Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phát động phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu.” Chương trình này vừa được tổ chức sáng nay (29/3), tại Hưng Yên.
Phong trào thi đua xây dựng đê kiểu mẫu được thực hiện trong 5 năm giai đoạn 2016-2020 tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đó, hàng năm các địa phương sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, trong đó có nội dung xây dựng các “Hạt quản lý đê điển hình” và nhiều “Tuyến đê kiểu mẫu.”
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Trưởng Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” Hoàng Văn Thắng nêu rõ, Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ từ thượng nguồn cũng như bão lũ, thủy triều, nên hệ thống đê điều góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của toàn xã hội.
“Do đó, để tăng cường quản lý và bảo vệ hệ thống đê điều, rất cần quan tâm đến công tác duy tu bảo dưỡng, quản lý đê theo quy định của pháp luật; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức các cấp chính quyền địa phương, người dân về tầm quan trọng của hệ thống đê trước diễn biến phức tạp, cực đoan của thiên tai,” Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói.
Lễ phát động phong trào thi đua xây dựng đê kiểu mới ở Hưng Yên. (Ảnh: BTC)
Theo Thứ trưởng Thắng, việc xây dựng đê kiểu mẫu là giải pháp quản lý rất quan trọng, trong phong trào thi đua các địa phương có nhiều sáng kiến để mỗi vùng sẽ tạo ra được những hành động thiết thực trong bảo vệ đê điều trước những diễn biến phức tạp của thiên tai ngày càng cực đoan.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng phân tích thêm muốn bảo vệ đê điều phải giảm khai thác cát quá mức, phát triển rừng thượng nguồn; nâng cao năng lực dự báo, tổ chức tốt hệ thống bảo vệ quản lý đê điều từ trung ương đến địa phương. "Điều này rất quan trọng, mọi người dân phải tự trang bị và nâng cao kiến thức về phòng chống thiên tai," Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.
Lịch sử đã ghi nhận những trận lũ lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản: Năm 1945, vỡ đê tại 79 vị trí đã gây ngập lụt 160.000 ha đất sản xuất, mất mùa đã làm chết khoảng 2 triệu dân; trận lụt năm 1971 làm vỡ nhiều đoạn đê, gây ngập hơn 200.000 ha và hạ tầng cơ sở; trận lũ lụt năm 2000 tại Đồng bằng sông Cửu Long khi tuyến đê bao, bờ bao chưa khép kín, cụm tuyến dân cư vượt lũ chưa được hình thành đã làm chết 539 người, ngập úng 890.000 căn nhà, hơn 320.000 ha lúa, hoa màu, thủy sản thiệt hại, tổng thiệt hại hơn 4.620 tỉ đồng.
Đến nay, cả nước đã xây dựng được khoảng 13. 400 km đê sông, đê biển./.
theoVietnamPlus
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;