Là giáo viên trường THCS Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên, ngoài thời gian lên lớp hàng ngày, cô Nguyễn Thị Tuyến vẫn tranh thủ trồng và thu được hơn tạ nấm ăn/ngày để cung ứng cho thị trường Hà Nội.
Để đảm bảo hài hòa được 2 việc làm nói trên, cô Tuyến đã chọn đối tượng nuôi trồng là nấm sò tím và chỉ tiến hành sản xuất 2 khâu cuối cùng trong chuỗi giá trị nấm ăn – nuôi trồng từ bịch phôi (giá thể đã vào bịch và cấy giống) đến sản phẩm nấm tươi đưa ra thị trường. Theo đó cứ khoảng đầu tháng 8 hàng năm, cô Tuyến lại đặt mua 5-6 nghìn phôi nấm về treo trong nhà vườn và chăm sóc tới thu hoạch, xuất bán ra thị trường.
Để giảm được thời gian chăm sóc nấm, cô Tuyến đã đầu tư hệ thống tưới phun sương tự động cho các nhà nuôi trồng nấm. Để phát triển thị trường và tiêu thụ nhanh gọn sản phẩm ngay sau khi thu hoạch, cô thường xuyên giữ mối liên hệ với thương lái và những người mua ăn nhỏ lẻ, thông qua mạng di động miễn phí, như Facebook, Messenger, Zalo,... kết hợp với thuê bao trọn gói.
Theo cô Tuyến: Trong sản xuất nấm sò thì công đoạn trồng từ bịch phôi đến thu hái, bao tiêu sản phẩm là đơn giản nhất, lợi nhuận tuy thấp (khoảng 10.000 đồng/1 bịch/1 vụ 3-4 tháng), nhưng được cái nhẹ vốn, chắc ăn, tốn ít công lao động và có thể mua phôi trả chậm. Nếu thực hiện đầy đủ qui trình sản xuất nấm từ A đến Z (tìm mua nguyên liệu, xử lý nguyên liệu, đóng bịch, thanh trùng bịch, cấy giống, nuôi trồng, thu hái và tiêu thụ) phải cần nhiều lao động, phải tuân thủ kỹ thuật sản xuất khắt khe, mới có thể sản xuất đạt hiệu quả.
Hơn nữa, nguyên liệu (mùn cưa) cho trồng nấm hiện nay, không còn thuần mùn cưa như trước kia, mà còn có cả mùn gỗ nghiền trong chế biến ván ép công nghiệp, nên cấy giống rất khó sống, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, mới có thể gia công được các bịch phôi từ dạng nguyên liệu này. Kể cả rơm rạ cho trồng nấm rơm bây giờ, cũng không còn sạch như xưa. Do khi canh tác, nhà nông đã lạm dụng nhiều loại thuốc BVTV. Nên đưa giống vào cấy không phát triển thành sợi (giống bị chết do dư lượng thuốc trừ sâu bệnh trên rơm rạ).
Khi được hỏi về kinh nghiệm sản xuất nấm từ bịch phôi mua sẵn, cô Tuyến đã tiết lộ: "Các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nên bắt đầu trồng nấm sò từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 4 dương lịch. Vào những năm nắng nóng nhiều, nên lùi thời vụ sang đầu tháng 9.
Nhiệt độ thích hợp nhất cho nấm sò phát triển là từ 15 độ C - 28 độ C, độ ẩm không khí 80-90%. Nhà trồng nấm phải khuất nắng, kín gió, có ánh sáng tự nhiên. Bịch phôi mua về để nơi thoáng mát, tới khi thấy sợi nấm lan kín, trắng đều đồng nhất từ trên xuống đáy bịch, thì tiến hành rạch 5-6 vết so le nhau, cách đều quanh bịch, chiều dài vết rạch 2-3cm, sâu 2cm, rồi mang treo lên các thanh xà trong nhà đã chuẩn bị trước. Sau rạch bịch 7-10 ngày, không được tưới vào quả phôi, nhưng vẫn phải tưới ướt nền và xung quanh nhà.
Khi các mầm nấm nhú ra từ vết rạch mới tiến hành tưới phun sương. Cây nấm rất mẫn cảm với nước. Thiếu nước nấm chậm phát triển, cây nhỏ, nhẹ cân, ăn dai. Thừa nước, nấm chuyển màu vàng, dễ thối. Đủ nước là bề mặt mủ nấm luôn có lớp hơi như sương mỏng trắng mờ. Tuỳ theo lượng nấm ra nhiều hay ít, to hay nhỏ, độ ẩm không khí cao hay thấp, mà điều chỉnh lượng nước tưới và số lần tưới phù hợp. Bình thường mỗi ngày tưới 3-4 lần.
Những ngày ẩm ướt, có gió nồm thì không cần tưới, chỉ mở cửa nhà cho không khí lưu thông đưa hơi nước bên ngoài vào là đủ. Những ngày hanh khô hoặc nắng nóng gió tây, có thể tưới 5-7 lần/ngày và phải che kín các cửa. Từ sau nấm nhú mầm, cần mở cửa nhiều lần trong ngày, để tăng lượng ô xy trong nhà, tăng chất lượng nấm.
Thu hoạch nấm phải đúng tuổi (rìa mủ nấm vẫn co vào trong, thịt nấm dày chắc và non). Thu nấm quá tuổi chất lượng sẽ giảm. Thời tiết nóng ẩm, nấm phát triển rất nhanh, cần thu hái nấm 2-3 lần/ngày. Sau mỗi vụ nuôi trồng, phải để cho nhà nghỉ 20-30 ngày. Đồng thời tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong, ngoài nhà bằng vôi bột, nước vôi trong và hóa chất.
Bằng cách làm nói trên, năm nào cô Tuyến cũng xuất bán ra thị trường 3-4 tấn nấm tươi sạch, trừ mọi chi phí vẫn còn để dư ra được trên 100 triệu đồng (chưa tính thu nhập từ lương giáo viên hàng tháng). “Nhu cầu nấm ăn trên thị trường còn rất lớn. Sản phẩm rất dễ bán. Chợ Long Biên, Hà Nội là đầu mối tiêu thụ nấm ăn lớn nhất miền Bắc”, cô Tuyến bật mí.
Theo Nguyễn Hải Tiến/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;