Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương (Văn phòng Điều phối), tính đến tháng 4/2017, cả nước đã có 2.656 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 263 xã so với cuối năm 2016. Bình quân cả nước đạt 13,87 tiêu chí/xã, tăng 0,39 tiêu chí so với cuối năm 2016.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Điều phối, một số nhiệm vụ liên quan đến nguồn lực được triển khai chậm như nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn giai đoạn 2016-2020. Hơn nữa, tiến độ giải ngân năm 2016 và phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2017 của các địa phương cũng khá chậm trễ.
Đặc biệt, nhiều nội dung thành phần chưa được các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực phù hợp để thực hiện. Chẳng hạn, năm 2016, các địa phương mới bố trí được 1% tổng vốn được giao để thực hiện nội dung đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX); 3,3% thực hiện nội dung vệ sinh môi trường nông thôn...
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối cho rằng nguyên nhân chủ yếu của hạn chế trên là do một số văn bản hướng dẫn từ Trung ương chậm ban hành.
Cụ thể, về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn giai đoạn 2016-2020; hướng dẫn tiêu chí của 3 bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp); hướng dẫn sử dụng, thanh quyết toán vốn sự nghiệp của Bộ Tài chính; kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Văn phòng Điều phối cấp tỉnh... Do đó, các địa phương thiếu cơ sở pháp lý để phân bổ vốn cũng như lúng túng trong việc bố trí nguồn lực cụ thể để triển khai các nội dung thành phần của chương trình.
Bên cạnh đó, quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công đối với các dự án đầu tư còn nhiều bất cập nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ phê duyệt, giao vốn thực hiện các dự án đầu tư của các địa phương.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, dự kiến năm 2017, cả nước huy động được khoảng gần 223.000 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng NTM, trong đó, ngân sách Trung ương là 8.000 tỷ đồng (chiếm 3,2%).
Theo mục tiêu đề ra, cả nước phấn đấu đến hết năm 2017 có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn NTM, tăng 5% so với năm 2016 và ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Để đạt được mục tiêu này, ngoài nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp của các địa phương, vấn đề huy động và bố trí nguồn lực có vai trò rất quan trọng.
Văn phòng Điều phối Trung ương đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ phân bổ và triển khai kế hoạch vốn ngân sách được giao năm 2017.
Thời gian tới, Văn phòng Điều phối sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình xây dựng NTM cả định kỳ và đột xuất. Trong đó tập trung vào kiểm tra tình hình phân bổ và sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2017, tiến độ và giải pháp xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản của các địa phương cũng như điều tra, đánh giá sự hài lòng của người dân về xây dựng NTM...
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Trong đó, thông qua các hình thức lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; huy động vốn đầu tư của DN đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, tăng cường các hình thức xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao.
Đặc biệt, các địa phương cần công khai các khoản đóng góp của dân theo nguyên tắc tự nguyện để tăng nguồn lực xây dựng NTM.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã