Chính sách nông nghiệp: Áo đã chật
Với góc nhìn của một chuyên gia từng gắn bó lâu năm với nông nghiệp nông thôn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Đăng Khoa lý giải nguyên nhân vì sao mô hình liên kết được phân tích là hiệu quả như vậy nhưng triển khai trong thực tế lại ách tắc? “Đó là do cơ chế, chính sách” - ông Khoa khẳng định. Nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực dễ rủi ro nên số lượng doanh nghiệp đầu tư vào đây rất hạn chế, trong khi hiện chưa có chính sách ưu đãi nào cho họ cả; hay những bất cập của quy định cho HTX vay vốn. Vay tín chấp thì không được, trong khi thế chấp bằng sổ đỏ cũng không. Hay như chính sách yêu cầu mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp phải có 60% tỷ lệ nội địa hóa mới được vay vốn là bất cập, vì máy trong nước kém. Trong khi, thực tế, trên đồng ruộng hiện nay chủ yếu là máy của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.
Với góc nhìn tương tự, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ phó Vụ Nông nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương) cũng cho rằng chính sách cho nông nghiệp nông thôn thường chậm và triển khai không đến nơi đến chốn. Chẳng hạn như Quyết định 80 của Chính phủ về liên kết “4 nhà” đã có hơn 10 năm nay nhưng vẫn phải bàn đi bàn lại vì tính pháp lý trong liên kết quá lỏng lẻo. Bên cạnh đó, tình trạng manh mún đất đai vẫn chưa được khắc phục, vai trò của quy hoạch và chiến lược phát triển không rõ ràng; hàng loạt chủ trương, chính sách đã lạc hậu, như chiếc áo đã chật, cũ kỹ, cần phải “thay áo mới”…
Nguồn nhân lực luôn là yếu tố then chốt trong phát triển. “Nếu Công ty Bảo vệ thực vật An Giang không có trong tay hơn 2.000 FF (nhân viên kỹ thuật đồng ruộng) thì làm sao ông Huỳnh Văn Thòn có thể triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn?” - một đại biểu đặt câu hỏi. Do vậy, muốn phát triển các mô hình sản xuất mới, hiện đại, nguồn nhân lực là yếu tố có tính quyết định. Một khâu quan trọng trong chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp là HTX và tổ hợp tác.
Quyết tâm đổi mới nền nông nghiệp
Dù hội thảo diễn ra trong 2 ngày nhưng số lượng đại biểu tham dự vẫn khá đông đủ, không khí thật sự cởi mở. Nhà nông học Võ Tòng Xuân bày tỏ thẳng thắn: “Tôi mong đây là hội thảo lần chót để tiến tới hành động”. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hội thảo lần này là cuộc đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách, hay nói chính xác là đối thoại giữa Bộ NN-PTNT và các viện trường, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nông nghiệp; đối thoại giữa cơ quan hoạch định chính sách với các đồng chí thực thi, lãnh đạo các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, HTX, nông dân; đối thoại giữa những nhà lý luận, chuyên gia, khoa học với các mô hình thực tiễn nhằm đóng góp vào quá trình sơ kết Nghị quyết Trung ương 7 sắp tới.
Hiện nay, chúng ta cần mô hình nông thôn kiểu mới, cấu trúc hạ tầng hiện đại, có thị trường. Như vậy phải có nông dân kiểu mới được đào tạo bài bản, tối thiểu phải có tay nghề, kỹ năng kiến thức đủ để tham gia hoạt động kinh tế cạnh tranh. Nhà nước cần phải đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kích cầu cho nông thôn - nhiều đại biểu kiến nghị. Cần tổ chức liên kết nông dân với nông dân; doanh nghiệp - nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng mới chấm dứt tình trạng manh mún hiện nay. Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, muốn làm được điều đó, trên quy hoạch tổng thể, ngành nông nghiệp sớm ban hành, triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết cho từng vùng sản xuất.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp rất cần thiết và quan trọng trong thời điểm hiện nay. Theo đó, cần phải tổ chức liên kết đa dạng, bền chặt giữa nông dân, doanh nghiệp và các đối tác khác. Đã đến lúc không thể tiến lên mạnh mẽ được nếu không khắc phục một cách căn cơ những hạn chế, tồn tại của kinh tế nông hộ nhỏ lẻ, tự phát. Muốn làm ăn lớn thì phải liên kết lại.
"Vai trò của Nhà nước là đặc biệt quan trọng trong xây dựng quy hoạch sản xuất, cơ cấu sản phẩm. Ngoài ra, nhiệm vụ của Nhà nước sẽ còn là cung cấp thông tin, dự báo thị trường, mở rộng thị trường; xây dựng và ban hành cơ chế chính sách mang lại lợi ích cho nông dân và để các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh bình đẳng; đào tạo kiến thức sản xuất nông nghiệp và chỉ đạo thực hiện trên từng địa bàn. Đối với doanh nghiệp, nếu có đủ điều kiện Nhà nước yêu cầu, sẽ được tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp, thực hiện nhiệm vụ đầu tư sản xuất lớn. Nhà khoa học sẽ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu giống, công nghệ sản xuất và chế biến nông sản. Đặc biệt đối với nông dân, cần được tuyên truyền để bà con hiểu rõ về sản xuất hàng hóa lớn, thực hiện nghiêm hợp đồng, quy trình sản xuất" Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh |
HÀM LUÔNG - BÌNH ĐẠI
theo sggp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã