Vào thời điểm này, tại nhiều xã của huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) như Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Sơn… đi đâu cũng bắt gặp hình ảnh người nông dân tất bật bên những ruộng trồng dứa. Đây là lúc cây dứa cho thu hoạch rộ trong năm, nên từ sáng sớm, nhiều hộ gia đình đã có mặt tại những đám ruộng của mình để kịp cắt những trái dứa chín vàng ươm nhập cho thương lái mang đi tiêu thụ.
Theo người trồng dứa ở huyện Đại Lộc, cây dứa đã gắn bó với họ từ cách đây hàng chục năm, đặc biệt là ở các xã ở miền núi. Bởi, địa hình nơi đây rất thích hợp với loại cây này. Họ thường canh tác dứa ở khu vực triền đồi. Dù đất đai khô cằn nhưng cây dứa lại có sức sống rất mạnh mẽ, chịu được hạn nên chỉ cần bỏ thêm một chút công chăm sóc thì vẫn cho năng suất cao.
Xã Đại Sơn là vùng trồng dứa lớn nhất của huyện Đại lộc với diện tích khoảng 700ha. Vụ thu hoạch này, người dân trong xã ai nấy đều rất vui mừng khi những ruộng dứa của mình đều rất đạt năng suất cao. Không những dứa được mùa mà giá dứa nhập tại ruộng cũng rất cao. Nhiều gia đình thu nhập hàng chục đến cả trăm triệu đồng từ cây dứa.
Đã gần 30 năm gắn bó với cây dứa nhưng chưa có vụ nào bà Tạ Thị Thủy (trú thôn Hội Khách, xã Đại Sơn) thấy năng suất đạt như năm nay. Vào tháng 9/2019, gia đình bà Thủy bỏ ra 40 triệu đồng để đầu tư sản xuất 2ha với khoảng 13.000 gốc dứa. Đến nay, toàn bộ diện tích này đã cho trái và bắt đầu thu hoạch.
“Ruộng dứa nhà tôi năm nay quả nào quả nấy đều rất to, trọng lượng từ 1 – 1,2kg. Thương lái về thu mua tại ruộng dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, cao gần gấp 2 lần các năm trước. Vậy nên, dù mới đầu vụ thu hoạch tôi không chỉ đã thu lại được vốn mà cũng đã có lãi”, bà Thủy phấn khởi chia sẻ.
Vừa thu hoạch xong 15.000 gốc của gia đình, bà Nguyễn Thị Bi (trú thôn Đầu Gò, xã Đại Sơn) cho biết, tính ra, thời tiết vụ vừa qua không thực sự thuận lợi, một số thời điểm nhiệt độ lên đến gần 40 độ nhưng với đặc tính chịu hạn rất tốt, thêm vào đó, người dân cũng chăm sóc kỹ nên mới đạt năng suất cao như vậy. Bà Bi nhẩm tính, sau khi trừ tất cả các chi phí cũng lãi được hơn 100 triệu đồng.
Nhiều năm nay, cây dứa được xem là mặt hàng nông sản chủ lực của huyện Đại Lộc và trở thành thương hiệu riêng. Nhắc đến trái cây Đại Lộc, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến loại trái thơm ngon, bổ dưỡng này. Vào mùa dứa chín, mỗi ngày có hàng chục thương lái các nơi kéo đến ruộng thu mua dứa của bà con.
Bà Đặng Thị Thu Hiền (52 tuổi), thương lái mua dứa cho biết, sở dĩ dứa Đại Lộc được nhiều khách hàng ưa chuộng là vì tự chín tại rẫy, không sử dụng hóa chất nên có mùi thơm tự nhiên, chất lượng đảm bảo, an toàn. “3 ngày trước, tôi đã thu mua hơn 10 tấn dứa ở huyện Đại Lộc chuyển vào miền Nam cho bạn hàng. Bây giờ trong đó họ bán gần hết, đang đặt hàng tiếp nên hôm nay tôi lại tới đây để mua”, bà Hiền nói.
Được biết, để tránh rủi ro, những năm trở lại đây, người dân huyện Đại Lộc đã thực hiện canh tác theo hình thức rải vụ. Nhờ đó, mùa dứa tại địa phương này không thu hoạch ồ ạt một lần, tránh ứ đọng mà kéo dài liên tục cho đến hết mùa hè. Ngoài bán cho thương lái để đưa đi tiêu thụ ở các địa phương khác, sản phẩm dứa Đại Lộc cũng được người dân đem bán lẻ ở các địa phương trong tỉnh, đem lại hiệu quả tương đối khá cho nhiều hộ gia đình.
Theo Lê Khánh/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/dua-duoc-mua-lan-gia-nguoi-nong-dan-co-lai-d288223.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã