Học tập đạo đức HCM

Xuân Lộc trước ngưỡng cửa nông thôn mới

Thứ bảy - 27/04/2013 04:32
Từng là “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn nên cuộc chiến đấu ở Xuân Lộc (Đồng Nai) diễn ra hết sức quyết liệt, giằng co giữa ta và địch. Tuy nhiên, trước quyết tâm phải phá bằng được cửa ngõ này để tiến về giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, ngày 21/4/1975, huyện Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng hoàn toàn. Nếu ai đã từng chiến đấu và sinh sống trên vùng đất này, nay trở lại đây, chắc chắn sẽ không nhận ra một Xuân Lộc ngày nào còn đầy gian khổ nữa.

 

Đất cũ vẫn còn đây, nhưng Xuân Lộc hôm nay đã hoàn toàn đổi khác. Điều gì đã làm Xuân Lộc thay đổi nhanh đến vậy? “Không có điều gì là kỳ diệu cả, mà chỉ với nghị lực và quyết tâm của Đảng bộ huyện đã biến những điểm không thuận lợi (một huyện miền núi, thuần nông, không có nhiều lợi thế…) trở thành thế mạnh của mình”, ông Nguyễn Văn Toàn, Bí thư huyện Xuân Lộc, cho biết.

Trạm y tế xã Xuân Định (Xuân Lộc, Đồng Nai) đạt chuẩn quốc gia. 
Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN


Năm 1991, huyện Xuân Lộc được tách thành 2 huyện: huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Xuân Lộc mới lúc này gồm những xã xa xôi hẻo lánh của huyện cũ. Nhân dân chủ yếu sống phụ thuộc vào nông nghiệp với những cây lúa, bắp, đậu… là chính. Đường sá đi lại vô cùng khó khăn, ngoại trừ tuyến quốc lộ 1A đi qua địa bàn huyện là đường nhựa, còn lại các tuyến đường của huyện hầu hết là đường đất đỏ. Mùa khô nắng nóng như đổ lửa, bụi đỏ mịt mù, còn mùa mưa, con đường là một cái “kênh” với bùn nhão, trơn trượt. Mỗi ngày người dân phải thức dậy từ sáng sớm mới kịp đi vào các nương rẫy xa xôi và mờ tối mới về đến nhà. Kinh tế của Xuân Lộc chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính (chiếm 85% tổng sản phẩm xã hội, với 90% lao động nông nghiệp), trình độ sản xuất thấp… sản lượng lương thực hàng năm của toàn huyện chỉ hơn 28.000 tấn, bình quân đầu người chưa đến 140 kg/năm. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ, thương mại - dịch vụ hầu như không đáng kể. Trong khi đó, hạ tầng cơ sở, giao thông nông thôn hầu hết là đường tạm, không có điện, cơ sở y tế, giáo dục rất nghèo nàn, đời sống nhân dân còn rất khó khăn... Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt gần 1,5 triệu đồng/người/năm. Hộ đói nghèo theo chuẩn cũ chiếm trên 20%...


Tập trung phát triển thế mạnh nông nghiệp


Thế mà trong tháng 4 này, nếu đi từ Bắc vào Nam bằng đường bộ theo tuyến quốc lộ 1A, sẽ cảm nhận được sự trỗi dậy của vùng đất này. Chỉ cần qua dải đất cát trắng cực Nam Trung bộ với cái nắng chói chang của Bình Thuận vào đến xã Xuân Hòa (xã giáp ranh Bình Thuận của huyện Xuân Lộc), một màu xanh mát mắt bắt đầu hiện ra với những vườn cây ăn trái, lúa, ngô… nối tiếp nhau ngút ngàn như không bao giờ dứt. Cũng trên tuyến đường này, những nếp nhà xây tươm tất, những ngôi trường khang trang với khuôn viên rộng rãi, những trạm y tế sạch sẽ, đạt chuẩn quốc gia... hiện dần lên trong mắt của người qua đường.


Để có bước tiến ngoạn mục trên, Xuân Lộc đã xác định thế mạnh kinh tế của huyện là nông nghiệp, nên đã tập trụng mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp. Dựa trên điều kiện tự nhiên, huyện đã quy hoạch thành 4 tiểu vùng sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ, bố trí cây trồng thích hợp. Trong đó, thủy lợi được huyện quan tâm hàng đầu. Nhiều hồ, đập nước được xây dựng như: hồ Gia Ui, Lang Minh, Gia Liêu 1 và 2, Núi Le, Ba Buồng, Suối Khỉ… cùng với 63 km kênh mương nội đồng, để tưới tiêu cho trên 30% diện tích đất nông nghiệp, tạo điều kiện để tăng vụ, tăng năng suất; đồng thời với việc áp dụng giống mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Ngay từ những năm 1993 - 1995, các cây trồng chủ lực như lúa, ngô, đậu xanh, bông vải, mía… được huyện áp dụng toàn giống mới, giống lai cho năng suất cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt. Đến nay, cây ngắn ngày trên toàn huyện đã được sử dụng 100% giống mới có năng suất cao, kháng được sâu bệnh; 80% diện tích cây công nghiệp lâu năm, cây ăn trái đã sử dụng giống mới có chất lượng cao và hiệu quả kinh tế… nhờ vậy đã tạo ra bước nhảy vọt về năng suất và sản lượng.


Đặc biệt, từ năm 1992, việc trồng thử nghiệm các loại giống mới đã được huyện tiến hành và đưa đến cuộc bứt phá ngoạn mục từ cây ngô lai. Đây là minh chứng cho sự sáng tạo và chủ động của Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Lộc. Xuân Lộc cũng là huyện đầu tiên được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao trồng thử nghiệm 3 kg giống ngô mà cố Thủ tướng đã mang về từ Thái Lan. Huyện đã trồng thành công, mang lại năng suất cao gấp 2-3 lần so với giống ngô cũ. Sự nhạy bén của Xuân Lộc đã đưa huyện trở thành vùng chuyên canh cây ngô lai có diện tích và năng suất lớn nhất tỉnh. Không những thế, huyện còn trở thành nơi tiếp cận và du nhập nhiều giống ngô mới của Viện Ngô quốc gia và của nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới. Hiện nay, năng suất ngô đạt từ 10 - 12 tấn/ha là chuyện bình thường của người dân Xuân Lộc.

Khuyến khích nhiều thành phần kinh tế


Với tư tưởng chỉ đạo khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần trong nông nghiệp, nông thôn, Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo, củng cố xây dựng kinh tế hợp tác, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, xây dựng các mô hình câu lạc bộ năng suất cao (CLBNSC). Đến nay toàn huyện đã có 23 hợp tác xã và 2 quỹ tín dụng nhân dân, với 5.627 xã viên, 817 trang trại với tổng diện tích 4.514 ha.


Xuân Lộc còn là huyện đầu tiên trong cả nước đã tổng kết từ thực tiễn để phát triển mô hình CLBNSC, làm cơ sở cho nông dân thực hiện phương thức hợp tác ở mức giản đơn, phù hợp với điều kiện của nông dân, từ đó tạo tiền đề vững chắc để đi lên hình thức hợp tác cao hơn: Liên hiệp CLB và hợp tác xã. Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và đã phát triển mạnh, có sức lan tỏa ra các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Hiện toàn huyện có 268 CLB với 9.471 hội viên. Xuân Lộc cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập được 15 Liên hiệp CLB trên cơ sở liên kết các CLB, tạo nên hình thức hợp tác mới hiệu quả hơn. Được biết, bình quân hằng năm, giá trị của các CLBNSC tạo ra chiếm 17% giá trị sản xuất nông nghiệp, dù diện tích các CLB chỉ chiếm trên 10% diện tích đất nông nghiệp trong toàn huyện.


Song song với phát triển nông nghiệp, huyện đã chú trọng phát triển các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn. Nếu như năm 1991, toàn huyện chỉ có 157 cơ sở CN-TTCN với giá trị sản xuất chỉ 150 tỷ đồng/năm, tỷ trọng CN chỉ chiếm 3,2% trong cơ cấu kinh tế, thì đến nay huyện đã có 1.070 cơ sở CN-TTCN, thu hút trên 19.000 lao động, với giá trị sản xuất đạt 4.800 tỷ đồng/năm, chiếm 41% cơ cấu kinh tế. Cùng với đó, kinh tế dịch vụ từ 11,1% năm, nay đã tăng lên 26,5%. Thu ngân sách của huyện từ 3,5 tỷ đồng năm 1991 nay đã tăng lên trên 220 tỷ đồng. Từ đấy, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt gần 20 triệu đồng/năm, tăng gấp 8,6 lần so với năm 1991.


Bên cạnh đó, từ chỗ chưa có xã nào trong huyện có điện, thì đến nay, 15/15 xã, thị trấn của huyện đã sử dụng điện lưới quốc gia, với số hộ sử dụng điện trên 99%. Nổi bật nhất là các tuyến đường giao thông do huyện và xã quản lý đến nay đã được nhựa hóa, đạt tỷ lệ 46% đường huyện, 57% đường xã, thị trấn. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh từ 38,1% năm 1991 đã tăng lên 98% hiện nay. Ngoài ra, 50% số trường học của huyện đến nay đã đạt chuẩn quốc gia, cao hơn nhiều so với bình quân chung của toàn tỉnh. Đặc biệt có rất nhiều con em trong huyện khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng đều trở về phục vụ quê hương. Trong đó, có nhiều em đã đảm nhận chức vụ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cấp xã và huyện. Hiện toàn huyện đã có 100% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.


Những thành công trên là tiền đề để Xuân Lộc nhanh chóng đưa từ 70 - 80% số xã trong toàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM ) vào năm 2015. Hiện nay, ngoài xã Xuân Định đã đạt và vượt 19/19 nhóm tiêu chí NTM trước đó, thì trong năm 2012, huyện đã có thêm xã Bão Hòa, Xuân Thọ và Suối Cao đạt 19/19 nhóm tiêu chí. “Mục tiêu đề ra của huyện là hoàn toàn có căn cứ. Hiện nay, huyện đã triển khai tốt và có hiệu quả về việc tổ chức thực hiện 14 nhóm giải pháp theo đề án xây dựng NTM của tỉnh và 8 nhóm giải pháp của Huyện ủy, đảm bảo đúng lộ trình và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, khẳng định.


Mặc dù đã có những chuyển biến rõ rệt, huyện Xuân Lộc vẫn khiêm tốn nhìn nhận, thành công trên chỉ là bước đầu, vì phía trước vẫn còn nhiều khó khăn và trăn trở. Thế nhưng mỗi người dân Xuân Lộc đều có quyền tự hào về những năm tháng gian khổ đã qua và những con số thành tựu đạt được trên đều có công lao đóng góp, hy sinh xương máu của nhiều thế hệ.

 

Lê Hiền
Theo baotintuc.vn

 Tags: xuân lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập206
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm201
  • Hôm nay21,842
  • Tháng hiện tại214,935
  • Tổng lượt truy cập92,592,599
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây