Tiến hành thu mua lúa và trả tiền cho người dân ngay tại ruộng.
Hoa lúa trên cánh đồng Cam Lộ
Vào những ngày cuối tháng 9, chúng tôi về thăm các huyện Gio Linh, Cam Lộ (Quảng Trị), chứng kiến những làng quê, ruộng đồng đang thay da đổi thịt từng ngày bởi công cuộc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Những cánh đồng “chết” vì bom đạn trước đây nay trở thành cánh đồng lúa hữu cơ bát ngát.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính chỉ tay về phía cánh đồng mẫu, nơi những chiếc máy gặt đập liên hoàn đang hối hả thu hoạch số diện tích lúa hè thu còn lại, nói với chúng tôi: “Đây là cánh đồng lúa hữu cơ của HTX Thanh Sơn, Cam Lộ được sản xuất theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp với thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị, do Công ty CP nông sản hữu cơ Quảng Trị, đơn vị được Tổng công ty TNHH-SXTM Đại Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nhà máy sản xuất phân bón Obi Ong Biển chuyển giao sản xuất theo hướng bền vững, nhằm cung cấp những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn như gạo, cà phê, tiêu, rau củ quả.
Sau vụ gặt hái, ngày 2/10, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế thông báo kết quả kiểm nghiệm gạo hữu cơ Quảng Trị (gạo QTO) giống RVT của Công ty CP nông sản hữu cơ Quảng Trị có hàm lượng Vitamin (B1, B6) và khoáng chất (sắt, kẽm, kali, Magie) cao, không có dư lượng thuốc BVTV và độc tố nấm trên gạo, đạt chuẩn bảo đảm an toàn cho người sử dụng. |
Ông Nguyễn Đức Chính cho biết thêm, với nông dân các tỉnh miền Trung, hè thu chỉ là vụ kép nhưng vụ hè thu này, nhờ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đồng thời được công ty bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường nên nông dân rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Đình Nam, người nhận sản xuất 4ha lúa vui mừng nói: “Sau khi nghiên cứu kỹ chủ trương sản xuất gạo hữu cơ, gia đình tôi đã nhận sản xuất trên 4ha bằng giống lúa RVT của Tổng công ty CP Giống cây trồng Trung ương. Trong quá trình canh tác, tôi được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn làm đất, bón phân Obi Ong Biển, tuyệt đối không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong bất kỳ tình huống nào. Nếu hộ nào sử dụng TBVTV sẽ bị phạt, bồi thường 30 triệu đồng/ha, đồng thời hủy bỏ hợp đồng”.
Điều đặc biệt là, vụ hè thu này, sâu bệnh tàn phá nhiều diện tích lúa của tỉnh, nhiều nơi mất trắng nhưng 13,2ha trồng theo phương pháp hữu cơ không hề bị sâu bệnh hại, năng suất đạt từ 53-56 tạ/ha.
Giám đốc HTX Cam Thanh, ông Nguyễn Thái Tình, phấn khởi nói: “Khi nhận được chủ trương của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT giới thiệu công ty về đầu tư cho nông dân sản xuất gạo hữu cơ, chúng tôi rất vui bởi đây là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp mà từ trước đến nay chưa tìm ra. Để có được thành công hôm nay, khi ký cam kết, công ty đặt mức năng suất phải đạt 2,5 tạ/sào (1 sào Trong Bộ = 500m2), nếu diện tích nào không đạt vì yếu tố khách quan công ty sẽ bù đắp cho nông dân. Đối với những diện tích đạt và vượt, công ty sẽ thu mua lúa tươi với giá 7.000 đồng/kg, trả tiền ngay tại chân ruộng. Có nhiều hộ năng suất đạt 2,6- 2,8 tạ/sào được công ty thanh toán khoản tiền vượt như tiền thưởng khiến nông dân vô cùng cảm kích”.
Xây dựng thương hiệu “gạo hữu cơ Quảng Trị”
Đó là tâm huyết của nữ giám đốc trẻ Phạm Thị Diễm Lệ, chủ dự án, người con của Quảng Trị. Trao đổi với tôi qua điện thoại, Diễm Lệ cho biết: Mỗi lần về thăm quê, thấy nông dân mình cứ lam lũ mưa nắng dãi dầu, chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai mà không được ăn bởi bão lụt, hạn hán, sâu bệnh tàn phá mà lòng tôi quặn thắt. Chia sẻ với nông dân, lãnh đạo Tổng công ty Đại Nam giao cho Công ty CP nông sản hữu cơ Quảng Trị độc quyền sản xuất lúa theo hướng công nghệ cao, hữu cơ bền vững. Sử dụng phân bón Obi Ong Biển giúp bộ rễ phát triển mạnh, vừa cải tạo đất, đưa đất trở về môi trường hữu cơ tự nhiên, vừa cung cấp vi sinh vật hữu ích, tái tạo môi trường cho nông dân canh tác thuận lợi nhất.
Cũng theo Diễm Lệ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ phân bón Ong Biển góp phần cân bằng hệ sinh thái, trả lại môi trường sống cho các vi sinh vật có ích, giúp năng suất cây trồng vượt trội và ổn định, đặc biệt, hạn chế được các bệnh hại cây trồng như đạo ôn, rầy, sâu cuốn lá, sâu đục thân… Khi thu hoạch, công ty cam kết thu mua toàn bộ theo thỏa thuận giữa công ty với Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, sau đó phân phối ra thị trường với thương hiệu “Gạo hữu cơ Quảng Trị”.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết: Quảng Trị là vùng đất khắc nghiệt, quanh năm nắng hạn, mưa bão, lũ lụt, rét đậm, rét hại, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp truyền thống. Vì thế, chúng tôi xác định phải chớp lấy thời cơ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đi đôi với sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm đầu tiên của chúng tôi là gạo hữu cơ, bởi thương hiệu gạo Quảng Trị trước đây từng “vang bóng một thời”. Nhưng do yếu tố khí hậu, phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến thương hiệu gạo Quảng Trị bị mai một. Đầu năm 2017, khi về thăm quê, Tổng giám đốc Tổng công ty Đại Nam Trần Ngọc Nam và Giám đốc Nhà máy sản xuất phân bón Obi Ong Biển Phạm Thị Diễm Lệ đã quyết tâm khôi phục thương hiệu này.
Được biết, để sản xuất đúng quy trình, các cánh đồng sản xuất phải liền khoảnh tối thiểu 5ha, đất không bị ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, phải sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có nguồn gốc, lý lịch rõ ràng, đạt tiêu chuẩn tối thiểu là giống lúa xác nhận theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Rời Quảng Trị, tôi nhớ mãi niềm vui và những cảm xúc của ông Hoàng Hải, Giám đốc HTX Diên Khánh (huyện Hải Lăng): “Sản xuất gạo hữu cơ không lo sâu bệnh, vừa được mùa, vừa được giá, công ty lại bao tiêu toàn bộ ngay tại chân ruộng nên nông dân được trăm bề. Vụ hè thu này, bà con còn bỡ ngỡ, vụ đông xuân tới, nếu Sở Nông nghiệp và PTNT cho phép thì toàn bộ 265ha của HTX chúng tôi sẽ sản xuất gạo hữu cơ”.
Tại Hội chợ triển lãm quốc tế về khoa học công nghệ (SIIF) năm 2016 tổ chức ở Seoul (Hàn Quốc), sản phẩm phân bón Obi Ong Biển và công nghệ sản xuất phân bón Ong Biển được trao giải thưởng đặc biệt. SIIF có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với 639 công trình, sản phẩm. Sản phẩm phân bón và công nghệ sản xuất phân bón Obi Ong Biển là 1 trong 4 giải thưởng đặc biệt được trao tặng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã