Học tập đạo đức HCM

Cần ưu tiên đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn

Thứ bảy - 13/06/2020 05:08
KTNT Ngày 12/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Cần ưu tiên đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn

Theo Tờ trình của Chính phủ, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn sinh thủy, gắn với các công trình thủy điện quốc gia vừa cung cấp điện, vừa cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du và khu vực đồng bằng.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, đạt được thành tựu to lớn, cơ sở hạ tầng KT-XH và đời sống của đồng bào sinh sống ở vùng DTTS&MN đã được cải thiện rõ rệt nhưng hiện nay, vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do vùng đồng bào DTTS&MN chủ yếu là núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng KT-XH kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp; biến đổi khí hậu, sự cố môi trường diễn ra nghiêm trọng và khó lường… Chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển KT-XH.

Bên cạnh đó, Chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng còn nhiều đầu mối xây dựng, quản lý, theo dõi; nguồn lực phân tán, dàn trải; chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp; chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy nội lực của đồng bào để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS&MN.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đã được chỉ ra trong Báo cáo số 426/BC-CP của Chính phủ; là giải pháp quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Ưu tiên có trọng tâm

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu), phạm vi, đối tượng, địa bàn thực hiện Chương trình cần đặt trong mối tương quan với các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện.

Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ chỉ tập trung vào vùng dân tộc miền núi có tỉ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên tại địa bàn các xã, thôn khó khăn khu vực 1, 2 và 3, song đại biểu cũng đề nghị, việc tích hợp chính sách cần được quan tâm, rà soát kỹ hơn. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh một trong những yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 88 của Quốc hội là tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng, bảo đảm nâng cao hiệu quả, hiệu lực đầu tư. Đặc biệt ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho vùng đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua rà soát các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện và chương trình mục tiêu quốc gia Chính phủ đang đề xuất giai đoạn 2021-2030, theo đại biểu Toàn, có sự trùng lắp về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động và địa bàn thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị Chính phủ cần tổng kết đánh giá kết quả, làm rõ việc tiếp tục thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới; rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ của 6 dự án thành phần có nội dung trùng lắp, khẳng định các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đã và đang triển khai thực hiện cho giai đoạn tới sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào?

“Trên cơ sở đó xác định rõ đối tượng, cơ chế phối hợp, tiêu chí phân bổ nguồn lực đầu tư tập trung hơn, hạn chế loại bỏ những dự án không phù hợp và có điều chỉnh cần thiết nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi. Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các mục tiêu đang đặt ra ở Nghị quyết 88 của Quốc hội”, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn kiến nghị.

daibieuhoangthutrangnghean.jpg
 

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, Nghệ An.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An), để tránh chính sách ban hành không thực hiện được, dàn trải, lãng phí, không ảnh hưởng đến thực hiện các chương trình khác cần, xây dựng lộ trình theo giai đoạn và hằng năm.

Đặc biệt, cần xác định những việc làm cụ thể theo hướng chọn một dự án trọng tâm, trọng điểm, những dự án mang tính cấp thiết, đột phá, dẫn dắt để làm trước. “Thay vì thực hiện đồng thời cả 10 dự án trong Chương trình, giai đoạn đầu chỉ nên tập trung thực hiện một số dự án như Dự án tập trung giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; dự án ổn định, phát triển dân cư; dự án phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng, phát triển giáo dục. Có như vậy mới thực hiện nguyên tắc được Nghị quyết 88 của Quốc hội đặt ra là ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực đầu tư, đại biểu đoàn Nghệ An nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận nhiều ý kiến của các ĐBQH cho rằng, các dự án thành phần đã được thiết kế trong Chương trình tương đối rõ ràng.Tuy nhiên còn có nhiều mục tiêu, nhiệm vụ dàn trải, chưa có sự ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Vì vậy, Chính phủ cần chú trọng đáp ứng được mục tiêu này để tập trung phát triển kinh tế, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

Chính sách phải trực tiếp tới từng người dân

Theo đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), mục tiêu cuối cùng là chương trình phải vào được đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thực sự bộ mặt của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; những chính sách này phải trực tiếp tới từng gia đình, từng người một, nhất là các chương trình, chính sách về bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em.

“Tôi nghĩ đây là chương trình hạt nhân để tất cả chúng ta quan tâm, không chỉ là những chương trình của Chính phủ, Nhà nước mà mọi người khi có tấm lòng quan tâm thì đây là hạt nhân để xã hội tiến bộ hơn”, đại biểu Sơn nói.

Đề cập đến nguồn lực thực hiện Chương trình, đại biểu cho rằng, nguồn lực Chính phủ phê duyệt trên 137.000 tỷ đồng là nền tảng chứ chưa thể đáp ứng được các ý tưởng trong Chương trình này. Vì thế, theo đại biểu, vấn đề xã hội hóa ở đây không chỉ là huy động các doanh nghiệp, đơn vị mà các tổ chức và chính quyền các cấp.

Trong phân bổ nguồn lực của Chương trình, tỷ lệ gói tín dụng cho người dân trên 19.000 tỷ đồng là còn ít. Cần hỗ trợ lãi suất để người dân chủ động vay ở các ngân hàng để sản xuất, phát triển nâng cao đời sống, thu nhập cũng như vật chất, tinh thần, văn hóa. Đại biểu lưu ý, không việc gì phải chi cho hoạt động của Ban quản lý các dự án mà cần chi cho các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người dân để thu hút được các nguồn lực khác. 

Liên quan đến dự án thứ 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Đại biểu cho rằng, để thực sự hướng đến bình đẳng giữa phụ nữ dân tộc với phụ nữ miền xuôi, với phụ nữ đô thị thì cần tính toán thế nào cho hiệu quả. Ngoài tiêu chí quy định cụ thể thì cần đưa vào lồng ghép chỉ tiêu, tiêu chí ở tất cả các đề án phải có nội dung này. 

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, HĐND các cấp cần vào cuộc giám sát việc tổ chức thực hiện ngay từ đầu khi triển khai, không chủ quan để ảnh hướng đến uy tín của Chương trình, mong muốn của người dân. Ngoài việc Quốc hội bàn cụ thể thì tổ chức, chỉ đạo thực hiện cần quan tâm đồng bộ, không chỉ đồng bào dân tộc miền núi mà các địa phương, tỉnh, thành phố phải tạo điều kiện để hỗ trợ cho Chương trình này. 

Hỗ trợ mô hình liên kết người dân – doanh nghiệp

Tán thành với dự án được Chính phủ trình liên quan đến tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, song từ thực tế, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang nhận thấy, một trong những khó khăn của vùng đồng bào dân tộc miền núi là sản xuất không có đầu ra, bấp bênh, được mùa mất giá, được giá mất mùa, nhiều khi người dân không có động lực sản xuất.

Để giải quyết vấn đề này, theo đại biểu, cần quan tâm hỗ trợ mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để bảo đảm đúng định hướng doanh nghiệp đi đầu, dẫn dắt bà con. Thực hiện như vậy, doanh nghiệp không cần quá nhiều đất, trong khi nhiều hộ dân tộc không có đất sản xuất, mà người dân được canh tác trên chính mảnh đất của mình, không phải lo về kỹ thuật, đầu ra sản xuất.

Người dân làm được sản phẩm nào được doanh nghiệp thu mua, có tiền tươi thóc thật sẽ rất phấn khởi. Tuy nhiên, trong thực tiễn mô hình này cũng chưa thực sự mạnh mẽ do có một số khó khăn: nhiều khi người dân chưa “chung thủy” với doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp chưa ổn định.

“Thiết nghĩ Nhà nước nên có giải pháp hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp. Cần nghiên cứu triển khai tiểu dự án tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân”, đại biểu đề nghị. 

Nhà nước không quyết định thay người dân

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hỗ trợ có điều kiện, nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều đại biểu rất quan tâm. Do vậy, nếu địa phương không quyết liệt, đồng bào không chủ động tích cực trở thành một cuộc vận động xã hội lớn khi có vốn của Trung ương chưa chắc đã giải ngân được.

dan-toc.jpg
Người dân huyện Mộc Châu (Sơn La) thu nhập ổn định nhờ việc chọn phát triển cây chè chất lượng cao. Ảnh: truyenhinhdulich

Về xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, làng nghề phải phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, văn hóa, tập quán của các dân tộc, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho rằng ý kiến này rất sát thực tiễn, đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân.

“Chúng ta đã có nhiều bài học không thành công về sự áp đặt theo ý chủ quan. Do vậy, đề xuất trong chương trình mang tính hướng dẫn, chủ yếu xây dựng mô hình để người dân tham khảo. Mô hình này theo miền, vùng chứ không phải một mô hình cho toàn quốc.

Việc đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì, làm dịch vụ nghề gì có hiệu quả là do địa phương và người dân quyết định. Đúng như phương châm đã xác định, dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi, nhà nước hướng dẫn, cung cấp thông tin chứ không quyết định thay người dân”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tin tưởng rằng, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, không cam chịu đói nghèo, vượt qua chính mình để hòa nhập và phát triển cùng với đất nước.

Địa bàn đặc biệt khó khăn sẽ được ưu tiên cao nhất

Về mối quan hệ của chương trình này với 2 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết nội dung này đã được Hội đồng thẩm định nhà nước làm rõ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chương trình này được Quốc hội đặc biệt quan tâm phê duyệt trước, hai chương trình sau sẽ không điều chỉnh đối tượng trùng vào chương trình này nữa.

Về một số ý kiến đại biểu cho rằng, định mức đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa bàn đặc biệt khó khăn vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các cơ quan chủ trì hai chương trình nghiên cứu một cách thận trọng, chắc chắn, để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội.

Trong đó, bảo đảm địa bàn đặc biệt khó khăn sẽ được ưu tiên đầu tư ở mức cao nhất theo đúng theo Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về triển khai nhiệm vụ năm 2020 là ưu tiên bố trí nguồn lực, thực hiện các đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng này vừa được Quốc hội phê duyệt tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua.

Sớm hoàn thành bộ tiêu chí phân định vùng phát triển

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: “Chúng ta cùng khẳng định, chính sách dân tộc đã được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành và người dân ở các địa phương tập trung thực hiện. Thực tiễn đã cho thấy, nước ta thực hiện thắng lợi và có hiệu quả cao, đạt kết quả tốt đẹp về chính sách dân tộc, đời sống của đồng bào từng bước được nâng lên”.

Việc Chính phủ trình Quốc hội các chính sách cụ thể để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia là tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 88 của Quốc hội. Với tinh thần này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ: Các đại biểu Quốc hội đều nhất trí, Quốc hội phải có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025.

Các ý kiến đều tập trung yêu cầu, Chính phủ cần có đầu tư trọng tâm, trọng điểm để đồng bào giảm nghèo nhanh nhưng phải bền vững để thu hẹp khoảng cách phát triển và mức sống giữa miền núi và miền xuôi, giữa khu vực thuận lợi và khó khăn, để tiếp tục chăm lo đến đời sống của đồng bào; đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số; chăm lo giữ gìn đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào, bác bỏ các hủ tục lạc hậu; chăm lo sức khỏe của đồng bào; chăm lo cho phụ nữ và trẻ em; phát huy truyền thống đoàn kết để bảo vệ vững chắc an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên giới …

Các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu, phải thực hiện cho được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 88 của Quốc hội. Do đó, cần tiến hành đánh giá kỹ các nội dung chương trình, bảo đảm đúng đối tượng. Trong đó xác định đối tượng là các xã, thôn, bản dân tộc thiểu số; các hộ gia đình, cá nhân dân tộc thiểu số; là các hộ gia đình, cá nhân dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số; các doanh nghiệp, hợp tác xã… hoạt động ở vùng này. 

Các đại biểu Quốc hội nhất trí chia chương trình thành hai đoạn thực hiện như Tờ trình của Chính phủ. Kinh phí thực hiện chương trình từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác do Chính phủ huy động và quản lý chặt chẽ.

Về nguyên tắc thực hiện việc điều hành các nguồn vốn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, phải công khai, minh bạch, đúng luật pháp, chống tiêu cực ở ngay trong việc điều hành nguồn ngân sách đặc biệt này. Cùng với đó, cần chú ý nhóm dân tộc khó khăn, đặc biệt khó khăn còn rất ít người.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, muốn thực hiện các nội dung của Chương trình, phải sớm hoàn thành bộ tiêu chí phân định vùng phát triển của khu vực dân tộc, miền núi để thực hiện tốt các dự án thành phần, nhất là dự án giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giáo dục, dạy nghề, việc làm…

Chương trình gồm 10 dự án thành phần

Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của hộ dân tộc thiểu số.

Dự án 2: Quy hoạch sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.

Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.

Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

==

Thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm (2021-2030), chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.

Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 137.664,95 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương tối thiểu 104.954,01 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển tối thiểu 50.629,16 tỷ đồng. Tổng vốn thực hiện giai đoạn 2026-2030 dự kiến 134.270,70 tỷ đồng.

 
V.N (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập203
  • Hôm nay55,762
  • Tháng hiện tại607,154
  • Tổng lượt truy cập92,984,818
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây