Cơ giới hóa trên cánh đồng lúa lý tưởng ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười. |
Sự đổi thay diện mạo nông thôn
TP.Cao Lãnh là đô thị loại II, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Đồng Tháp. Hành trình xây dựng NTM của TP.Cao Lãnh bắt đầu từ năm 2012. Trong 8 năm qua, thành phố tích cực huy động tất cả các nguồn lực bằng nhiều hình thức, thực hiện lồng ghép vào chương trình xây dựng NTM. Tính riêng nguồn vốn huy động từ Nhân dân đóng góp là gần 100 tỷ đồng. Đến nay, TP.Cao Lãnh có 7/7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/người/năm, cao gần gấp đôi năm 2016.
Từ một xã vùng ven của TP.Cao Lãnh, bằng sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, năm 2018, xã Mỹ Tân đủ điều kiện đạt chuẩn NTM. Từ đây, diện mạo nông thôn được khởi sắc, khang trang, sáng – xanh – sạch đẹp. Bằng chứng là, kết cấu giao thông nông thôn được đầu tư hơn 80 tỷ đồng với các công trình như: 12 cầu bê tông, 5 tuyến điện chiếu sáng, 15 tuyến nước sạch, các tuyến đường được nâng cấp, mở rộng, nhựa hóa, bê tông hóa,... Đó là sự “đột phá” về giao thông, là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Không chỉ vậy, người dân xã Mỹ Tân còn tham gia trồng, chăm sóc hoa trên các tuyến đường, thực hiện nếp sống văn minh; hình thành các hội quán, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, qua đó nông nghiệp đô thị bắt đầu phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị kinh tế cho người dân. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,8 triệu đồng/năm; tỷ lê hộ nghèo của xã giảm đáng kể, đến nay chỉ còn 44 hộ (chiếm 1,07%).
Tháp Mười là một huyện thuần nông với hơn 70% dân số sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Đây là huyện vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp nhưng cũng là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn huyện NTM. Sau 9 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, đến cuối năm 2019, 12/12 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và huyện đạt được 9/9 tiêu chí huyện NTM theo quy định.
Nhờ có chính sách thu hút nguồn lực phù hợp, toàn huyện đã huy động được trên 13.400 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng NTM. Thêm vào đó, huyện phát triển nhiều mô hình phát triển sản xuất mới đạt hiệu quả cao, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết trong sản xuất, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Từ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 4.700 tỷ đồng, tăng 108,3% so với năm 2010.
Để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, huyện Tháp Mười tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao là bước đi tất yếu, là tương lai của nông nghiệp và từ đó đưa ra những giải pháp sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, nâng cao chất lượng để gia tăng thu nhập cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Địa phương đã xây dựng quy hoạch 4 vùng sản xuất lúa qui mô lớn, với tổng diện tích sản xuất hơn 36.600ha; hướng dẫn nông dân triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, tổ chức cho nông dân gieo sạ theo lịch thời vụ, khuyến cáo sử dụng giống lúa chất lượng cao, kháng rầy, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đến nay, khâu làm đất và thu hoạch bằng máy đạt 100%; tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao chiếm 92%; mật độ gieo sạ còn dưới 120kg/ha; sạ giống, bón phân bằng máy phun chiếm 90% tổng diện tích; cấy lúa bằng máy được áp dụng 7,16% tổng diện tích xuống giống; diện tích áp dụng sản xuất lúa giảm giá thành có trên 67,8% diện tích xuống giống.
Ông Nguyễn Văn Thiện ngụ xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười cho biết, trong buổi đầu “tập tành” với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân chưa quen và gặp rất nhiều khó khăn, do đã quen với cách sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, qua thời gian tập huấn, nông dân biết áp dụng tiến bộ khoa học vào đồng ruộng như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, phân bón thông minh... giảm chi phí và nâng chất lượng lúa gạo, nông thôn dần được đổi thay từng ngày.
Không chỉ vậy, với lợi thế nằm trên trục Quốc lộ N2 nối liền TP.Cao Lãnh với TP.HCM, huyện Tháp Mười đã phát huy lợi thế trong việc phát triển giao lưu kinh tế, làm cơ sở phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - đô thị. Mặt khác, phát huy lợi thế cửa ngõ phía Đông của tỉnh kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, huyện đã chủ động đề xuất lập quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư đã góp phần giải quyết việc làm cho 3.850 lao động tại địa phương. Cùng với đó, thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện được mở rộng và phát triển đạt 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 349% so với năm 2010; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt hơn 214 tỷ đồng, tăng hơn 122 tỷ đồng so với năm 2010. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, góp phần giảm nghèo theo hướng bền vững. Thu nhập bình quân đầu người từ gần 29 triệu đồng/năm cuối năm 2010 lên gần 47 triệu đồng/năm vào cuối năm 2019; tỉ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 800 hộ, giảm trên 9,5%.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, đến nay, TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc, TP.Hồng Ngự hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và huyện Tháp Mười đạt chuẩn huyện NTM. Dự kiến cuối năm nay sẽ có thêm 1 huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Như vậy, Đồng Tháp đã vượt 3 đơn vị so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Toàn tỉnh hiện có 78/117 xã đạt chuẩn NTM, đạt và vượt 17 xã so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020; có 29 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí và 10 xã đạt 14 tiêu chí, không còn xã đạt 13 tiêu chí. Dự kiến cuối năm 2020, có thêm 20 xã đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, trong tổng số 14 xã đăng ký thực hiện xã NTM nâng cao, có 5 xã đạt từ 17 - 18 tiêu chí, 6 xã đạt từ 15 - 16 tiêu chí và 3 xã đạt từ 12 - 14 tiêu chí. Dự kiến cuối năm 2020, có 3 xã được công nhận xã NTM nâng cao.
Khách du lịch thích thú với không khí mát mẻ, trong lành tại cù lao Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh. |
Hướng đến hành trình “chạy bền”
Xây dựng NTM là hành trình chứ không phải là đích đến. Điều phấn khởi nhất trong “hành trình” 10 năm qua là từ chỗ còn thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, hiện nay, người dân Đồng Tháp đã nhận thức rõ, việc xây dựng NTM là công việc của chính mình, cùng với sự đồng hành của các ngành, các cấp. Phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa rộng khắp đến từng hộ gia đình nông thôn, ý thức tự lực, hợp tác của người dân, cộng đồng dân cư ngày càng nâng cao. Cộng đồng dân cư, tổ chức xã hội đã đóng góp nhiều vật chất, công sức vào chương trình xây dựng NTM. Cụ thể, chỉ riêng giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã nâng cấp, sửa chữa hơn 450km đường giao thông nông thôn, gần 600 cây cầu; sửa chữa, xây mới hơn 3.300 căn nhà, thắp sáng hơn 200km đường quê, tham gia hơn 500.000 ngày công, hiến hơn 650.000m2 đất... Tổng giá trị đóng góp xây dựng NTM đạt hơn 840 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Thương – Bí thư Thành ủy Cao Lãnh cho rằng, NTM không chỉ là cây cầu mới, con đường mới mà là khơi nguồn cho hàng hóa thông thương, mở đường đưa khoa học - kỹ thuật đến từng mảnh vườn, thửa ruộng; là nơi học sinh được học hành vui vẻ, tự tin phát triển bản thân, không có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học. NTM còn là nơi mà mỗi cán bộ, đảng viên phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp một cách tận tâm và đầy trách nhiệm; là không gian gắn kết cộng đồng, đưa tâm thế người dân vượt ra khỏi ngôi nhà của mình, sẵn lòng cùng nhau “Chăm chỉ - tự lực - hợp tác”, góp sức xây dựng quê hương, xứ sở trong tình làng, nghĩa xóm, trong hạnh phúc, nghĩa tình.
Bí thư Thành ủy Cao Lãnh khẳng định, thành phố sẽ nỗ lực nhiều hơn, quyết liệt hơn để thành công trong xây dựng NTM được trọn vẹn hơn, nhân thêm niềm tin, niềm hy vọng về một tương lai sáng đẹp hơn cho tất cả người dân thành phố. Thành phố tin tưởng và mong muốn nhận được sự đồng lòng, sẻ chia của tất cả người dân thành phố cũng như bà con đã đồng thuận, ủng hộ thành phố trong những chặng đường đã qua.
Tại “Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TX.Hồng Ngự hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019 và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP.Hồng Ngự”, ông Nguyễn Thanh Hùng - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu: “Xây dựng NTM có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Đạt được tiêu chí NTM đã khó, duy trì và nâng cao các tiêu chí này lại càng khó hơn, nhất là các tiêu chí tuy đã đạt nhưng chưa bền vững. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, phát huy hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung vận động, khuyến khích hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của xã nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gắn với định hướng phát triển của địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Thanh Hùng nói thêm, cần phát triển đời sống văn hóa nông thôn, đẩy mạnh các phong trào văn hóa, thể thao cơ sở, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân; bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của các hoạt động văn hóa truyền thống gắn với bản sắc văn hóa tại địa phương. Tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội quán và Tổ nhân dân tự quản, tạo sự gắn kết giữa các hộ gia đình với nhau, giữa người dân với chính quyền địa phương nhằm chủ động phát huy, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển sản xuất giúp nâng cao thu nhập, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò người dân trong thực hiện mô hình cộng đồng dân cư tham gia quản lý xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.
Đặt nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi của nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp đề ra kế hoạch đến năm 2025, tỉnh có 90% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 30% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% xã NTM nâng cao đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 5 đơn vị cấp huyện cơ bản đạt chuẩn NTM và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; phấn đấu thành lập mới 35 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người tăng gấp 1,7 lần so với năm 2020 (tương đương 3.434 USD); tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn dưới 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79%, trong đó lao động được đào tạo nghề đạt 57%; tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 98%; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% (dự kiến theo chuẩn mới).
Bài, ảnh: Tâm Bình-Mỹ Nhân/baodongthap.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;