Học tập đạo đức HCM

Đổi thay ở Yên Dương

Chủ nhật - 12/07/2020 10:34
Yên Dương là xã miền núi xa trung tâm huyện Tam Đảo, điều kiện tự nhiên hạn chế, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân còn nhiếu khó khăn. Những năm qua, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa đã giúp Yên Dương cải thiện hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước thu hẹp dần khoảng cách của xã với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Bàng Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Yên Dương, từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình 135, xã đã tiến hành tu sửa hệ thống thủy lợi, kiên cố hoá đường giao thông liên xã. Có đủ nước tưới, bà con nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Cùng với đó, nhiều chương trình chuyển giao kỹ thuật được triển khai trên địa bàn xã làm thay đổi cơ bản tư duy sản xuất của bà con. Ngày càng có nhiều nông dân biết đầu tư thâm canh, sản xuất theo hướng hàng hóa để cung ứng cho thị trường. Người nông dân xã Yên Dương không còn lo miếng ăn nữa mà đã tính toán đến phát triển kinh tế, làm giàu  theo hướng trang trại, kinh doanh dịch vụ.

Ông Khổng Minh Hoạch, nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Dương -  người lăn lộn với chương trình 135 hàng chục năm qua để đưa xã Yên Dương vươn lên chia sẻ: "Trước đây, xã Yên Dương là một vùng quê nghèo với nhiều cái không: Không điện, không đường, không trạm… với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, Yên Dương đã thay da đổi thịt. Nếu thiếu đi sự hỗ trợ từ chương trình 135 thì phải mất nhiều năm hoặc lâu hơn thế, Yên Dương mới có thể thoát khỏi cảnh đói, nghèo và khó có thể cùng với các xã Đạo Trù, Bồ Lý ra khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn của huyện Tam Đảo."

Mô hình chăn nuôi thỏ của anh Nguyễn Mạnh Thắng
tại thôn Quang Đạo đem lại hiệu quả kinh tế cao

Đến thăm mô hình chăn nuôi thỏ của vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Thắng tại thôn Quang Đạo, chúng tôi nhận thấy nỗ lực vượt lên chính mình bằng khát vọng làm giàu cho bản thân và cho quê hương của người dân vùng đất khó. Tốt nghiệp Trường đại học Nông Nghiệp Hà Nội I, anh Thắng vào làm tại Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, chi nhánh Vĩnh Phúc. Mặc dù mức lương khá ổn định song chàng kỹ sư trẻ vẫn luôn ấp ủ ý định trở về quê hương phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2010, anh Thắng bàn với vợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách huyện đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi gà đẻ. Lần đầu khởi nghiệp, do kinh nghiệm chưa nhiều, giá cả thị trường bấp bênh, nguồn vốn hạn hẹp, anh gặp thất bại. Năm 2015, giữa lúc trăn trở tìm hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi, anh Thắng được giới thiệu về mô hình nuôi thỏ trắng New Zealand. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy đây là cơ hội để phát triển kinh tế gia đình,  anh quyết định chuyển đổi mô hình, đầu tư vốn mua thỏ giống về nuôi.

Thời gian đầu, anh Thắng đưa vào nuôi thử nghiệm gần 100 con thỏ trắng New Zealand, vừa nuôi anh vừa học hỏi, tự rút kinh nghiệm. Sau 3 tháng nuôi, anh Thắng xuất bán lứa thỏ thương phẩm đầu tiên thu lãi 40 nghìn đồng/con. Đến nay, vợ chồng anh đã nhân rộng mô hình nuôi thỏ với tổng mức đầu tư gần 1,5 tỷ đồng, trên diện tích gần 2.000m2. Với 2 khu chuồng trại riêng biệt, anh Thắng đang nuôi 400 cặp thỏ bố mẹ và 3.500 thỏ thương phẩm. Trung bình 1 năm, trang trại của anh xuất bán khoảng 15.000 thỏ thương phẩm, tương đương khoảng 40 tấn. Doanh thu trung bình 1 năm của anh Thắng đạt 400-500 triệu đồng. Hiện tại toàn bộ thỏ thương phẩm của trang trại anh Thắng được Công ty TNHH Nipon Zoki Việt Nam ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, hằng năm vợ chồng anh Thắng cung cấp ra thị trường hàng nghìn con thỏ giống, chủ yếu phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân xung quanh vùng.

Sự cần cù lao động sáng tạo của người dân cùng với các cơ chế chính sách hỗ trợ của các ngành, các cấp tiếp sức cho Yên Dương vươn lên. Xã coi trọng công tác thu hút các nguồn đầu tư của TƯ, tỉnh, huyện cho xây dựng cơ bản. Giai đoạn 2015 - 2020, Yên Dương chú trọng hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, tập trung vào đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông, trường, trạm, trung tâm văn hóa xã, chợ và khu đất dịch vụ, đất đấu giá. Đi khắp xã Yên Dương, không khó để nhận ra sự đổi thay từ những con đường bê tông sạch sẽ, bằng phẳng chạy vào các thôn Đồng Pheo, Quang Đạo, Yên Phú, Đồng Thành, Đồng Quán, Đồng Mới. Cầu Yên Dương bắc qua suối Vực Chuông nối với xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch. Chủ tịch UBND xã Bàng Văn Thành nhấn mạnh: Dự án xây mới cầu và tuyến đường Tây Thiên – Tam Sơn đi qua địa bàn xã Yên Dương nối với xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch, sang huyện Sông Lô và thông thương với đường quốc lộ 2B đi các xã lân cận và tỉnh Tuyên Quang đang được thi công và chuẩn bị đưa vào sử dụng trong năm 2020 mở ra cơ hội mới để người dân trong xã phát triển dịch vụ thương mại, trao đổi mua bán hàng hóa sản xuất, kinh doanh. Nhiều khu đất khó sản xuất dọc theo tuyến đường hứa hẹn sẽ chuyển đổi sang đấu giá đất dịch vụ tạo nguồn vốn tái đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ người dân trên địa bàn.

Đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã phát triển
Ảnh: Tuyến đường mới Tây Thiên - Tam Sơn đi qua xã Yên Dương

Cùng với đó, xã Yên Dương giữ vững được nhịp độ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như nghề mộc, xay sát, cơ khí, may mặc, xây dựng dân dụng và tạo việc làm cho trên 600 lao động lúc nông nhàn, đồng thời tăng thu nhập cải thiện đời sống người dân. Hệ thống dịch vụ thương mại trên địa bàn xã có bước phát triển khá. Toàn xã có 157 hộ kinh doanh, dịch vụ. Một số hộ đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh hàng tạp hóa, thức ăn chăn nuôi, phân bón phục vụ nông nghiệp; dịch vụ vận tải, dịch vụ viễn thông phát triển mạnh với 50 xe ô tô tải chuyên chở hàng hóa, bình quân mỗi hộ gia đình có từ 2 đến 3 thuê bao di động.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã Yên Dương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tiền, ngày công để tham gia xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, toàn xã đã huy động được gần 2000 ngày công, hiến gần 10.000 m2 đất, ủng hộ trên 5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, trong các thôn làng đã có nhiều nhà cao tầng được xây dựng, sửa chữa khang trang. Xã Yên Dương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới  năm 2016. 

Có thể so sánh vài con số tăng trưởng của xã Yên Dương giai đoạn 2010-2015 với 2015-2020 để nhận thấy Yên Dương đang vươn mình phát triển. Giai đoạn 2010-2015, tăng trưởng kinh tế của xã bình quân đạt 16%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 9,3 triệu đồng, thu ngân sách toàn xã 5 năm 2010-2014 đạt hơn 38 tỷ đồng, số hộ nghèo còn gần 10%. Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã đạt 20%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33,25 triệu đồng và tổng thu ngân sách toàn xã 5 năm 2015-2020 ước đạt trên 75 tỷ đồng. Hằng năm, xã giải quyết việc làm mới cho trên 300 lao động; có gần 1.700 lao động có việc làm trong và ngoài tỉnh đem lại thu nhập cao góp phần giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo, ước hết năm 2020 giảm còn 3,9%.

Những năm tới, để kinh tế của xã phát triển kịp theo xu thế phát triển chung của huyện và của tỉnh, xã Yên Dương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, lấy phát triển nông nghiệp trong đó chăn nuôi làm mũi nhọn. Xã định hướng cho nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như trồng cây măng tây, cây na dai tại thôn Đồng Quán, Đồng Cà, Yên Phú diện tích trên 10 ha; duy trì và phát triển vùng chuyên canh cây ớt, bí đao, cà chua tại thôn Đồng Mới, Đồng Ơn, Đồng Quán, Quang Đạo với diện tích khảng 30 ha trở lên; tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi thỏ ở thôn Quang Đạo, Yên Phú....Phấn đấu đến năm 2025, Yên Dương đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Đức Hiền

Nguồn tin: ntmoi.vinhphuc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập152
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm151
  • Hôm nay32,458
  • Tháng hiện tại1,232,317
  • Tổng lượt truy cập88,587,387
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây