Học tập đạo đức HCM

Xây dựng nông thôn mới đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tích cực hưởng ứng của mỗi người dân (*)

Thứ ba - 22/01/2013 02:22
LTS: Ngày 19-1, Thành ủy Hà Nội tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015, tổng kết xây dựng mô hình NTM tại các xã làm điểm của TP Hà Nội. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dự và đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Thưa các đồng chí!

Hôm nay, trong những ngày đầu của năm mới 2013, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy khóa XV về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”. Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi gửi tới toàn thể các đồng chí lời chào và lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của Thủ đô chúng ta thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Thưa các đồng chí!

Do tính chất quan trọng của vấn đề chúng ta sơ kết hôm nay, tôi xin nhắc lại những chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thứ nhất, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Thứ hai, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình CNH, HĐH đất nước. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt. 

Thứ ba, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải trên quan điểm phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực, để giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là lao động, đất đai, rừng, biển;…

Thứ tư, giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định vấn đề phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Đảng bộ thành phố phải tập trung chỉ đạo. Bởi vì, có giải quyết tốt vấn đề xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, chúng ta mới thực sự thành công trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại. 

Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng có khu vực nông thôn rất rộng lớn và giàu tiềm năng phát triển, với hơn 80% diện tích đất tự nhiên, số dân hơn 4 triệu người; có 401 xã trên tổng số 577 xã, phường, thị trấn; 18 huyện trên 29 quận, huyện, thị xã. Nhận thức rõ đặc điểm, vị trí, tầm quan trọng của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Thủ đô, Thành ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố bằng 9 chương trình công tác lớn; trong đó, Chương trình số 02 xác định: “Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng nông thôn mới phát triển theo quy hoạch, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái, cảnh quan sạch đẹp, gắn kết hợp lý giữa phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nông dân…”. 

Thưa các đồng chí, 

Trong bối cảnh tình hình kinh tế của đất nước hai năm gần đây, nhất là sản xuất công nghiệp - xây dựng và dịch vụ gặp phải những khó khăn chưa từng có: Tốc độ phát triển kinh tế thấp hơn nhiều những năm trước (năm 2012 chỉ đạt 5,03%); công nghiệp - xây dựng tăng 4,52%; dịch vụ tăng 6,42%). Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp lại nổi lên như là một điểm sáng, thu được những thành tựu rất nổi bật:

 Năm 2012, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của cả nước tăng 2,72% so với năm 2011. Nhiều nhóm hàng nông sản tăng khá về lượng xuất khẩu: Sắn và sản phẩm sắn tăng 55,2%; cà phê tăng 37,9%; cao su tăng 23,8%; hạt điều tăng 25,6%; gạo tăng 13,1%; chè tăng 10,4%... Lần đầu tiên xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt Thái Lan, đạt trên 8 triệu tấn, tương đương 3,7 tỷ USD. 

Mọi người đều biết, trong những thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới ở nước ta, thế giới đặc biệt ca ngợi, đánh giá cao thành tựu trong lĩnh vực sản xuất lương thực. Từ một nước thiếu lương thực triền miên, phải nhập khẩu, nhận viện trợ về lương thực, hơn 10 năm nay Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thế giới cũng ca ngợi, đánh giá cao thành tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Mà nói đến thành công xóa đói, giảm nghèo, cũng có nghĩa nói đến thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Năm 2012, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, Đảng bộ và chính quyền thành phố tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; gắn với thực hiện các chủ trương, nghị quyết của trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, trong đó có sự đóng góp to lớn, hiệu quả của nông dân, thành phố đã đạt được kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực: kiềm chế được lạm phát dưới 10%, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,1%; thu ngân sách đạt 100,2% kế hoạch; văn hóa - xã hội phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được những kết quả đáng khích lệ. Một số lĩnh vực đạt được kết quả nổi bật, được nhân dân ghi nhận như: quy hoạch đô thị, trật tự an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, hoạt động đối ngoại của thành phố, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”…

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, với tinh thần chủ động và gương mẫu, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 11 vừa qua, Thành ủy đã thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 đồng chí lãnh đạo là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố và đang tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo ở 8 sở, ngành.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Trong những thành tựu của Thủ đô trong năm 2012, chúng ta khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn, rất quan trọng của nông thôn Thủ đô. Vượt lên những khó khăn do điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, dịch bệnh, giá vật tư tăng cao, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường nông sản v.v… Sản xuất nông nghiệp của Thủ đô tiếp tục có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả quan trọng. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 199 triệu đồng/ha, tăng 5,3% so năm 2011. 

Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với năng suất và chất lượng cao, như: sản xuất lúa, trồng rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh... Chăn nuôi có bước phát triển đột phá theo hướng hình thành các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; thủy sản phát triển theo hướng tập trung, thâm canh. 

Trên địa bàn thành phố, hiện có 1.312 trang trại gia cầm; 724 trang trại gia súc. Trong đó có 15 hộ chăn nuôi tập trung, quy mô từ 15.000 đến 60.000 con gà; 2.000 đến 20.000 con lợn. Sản lượng bình quân của các hộ nuôi lợn từ 900-1.200 tấn/năm; hộ lớn nhất đạt 3.000 tấn/năm; 12 khu nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 990 ha…

Trên toàn thành phố, tổng số hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi ở cả 4 cấp: TƯ, thành phố, huyện và cơ sở là hơn 190 nghìn hộ; trong đó cấp TƯ có 166 hộ; cấp thành phố có 2.065 hộ; cấp huyện có 32.332 hộ.   

Một trong những thành tựu nổi bật của thành phố trong hai năm qua là công tác xây dựng nông thôn mới. Diện mạo của nông thôn ngoại thành, nhất là những địa phương đã triển khai xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc và thay đổi nhanh chóng. Nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, yêu cầu, nội dung, giải pháp xây dựng nông thôn mới được nâng lên một bước. Công tác quy hoạch nông thôn mới được coi trọng, công tác bố trí, quản lý, sử dụng đất đai, nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng đi vào nền nếp và có hiệu quả hơn. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới trên toàn bộ 401 xã toàn thành phố. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả bước đầu các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp như: Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; đề án phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; các dự án giết mổ gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản… 

Trong những việc đã làm được, chúng ta đặc biệt đánh giá cao những kết quả nổi bật của công tác dồn điền đổi thửa. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo và đạt kết quả tốt (22,6 ngàn ha), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (là 19,4 ngàn ha). Điển hình là các huyện: Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên. Đây là việc làm rất khó, không phải chỉ khắc phục, vượt qua nếp nghĩ lâu đời nay của nông dân, làm ruộng phải có gần, có xa, có tốt, có xấu, có nông, có sâu, có lúa, có màu, v.v... Mà còn phải vượt qua được những tính toán, lợi ích riêng tư đối với những hộ có ruộng tốt, ở vị trí thuận lợi, được giấu diện tích... Để làm được việc này, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm cao và gương mẫu, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Có thể nói, công tác dồn điền đổi thửa là một khâu đột phá để xây dựng nông thôn mới. Có dồn điền đổi thửa, mới quy hoạch được đồng ruộng; mới giải quyết tốt vấn đề giao thông, thủy lợi nội đồng; mới đưa tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng; mới cơ giới hóa được sản xuất, thực hiện được thâm canh, chuyên canh, sản xuất hàng hóa; mới thuận lợi cho công tác phòng chống sâu bệnh, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; mới sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đai... Có dồn điền, đổi thửa mới góp phần đổi mới được tư duy, khắc phục tư tưởng manh mún, tự cung tự cấp, tiến tới sản xuất hàng hóa để làm giàu. 

Qua 2 năm thực hiện Chương trình 02 và phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, toàn thành phố đã có 161/401 xã (40%) đạt và cơ bản đạt từ 10 - 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có 12 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, 62 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 - 18 tiêu chí, 87 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 13 tiêu chí. Thành phố đã huy động được một nguồn lực rất lớn, trên 8,5 nghìn tỷ đồng, trong đó bước đầu đã huy động được những nguồn xã hội hóa tham gia xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư. Đời sống nông dân được cải thiện và từng bước nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người 2 năm qua tăng từ 15 triệu đồng lên 17 triệu đồng.

Những kết quả bước đầu đáng phấn khởi nói trên đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và thành phố; là kết quả của tinh thần quyết tâm cao độ và sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành của thành phố. Chúng ta đánh giá cao vai trò chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, đã thể hiện nhiệt tình, tâm huyết, gắn bó, sâu sát với đồng ruộng, với người nông dân; hoan nghênh sự đóng góp, tham gia tích cực, với tinh thần “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” của bà con nông dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Thủ đô. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong chỉ đạo cũng như tổ chức thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy còn một số hạn chế, khó khăn:

- Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế; tính chủ động, năng động và quyết liệt chưa cao. Một số nơi còn trông chờ sự đầu tư, giúp đỡ của trên, chưa coi trọng việc phát huy nội lực.

- Không ít địa phương chưa quyết tâm làm tốt công tác dồn điền đổi thửa. Tình trạng sản xuất nông nghiệp còn manh mún; hình thức và quy mô sản xuất cơ bản vẫn là sản xuất nhỏ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm. 

- Việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa chưa được quan tâm đúng mức. Sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa chưa cao. Còn quá ít cơ sở giết mổ tập trung và chế biến thực phẩm.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và đời sống; môi trường sống, môi trường sản xuất khu vực nông thôn ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng ô nhiễm nặng, nhưng thiếu các giải pháp khắc phục.

- Một số cơ chế, chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống, còn hình thức, hiệu quả thấp. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục chưa đáp ứng. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh còn thấp v.v…

- Quá trình đô thị hóa đã làm nảy sinh những khó khăn, áp lực to lớn về giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu kiện, giải quyết việc làm, đời sống cho các hộ nông dân bị thu hồi đất; vấn đề khoảng cách giàu nghèo tiếp tục giãn xa hơn... 

- Một bộ phận cán bộ còn tiêu cực, tham ô, tham nhũng; trình độ, năng lực hạn chế; thiếu trách nhiệm với dân; có hiện tượng một số cán bộ chỉ tích cực chỉ đạo các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, chưa thực sự chú trọng giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; ngại va chạm, né tránh công việc khó; ít quan tâm chăm lo đến công tác xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường.  

- Cũng cần đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét lại hệ thống 19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Có thể bớt 4-5 tiêu chí không thật tiêu biểu, hoặc trùng lặp, khó nhân rộng, như tiêu chí phải có chợ nông thôn, có nhà ở đạt chuẩn, có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, hoặc tiêu chí làng văn hóa thì đã có nhà văn hóa trong đó...

Thưa các đồng chí,

Để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thành phố phải vừa tập trung xây dựng các quận nội thành, đồng thời phải tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển khu vực nông thôn ngoại thành. Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp ở tất cả các địa bàn quận, huyện, thị xã để mọi người dân Thủ đô đều được hưởng những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất tinh thần đều được chăm lo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị. Hà Nội có đủ khả năng, điều kiện và nguồn lực để làm điều đó và cả nước cũng yêu cầu, mong đợi Hà Nội làm cho được điều đó. 

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nói trên, cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố và sự đồng tình hưởng ứng tích cực, tự giác của mọi người dân. Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân: Thành phố có chủ trương quan tâm và ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có diện tích đất nông nghiệp đa dạng; có thị trường tiêu thụ rộng lớn; có lợi thế về trình độ đào tạo, văn hóa, kinh nghiệm sản xuất của người lao động, có tiềm lực khoa học, công nghệ; có lợi thế về vị trí địa lý, đầu mối giao thông, và các điều kiện tự nhiên, tài nguyên để phát triển.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

- Thứ nhất, Ban Chỉ đạo NTM các cấp, cần nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố trong chỉ đạo, điều hành cần phát huy tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo hơn nữa; quyết tâm cao hơn nữa. Đi sâu, đi sát thực tế từng địa phương, cơ sở, từng việc, từng công trình, dự án. Lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, xác định hợp lý lộ trình, bước đi. Đồng thời, quan tâm nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả. Thực tế vừa qua cho thấy công việc tốt hay không, thành công nhiều hay ít, phụ thuộc chủ yếu vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở. Đây là thực tế: “cán bộ nào, phong trào đó”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Cần tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình vận động và tổ chức triển khai thực hiện cần chú ý làm rõ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Người dân phải được bàn bạc dân chủ, trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách; quản lý, giám sát đối với các dự án xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương. Chúng ta cần lắng nghe ý kiến người dân hơn nữa, không quan liêu, không áp đặt, nhưng đồng thời cũng phải biết xây dựng, phát huy các nhân tố tích cực, gương mẫu trong nhân dân. Mọi người dân cần xây dựng ý thức cộng đồng trách nhiệm, chủ động, tự giác đóng góp công sức, tích cực tham gia tổ chức thực hiện và đồng thời nhân dân cũng chính là người được tiếp nhận những thành quả trong xây dựng nông thôn mới. 

- Thứ hai, đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho các hộ nông dân được sử dụng đất ổn định, lâu dài để phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch. Đồng thời, tích cực vận động nông dân thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa”, coi đây là khâu đột phá, một trong những nhiệm vụ tiên quyết cần phải làm để tạo điều kiện hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chuyên canh, tạo vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

- Thứ ba, tiếp tục đi sâu nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp và nông thôn; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi về vốn hỗ trợ các địa phương dồn điền đổi thửa, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất như giao thông nội đồng, kênh tưới, kênh tiêu, các công trình giao thông nông thôn; sau đó là những công trình thoát nước thải, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, ngầm hóa đường điện, đẩy nhanh tiến độ thi công trường học, trạm xá, nhà văn hóa, trụ sở làm việc v.v… đáp ứng kịp thời, thiết thực nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân.

Thành phố yêu cầu các sở, ngành cần tích cực giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về các thủ tục đầu tư, đấu giá đất xen kẹt, đồng thời tích cực huy động sự đóng góp công sức, tiền của của người dân, doanh nghiệp vào xây dựng nông thôn mới. Sử dụng các nguồn lực phải tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, phát huy vai trò tự quản và giám sát của nhân dân. Khắc phục tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc và thực hiện nền nếp việc giao ban xây dựng nông thôn mới như thành phố đã làm rất tốt trong thời gian vừa qua. 

- Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Phát huy lợi thế vị trí của Thủ đô về khoa học kỹ thuật, công nghệ, về giống cây, giống con phục vụ nông dân phát triển sản xuất. Quan tâm hơn nữa đến việc cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh cho người dân; triển khai rộng khắp hơn nữa cuộc vận động làm sạch môi trường nông thôn, thu gom và xử lý nước thải, rác thải. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển sản xuất với việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần và giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng, văn hóa của quê hương.

- Thứ năm, phải tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị - tư tưởng, đạo đức cách mạng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở; kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc của người dân ngay tại cơ sở. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phải có chương trình, kế hoạch sửa chữa, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra trong quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình vừa qua. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, cất nhắc những cán bộ tốt; phê bình, xử lý kịp thời những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

Thưa các đồng chí,
Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn và là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời đòi hỏi sự nhiệt tình, gương mẫu, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và sự tích cực hưởng ứng của mỗi người dân. Tôi tin tưởng rằng, với nỗ lực và quyết tâm mới, thành phố chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2013 và những năm tiếp theo. 
Nhân dịp năm mới 2013, chuẩn bị đón Tết cổ truyền Quý Tỵ, thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi xin chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công !

Xin trân trọng cảm ơn!

(*) Đầu đề là của Báo Hànộimới.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập413
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại860,781
  • Tổng lượt truy cập92,034,510
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây