Để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ chế, chính sách riêng để phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng mà chỉ có các cơ chế chính sách phát triển ngành Du lịch như Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 13/7/2016 về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 12/5/2017 về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 (sửa đổi, bổ sung), trong đó có nội dung “Nghiên cứu, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với phát huy các làng nghề truyền thống”. Các chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch giai đoạn 2011 - 2020 như nâng cấp đường vào khu Nhà thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; lát vỉa hè đường khu du lịch Phong Nha (trục 32m); đường từ nhánh Đông đường Hồ Chí Minh vào khu du lịch sinh thái Trằm Mé (Phong Nha - Kẻ Bàng) giai đoạn I; cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng giai đoạn 2; Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” đã được tỉnh phê duyệt; lập Đề án và triển khai thực hiện phát triển sản phẩm Làng Văn hóa du lịch Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch; đang triển khai lập Đề án phát triển sản phẩm Làng Văn hóa du lịch Cự Nẫm, huyện Bố Trạch.
Cùng với đó, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ người nông dân vay vốn kinh doanh du lịch như xây dựng homestay, xây dựng nhà hàng, cơ sở bán hàng phục vụ khách du lịch; hộ gia đình tham gia hoạt động du lịch homestay gắn với phát triển nông thôn thông qua tiền mặt, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn... Hiện, huyện đã thành lập 04 Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống trên địa bàn và hỗ trợ ban đầu mỗi Câu lạc bộ 60 triệu đồng; 55 nhà nghỉ cộng đồng (homestay) xây mới, mỗi nhà 15 triệu đồng; 03 mô hình sản xuất sản phẩm lưu niệm, mỗi mô hình 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng là loại hình phát triển du lịch mới nên chưa có quy hoạch phát triển cụ thể. Sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện giữa các cấp ngành, trong đó giữa ngành Nông nghiệp và ngành Du lịch chưa chặt chẽ nên việc khai thác tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực này còn hạn chế. Nhận thức của người dân ở một số nơi còn thiếu đầy đủ, chưa thấy được hiệu quả trong đầu tư khai thác giá trị sản xuất nông nghiệp trong việc gắn kết với phát triển du lịch và xem đây là một hoạt động có thể mang lại nguồn thu nhập đáng kể ở nông thôn. Người nông dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thuần túy, chưa quen việc làm du lịch, vì vậy, kiến thức về quản lý, tổ chức dịch vụ, kỹ năng, nghiệp vụ giao tiếp, trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu. Sản phẩm du lịch nông nghiệp nhìn chung vẫn còn thiếu tính độc đáo và thiếu chuyên nghiệp do phát triển còn mang tính phong trào, tự phát nhỏ lẻ, thiếu định hướng, thiếu sự trợ giúp kịp thời của các đơn vị liên quan cũng như sự hợp tác, liên kết của đơn vị kinh doanh du lịch. Phần lớn hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách mang tính tự cung, tự cấp từ các hộ gia đình sản xuất nên không có thương hiệu, mẫu mà, chưa hấp dẫn khách du lịch. Hoạt động trưng bày, trình diễn quy trình sản xuất, hướng dẫn làm các loại sản phẩm trên chưa được khai thác nhiều. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, hạ tầng tại các điểm du lịch nông nghiệp chưa phát triển, chưa hoàn thiện, nhất là các công trình hạ tầng về vệ sinh, môi trường, xử lý rác thải chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều khu du lịch sinh thái dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng được nhu cầu khách du lịch ở mức đơn giản. Hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá cho du lịch nông nghiệp chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, có tính hệ thống…
Để đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp quản lý, hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, đó là: Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá về phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đến tầng lớp cán bộ và Nhân dân hiểu được lợi ích, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP gắn với du lịch; tiếp tục triển khai thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, trong đó chú trọng phát triển nhóm sản phẩm du lịch nông thôn, điểm du lịch cộng đồng nhằm khai thác thế mạnh về du lịch, các giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh. Mặt khác, để tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng, chỉnh trang hệ thống hạ tầng du lịch nói chung và phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng nói riêng, trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch Quảng Bình trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm, quy hoạch có liên quan đến phát triển du lịch đã phê duyệt nhằm điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; lựa chọn các nội dung ưu tiên, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, sản phẩm OCOP, đặc trưng mang tính vùng miền phục vụ phát triển du lịch; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn giúpp tránh sự trùng lặp, đơn điệu về sản phẩm, khai thác dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có, làm ảnh hưởng đến môi trường.
Cùng với đó, các ngành, địa phương căn cứ tình hình thực tế ban hành các chính sách cụ thể để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trong thời gian tới; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng sản xuất, hạ tầng phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp kết hợp làm du lịch; trước mắt ưu tiên đầu tư nguồn lực dể hỗ trợ phát triển du lịch tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, phát triển các khu, điểm du lịch, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch; triển khai thực hiện tốt các chương trình về xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện tốt chính sách tín dụng; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đối với việc phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp nâng cao giá trị giá tăng trong sản xuất nông nghiệp, sản phẩm làng nghề nông thôn, sản phẩm OCOP thông qua việc gắn kết với các hoạt động du lịch trải nghiệm, là một hướng đi tất yếu trong phát triển kinh tế nông thôn; đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, du lịch trang trại, du lịch sinh thái; triển khai hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp và phát triển du lịch nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia kinh doanh trong các khu, điểm du lịch, ưu tiên sử dụng các sản phẩm nông nghiệp địa phương để phục vụ du khách; tăng cường các hoạt động thúc đẩy liên kết phát triển du lịch và nông nghiệp nông thôn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Song song với đó, để quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, tỉnh tăng cường liên kết giữa các bên trong phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đó là nông dân, chủ thể sản xuất, doanh nghiệp, lữ hành, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý du lịch, quản lý nông nghiệp; phát huy vai trò của công ty lữ hành trong việc kết nối với chủ thể hoạt động du lịch nông nghiệp trong việc đưa du khách đến tham quan, lưu trú mua sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP; xây dựng chương trình chung về phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn; phát triển các tour đưa khách du lịch đến vùng nông thôn để khai thác giá trị trong không gian sống, cảnh quan môi trường, chú trọng phát triển dịch vụ kèm theo như ăn uống, nghỉ ngơi, lưu trú, sinh hoạt tại cộng đồng để tăng nguồn thu nhập cho người dân…
Theo Minh Huyền/quangbinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã