|
Kết quả bước đầu trong sản xuất rau an toàn
Chỉ cách thời điểm hiện tại chưa đầy ba tháng, thông tin về cải ngọt Trung Quốc chứa Phóc-man-đê-hít, giá đỗ bị ngâm tẩm bằng hóa chất không rõ nguồn gốc, đến chuối xanh, đu đủ qua một đêm đã chín vàng khiến người tiêu dùng hoang mang, thậm chí lo sợ không dám ăn rau. Ðặc biệt, trong một cuộc điều tra mới đây cho thấy, có đến 90% số người tiêu dùng khẳng định họ không thể phân biệt được đâu là RAT và không an toàn. Tại nhiều đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không ít người dân tự trồng rau.
Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội đã thí điểm gắn nhãn cho RAT tại xã Văn Ðức (Gia Lâm, Hà Nội). Ðây không chỉ là một tín hiệu vui cho người tiêu dùng Thủ đô, mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững cho người dân cả nước. Từ việc chọn giống rau gì, củ, quả gì cho đến cách chăm bón ra sao, quy trình kỹ thuật thế nào đều phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định đối với RAT... Rau chính là nguồn sống với cả nghĩa đen và nghĩa bóng đối với người trồng rau xã Văn Ðức .
Năm 2011, UBND thành phố Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục BVTV phối hợp các huyện tổ chức thực hiện đúng quy định sản xuất RAT. Vùng sản xuất rau của xã Văn Ðức đều nằm trong định hướng quy hoạch sản xuất RAT của thành phố đến năm 2020. Với diện tích sản xuất rau là 250 ha, cho sản lượng hằng năm lên đến 17.500 đến 18 nghìn tấn/năm, trong đó có 25 ha đạt tiêu chuẩn VietGap. Rau an toàn của Văn Ðức được bán và chấp nhận trên thị trường Hà Nội, khiến các hộ dân trồng rau hết sức phấn khởi, đồng thời có ý thức hơn trong áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trong mọi khâu sản xuất, nhất là khi áp dụng tiêu chuẩn VietGap. Sản lượng nhiều, nhu cầu lớn cho nên để bao tiêu sản phẩm cho bà con, Công ty TNHH Hương Cảnh chính thức ra đời và nhanh chóng đầu tư xây dựng nhà sơ chế và ký hợp đồng bao tiêu rau thường xuyên của các hộ nông dân, trở thành nhà cung cấp chính cho các siêu thị lớn ở Hà Nội như: Firimax; Intimex; Hapro và các nhà hàng, khách sạn.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Hương Cảnh Phạm Văn Dương cho biết: Hiện giá rau an toàn do Văn Ðức cung cấp trên thị trường Thủ đô đang được UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ về giá nên RAT của Văn Ðức cũng chỉ bán tương đương giá các loại rau ngoài thị trường, nếu UBND thành phố không hỗ trợ về giá thì RAT sẽ có giá cao hơn rau bình thường khoảng 2-3 lần.
Tận mắt chứng kiến người nông dân xã Văn Ðức cần mẫn trên những cánh đồng rau, mới thấy hết tâm huyết của họ đã dồn cả cho cây và đất. Ông Ðoàn Văn Thành, người đã có kinh nghiệm gần 30 năm trồng rau, không giấu được niềm vui khoe với chúng tôi: "Từ ngày áp dụng quy trình trồng RAT đã giúp tôi hiểu biết thêm các quy trình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap. Bà con thật sự yên tâm, xác định sẽ gắn bó lâu dài nghề trồng rau".
Theo tính toán của người dân, trồng RAT cho thu nhập ổn định từ ba đến năm triệu đồng/tháng. Song, đòi hỏi người trồng rau phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất RAT, và phải biết nói không với thuốc BVTV. Vậy là sau những nỗ lực bền bỉ của người dân, rau của Văn Ðức đã có thương hiệu riêng trên thị trường, góp phần khẳng định hướng đi đúng bằng quy trình làm ăn khoa học, có trách nhiệm với cộng đồng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Ðào Duy Tâm, khi được hỏi về điểm sáng RAT xã Văn Ðức, khẳng định: Hà Nội làm RAT từ những năm 1996-1997, nhưng giờ mới áp dụng thí điểm gắn nhãn hiệu cho xã Văn Ðức. Nhưng hiện nay, RAT vẫn chưa được bán với giá theo chi phí trồng RAT mà vẫn đang bán tương đương giá rau bình thường cho nên khó khuyến khích được các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Còn ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông - lâm sản (Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản) cho biết: Gắn nhãn RAT là việc làm rất quan trọng để người tiêu dùng phân biệt với rau không an toàn. Nhưng để giữ được thương hiệu này, đòi hỏi người dân Văn Ðức và các cơ quan liên quan cần nghiêm túc tuân thủ đúng quy trình không để nơi khác lạm dụng; các nhà sản xuất, kinh doanh, nhà quản lý cần liên kết kiểm soát thật chặt chẽ để bảo vệ và phát triển vùng rau Văn Ðức phát triển bền vững.
Nói không với thuốc BVTV
Hiện có khoảng gần bốn nghìn loại thuốc BVTV bày bán trôi nổi trên thị trường với gần 30 nghìn đại lý lớn nhỏ, trung bình mỗi tỉnh có khoảng 500 đại lý. Hằng năm, thanh tra Cục Bảo vệ thực vật tiến hành từ 500 đến 600 đợt thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh mặt hàng này. Kết quả, có 12 đến 14% số cơ sở vi phạm các lỗi như: Thuốc giả, thuốc ngoài danh mục, không đạt chất lượng, vi phạm nhãn mác và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc BVTV không rõ nguồn gốc vẫn không có dấu hiệu giảm, thậm chí hình thành nên những khu chợ, như chợ Vạng ở xã Song Phương, huyện Hoài Ðức, TP Hà Nộ. Trong vai những người mua thuốc, chúng tôi được chứng kiến tại các đại lý có tới hàng trăm mặt hàng, trong khi bảng niêm yết giá chỉ ghi tên vài loại thuốc quen thuộc nhằm đối phó các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, giá thuốc cũng được biến hóa muôn hình vạn trạng, khiến người dân khó có thể so sánh với giá cả thực tế. Chính sự mất kiểm soát trong việc quản lý thuốc BVTV, cộng với việc chạy theo lợi nhuận của người dân khiến chính quyền nơi đây không thể đứng ra bảo lãnh cho sản phẩm rau của địa phương mình trước việc có doanh nghiệp muốn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hiện vùng quy hoạch 31 ha rau sạch đang phải tự lo đầu ra cho sản phẩm của mình. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nguyễn Văn Hiến cho biết: Hiện địa phương đã hướng dẫn và phổ biến cho từng xã cách trồng RAT, cũng như những tác hại của việc dùng tràn lan thuốc BVTV. Chúng tôi còn dự định hình thành hợp tác xã rau xanh để tránh bị lẫn các loại rau không an toàn trên thị trường. Nỗ lực của chính quyền đã có, nhưng người dân tin và làm theo đến đâu vẫn còn là ẩn số. Ông Nguyễn Ðình Phúc ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Ðức cho biết, gia đình ông không nằm trong khu quy hoạch 31 ha; nhà có hai sào rau, đối với rau cải trung bình bảy ngày phun thuốc/lần... mỗi năm trừ chi phí, trung bình cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Không riêng gì Hoài Ðức e ngại việc bảo lãnh RAT của địa phương mình, mà tại Thanh Trì, hay vùng ven đô thuộc quận Hoàng Mai, người dân vẫn chưa thật sự ý thức về tác hại của việc sử dụng tràn lan thuốc BVTV, chưa kể nguồn nước chính để tưới tiêu vẫn phụ thuộc vào nước sông sét, sông Tô Lịch vốn được cho là ô nhiễm nghiêm trọng.
Chia sẻ về việc dùng thuốc BVTV đối với RAT, Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng khẳng định, cần phải kiểm soát chặt chẽ sản phẩm thuốc BVTV từ trước khi nhập về Việt Nam. Nếu kiểm soát chặt chẽ được khâu này, chắc chắn người dân sẽ được dùng những loại thuốc tốt; đồng thời khi phát hiện doanh nghiệp nào vi phạm cần xử lý thật nghiêm, có thể đình chỉ kinh doanh. Bên cạnh đó, còn phải quản lý chặt các khâu sản xuất gia công, đóng gói. Các nhà sản xuất buộc phải thực hiện những nội dung ghi trên nhãn mác đúng quy định. Và khi người nông dân dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, quy cách sẽ vừa mang lại hiệu quả trong sản xuất, vừa tốt cho môi trường và sức khỏe của con người. Muốn làm tốt điều này, từ cấp quản lý đến chính quyền các cấp cần tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình, để họ nhận thức được việc sử dụng đúng thuốc không những mang lại lợi ích lâu dài cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng. Bên cạnh đó là góp phần bảo vệ môi trường và ổn định kinh tế hộ gia đình bền vững.
Trở lại với sản phẩm RAT tại xã Văn Ðức, để mô hình này có thể nhân rộng khắp cả nước, cần sự chung tay của các cấp chính quyền trong việc kiểm soát quyết liệt chặt chẽ đầu vào của các loại thuốc BVTV, không để tái diễn tình trạng thuốc BVTV trôi nổi tràn lan trên thị trường. Ðã đến lúc người tiêu dùng có quyền được sử dụng những sản phẩm an toàn xứng đáng với đồng tiền bỏ ra.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1946/QÐ-TTg về việc xử lý triệt để và phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV. Ðây được xem là một tín hiệu mừng cho người dân trong bối cảnh có đến hơn 70% lượng thực phẩm được tiêu thụ trên thị trường không an toàn.
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;