Học tập đạo đức HCM

Xây dựng nông thôn mới ở Đác Hà

Thứ tư - 22/04/2015 06:58
Sau thành công xây dựng xã Hà Mòn đạt xã nông thôn mới (NTM) đầu tiên của khu vực Tây Nguyên vào năm 2012, thuộc huyện Ðác Hà (Kon Tum). Nay huyện lại có thêm một xã mới đạt 19/19 tiêu chí NTM là Ðác Mar với hơn 42% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); tiếp theo là xã Ðác La với gần 55% đồng bào DTTS đã đạt 15/19 tiêu chí, đang phấn đấu đạt xã NTM trong năm nay.

 

Là một huyện với hơn 53% số dân là đồng bào DTTS, Ðác Hà đang trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM của tỉnh Kon Tum. Bí thư Huyện ủy Ðác Hà A Vượng cho biết: Huyện đã có chủ trương xây dựng "Ngân hàng cộng đồng" tại các làng đồng bào DTTS để hỗ trợ người dân về lương thực, phân bón, giống cây trồng... tạo điều kiện để đồng bào vươn lên, mạnh dạn thay đổi cách làm ăn. Trong hơn ba năm qua, huyện Ðác Hà đã hỗ trợ cây, con giống, phân bón hàng chục tỷ đồng, tạo ra nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, giúp các hộ dân thoát nghèo bền vững.

Xã Ðác Mar có ba thôn đồng bào DTTS, để xây dựng thành công NTM ở các thôn này, xã đã vận động bà con tham gia vào "Tổ sản xuất cà-phê bền vững", chuyên sản xuất cà-phê sạch xuất khẩu do xã bao tiêu sản phẩm. Bước đầu, mỗi năm bán được 200 tấn cà-phê sạch cho Hà Lan. Lợi nhuận thu được, bà con đóng góp xây hội trường thôn hơn 600 triệu đồng.

Phó Bí thư Ðảng ủy xã Ðác Mar Phạm Văn Trụ cho biết, nhiều năm trước, Ðác Mar có chủ trương gắn hộ gia đình đồng bào DTTS với các công ty cà-phê, cao-su trên địa bàn; tạo điều kiện cho các hộ nhận khoán chăm sóc cà-phê, cao-su để ổn định đời sống, từng bước vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ các diện tích đất trồng sắn chuyển đổi dần sang trồng cà-phê, cao-su... chính quyền huyện, xã hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc... Nhờ đó, đến nay hầu hết các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn đều có diện tích cà-phê, cao-su. Tại các làng đồng bào DTTS Kon Gung, Ðác Mút, bình quân mỗi hộ có một phần hai ha cà-phê, hộ ít có khoảng vài sào đến một ha cao-su; từ một đến ba sào lúa nước, thu nhập người dân đạt 17 triệu đồng/người/năm; nhiều hộ DTTS thu nhập hằng năm hàng trăm triệu đồng.

Ðược Nhà nước đầu tư xây dựng hơn 1,6 km đường nhựa vào thôn, người dân thôn 9, xã Ðác La rất vui mừng vì bao năm phải đi đường đất lầy lội, nay có đường nhựa, nhà nào cũng mua sắm xe máy. Trưởng thôn A Nhen vui vẻ kể: Sau khi có đường nhựa, bà con thôn 9 đã mua được 20 chiếc xe công nông để chở phân bón, chở nông sản... đời sống người dân từng bước được nâng lên. Toàn thôn có 187 hộ đều là dân tộc Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na), có 190 ha cao-su, 21 ha cà-phê; 111 ha bời lời... trung bình mỗi hộ dân có 2 ha cây công nghiệp. Có được thành quả này là nhờ chính quyền huyện, xã cho cây giống, hướng dẫn kỹ thuật vận động bà con tham gia, theo đà này chỉ vài năm nữa khi cà-phê, cao-su cho thu hoạch, bà con sẽ hết nghèo... Bà con còn hiến đất, hiến cây trồng, tham gia ngày công để làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương thủy lợi... Ngoài ra, người dân thôn 9 còn vận động bà con đóng góp công sức để sửa chữa nhà rông, cùng Nhà nước xây dựng NTM.

Bí thư Ðảng ủy xã Ðác La Nguyễn Việt Thanh cho biết: Một hướng đi mới để phát triển kinh tế đang được mở ra ở xã Ðác La, đó là xuất khẩu lao động. Nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS đông con mạnh dạn đăng ký đi lao động ở nước ngoài. Ở ba thôn đồng bào DTTS nơi đây, có 15 người đang lao động xuất khẩu ở Ma-lai-xi-a, sắp tới sẽ có 12 người tiếp tục đi theo chương trình lao động xuất khẩu.

Vẫn còn nhiều khó khăn để xây dựng NTM tại vùng đồng bào DTTS ở huyện Ðác Hà, nhưng kết quả bước đầu đã có những tín hiệu vui. Sự đổi thay không chỉ ở diện mạo làng xã, mà đổi thay từ trong nhận thức của người dân; nhiều gia đình tự nguyện hiến đất để xây trường học, nhà văn hóa, làm đường giao thông liên xã. Tiêu biểu như gia đình ông Thường ở thôn 2, xã Ðác Mar, khi làm đường nội thôn tự nguyện chặt bỏ 60 cây cà-phê, 240 cây bời lời, hiến hơn 540 m2 đất vườn trị giá hơn 130 triệu đồng; gia đình ông Ðỗ Ðức Bài, thôn 1, tự nguyện hiến ba cây nhãn, ba cây bơ, 25 m tường rào trị giá gần 50 triệu đồng... Một số phong trào tập thể như tại xã Hà Mòn, sau khi đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới, đã kết nghĩa với xã khó khăn nhất của huyện là Ðác Pxi để giúp đỡ các hộ nghèo nơi đây về cây, con giống, chia sẻ kỹ thuật trồng và chăm sóc cà-phê. Các đơn vị phòng, ban của huyện nhận kết nghĩa với các thôn, làng, cán bộ tự nguyện đóng góp ngày lương giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn...

Có được thành công trong phong trào xây dựng NTM tại vùng đồng bào DTTS ở Ðác Hà, trước hết là nhờ cả hệ thống chính trị đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân; giữa các thôn, làng đồng bào DTTS với nhau và với các thôn, làng người Kinh, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia kinh nhiệm làm ăn, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo.

BÀI VÀ ẢNH: ÐINH SỸ TẠO
Theo nhandan.org.vn



 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập272
  • Hôm nay20,486
  • Tháng hiện tại198,107
  • Tổng lượt truy cập92,575,771
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây