấy tận mắt, nghe tận tai" từ trồng ngô lai, khoai sọ, bí xanh đến chăn nuôi lợn đen, gà đen... Từ một vài mô hình với diện tích chỉ con số trăm mét vuông đất và vài chục con lợn, con gà, đến nay các mô hình đều được nhân rộng, ban đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao".
Hiện nay, toàn bản Lưu Thông đã trồng được hơn 40 ha bí ngô, thu nhập bình quân 25 - 30 triệu đồng/ha; 20 ha khoai sọ, thu nhập 20 triệu đồng/ha; 20 ha ngô, thu nhập 15 triệu đồng/ha. Đặc biệt hiệu quả là mô hình chăn nuôi lợn và gà đen, bình quân mỗi hộ nuôi 4 - 5 con lợn đen, có gia đình nuôi 14 con/lứa.
Không chỉ vậy, sau khi được tập huấn, tư vấn trồng cỏ voi trong chăn nuôi, đồng bào đã chuyển hình thức chăn nuôi trâu bò từ chăn thả trên đồi sang hình thức nuôi nhốt tập trung, có gia đình còn lập trang trại làm giàu. Đời sống người dân dần được cải thiện. Bản Lưu Thông trở thành điển hình trong việc thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo.
Tổ tư vấn tại các bản như Lưu Phong, Xóong Con thì tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào tận dụng và phát huy lợi thế địa hình, khí hậu phù hợp để phát triển trồng rừng, chủ yếu là trồng keo.
Trưởng bản Xóong Con - ông Kha Văn Thường chia sẻ: “Mặc dù là cây lâu năm (từ 7-10 năm mới cho thu hoạch) nhưng so với trồng sắn, trồng ngô, trồng keo là hướng đi mới, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, bền vững hơn”. Hiện tại, sau gần 3 năm triển khai trồng keo, diện tích keo tại 2 bản đã được nhân rộng lên tới 35ha.
Bí xanh trồng trên rẫy là đặc sản của bản Lưu Thông (Lưu Kiền, Tương Dương). Ảnh: Mỹ Nga |
Ngoài ra, xã tiếp tục vận động người dân nâng hệ số sử dụng đất, chăm sóc rừng mới trồng; trồng thêm các loại cây ăn quả: cam, bưởi, nhãn; phát triển chăn nuôi… để giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới.
Như vậy, với sự vào cuộc tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức xã, chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở xã Lưu Kiền được đồng bào đồng thuận hưởng ứng. Từ tập quán phát đốt, cốt, trỉa với công cụ thô sơ, người dân đã biết chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất. Nhiều bản làng đã biết khai thác lợi thế điều kiện tự nhiên để chăn nuôi, trồng trọt theo hướng thâm canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đáng mừng hơn cả là đồng bào đã phá bỏ được các hủ tục lạc hậu, cũng như sự trông chờ ỷ lại, vươn lên làm giàu thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của Lưu Kiền từ 67% giảm xuống còn 45,6%, thu nhập của người dân trung bình 20-25 triệu đồng/năm. Đặc biệt, có hai bản Khe Kiền và Con Mương đã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới, và phấn đấu đến tháng 12/2017 sẽ về đích. |
Mục tiêu của việc thành lập các tổ tư vấn không chỉ để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức viên chức tự hoàn thiện bản thân, mà quan trọng hơn là góp phần xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị vững mạnh.
Bởi lẽ, tác phong công tác của mỗi cán bộ, đảng viên là “tế bào” cấu thành nên lề lối làm việc của tập thể. Đánh giá về quá trình “vận hành” các tổ tư vấn, Bí thư Đảng ủy xã Lưu Kiền phấn khởi cho biết thêm: “Hàng tuần, mỗi cán bộ, công chức phải báo cáo lại những đầu việc đã được giải quyết và giải trình những nhiệm vụ chưa hoàn thành. Với cách làm này, mỗi người đã tự “khéo kiểm soát” và chủ động được trong công việc, đẩy lùi thói tùy tiện, chủ quan, thiếu kế hoạch, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, nêu cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ người dân”.
Mỹ Nga/baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;