Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận với Báo NNVN và cho biết, hơn 2 năm qua, từ ngày Ủy ban Châu Âu (EC) áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ vàng” đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, Bình Thuận đã đồng hành cùng cả nước thực hiện các biện pháp quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tỉnh nỗ lực khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, trước hết là tại các địa phương vùng biển.
Từ đó, nhận thức về pháp luật chống khai thác IUU của một bộ phận ngư dân được nâng lên, tạo sự chuyển biển về ý thức chấp hành pháp luật trong thực tế. Số tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt và bước đầu được ngăn chặn.
Đặc biệt, từ tháng 7/2019 cho đến nay, tàu cá Bình Thuận không còn vi phạm vùng biển nước ngoài. Tình trạng thuyền nghề giã cào bay khai thác sai tuyến có chiều hướng giảm, không để gây bức xúc trong ngư dân làm nghề ven bờ như các năm trước.
Cũng theo ông Chiến, đối với việc quản lý, giám sát hoạt động tàu cá trên biển, tính đến cuối tháng 3/2020, toàn tỉnh có gần 1.000 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Trong đó, đã hoàn thành lắp đặt 34/34 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên, còn lại gần 950 tàu cá 15m đến dưới 24m đang được các lực lượng chức năng của tỉnh triển khai quyết liệt các biện pháp để chủ tàu thực hiện việc lắp đặt.
“Những tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, chúng tôi lập danh sách gửi đến UBND huyện, thị xã, thành phố vùng biển và UBND cấp xã, nơi có tàu chưa lắp đặt, để thông báo thời hạn cho từng chủ tàu, phối hợp các lực lượng chức năng (biên phòng, thanh tra thủy sản) kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu lắp đặt thiết bị.
Lực lượng kiểm ngư, biên phòng triển khai đồng loạt công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa biển, khu vực neo đậu, để kiểm soát tàu cá theo danh sách được cung cấp, yêu cầu chủ tàu/thuyền trưởng thực hiện lắp đặt.
Riêng đối với nhóm tàu cá đã quá hạn, phải cảnh cáo nghiêm khắc, kiên quyết không cho xuất bến đi biển và yêu cầu thực hiện ngay việc lắp đặt. Các trường hợp tàu cá đang đi biển, hoặc di chuyển ngư trường neo đậu, xuất bến tại các tỉnh khác, yêu cầu chủ tàu hoặc người nhà thông báo ngay cho thuyền trưởng phải thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Nếu quá thời hạn mà chưa thực hiện lắp đặt thì các lực lượng chức năng lập hồ sơ xử lý theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP hoặc chuyển thông tin đến cơ quan chức năng tỉnh bạn lập hồ sơ xử lý”, ông Chiến nói tỉnh sẽ xử lý nghiêm đối với tàu cá không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Về thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản thông qua hai đợt kiểm tra của Đoàn Công tác Trung ương về chống khai thác IUU trong năm 2019, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Ban Quản lý các cảng cá, Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng cá nghiêm túc khắc phục các hạn chế, thiếu sót, sai lỗi trong hoạt động kiểm soát tàu cá, giám sát sản lượng hải sản qua cảng và xác nhận nguồn gốc hải sản từ khai thác.
Cụ thể, các Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá tổ chức trực nghiêm túc, đảm bảo thành phần 3 lực lượng (Thanh tra Thủy sản, Biên phòng, Ban Quản lý cảng cá) theo Quyết định thành lập.
Cũng như thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, kiểm soát nhóm tàu cá theo đúng quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT, nhất là tàu cá chiều dài từ 24m trở lên và nhóm tàu khai thác xa bờ, tàu làm nghề lưới kéo.
Các Ban quản lý cảng cá được chỉ định phải trang bị phương tiện cần thiết để giám sát sản lượng qua cảng; tổ chức in ấn mẫu nhật ký, báo cáo khai thác cấp cho tàu cá khi cập cảng, rời cảng; thực hiện nghiêm túc quy trình xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT.
Bên cạnh đó, việc xử lý các hành vi khai thác IUU được tỉnh Bình Thuận thực hiện nghiêm túc. Như năm 2019, tỉnh đã xử lý 413 trường hợp vi phạm khai thác IUU, phạt tiền 3,24 tỉ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản 31 trường hợp và 6 chứng chỉ thuyền trưởng.
Ông Chiến đề xuất để thực hiện khuyến nghị của EC và đưa Luật Thủy sản 2017 vào thực tiễn, Trung ương cần ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân thực hiện giảm số lượng tàu cá, giảm và chuyển đổi các nghề xâm hại môi trường và nguồn lợi thủy sản (nhất là nghề lưới kéo). Cũng như hỗ trợ các địa phương sắp xếp, cơ cấu lại hoạt động khai thác, hỗ trợ công tác bảo vệ, bảo tồn, tái tạo, duy trì bền vững nguồn lợi thủy sản.
Bên cạnh đó, hiện tỉnh có trên 7.000 tàu cá các loại và khoảng 2.000 tàu cá từ các tỉnh bạn thường xuyên hoạt động.
Tuy nhiên nhiều khu vực trọng điểm nghề cá như Mũi Né, Chí Công, Ba Đăng đã được quy hoạch xây dựng khu tránh bão, bến cá từ nhiều năm trước nhưng chưa có kinh phí đầu tư.
Do đó tỉnh rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 tới đây.
Nguồn tin: Kim Sơ - VC/nongghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã