Những năm 2010, nền kinh tế của Việt Nam vẫn là vùng trũng của thế giới. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, trình độ quản trị và năng lực sản xuất còn hạn chế, sinh kế của người dân chưa được đảm bảo. Việt Nam cũng dễ bị tổn thương do sự tàn phá nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, việc tìm kiếm nguồn lực đầu tư công trong lĩnh vực “tam nông” gặp nhiều khó khăn, Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hút dòng vốn ODA vô cùng có giá trị lúc đó.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, nguồn vốn ODA bao trùm lên tất cả các lĩnh vực đầu tư của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và đã có tác động to lớn, lâu dài đến ngành.
Hầu hết nguồn vốn vay ODA đã được sử dụng cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (trong đó nhiều nhất là thủy lợi), hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Bên cạnh đó, nhiều dự án đã đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường năng lực cho ngành từ Trung ương đến địa phương.
Nếu tính bình quân trong thập kỷ qua, mỗi năm có khoảng 10.000 tỷ đồng từ các “dự án ODA” đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Về phát triển hạ tầng thủy lợi, từ nguồn vốn đầu tư trên 55.989 tỷ đồng đã và sẽ hỗ trợ xây dựng nhiều công trình thủy lợi quan trọng ở các vùng trên cả nước vừa phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh và cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp.
Đáng chú ý, việc đầu tư nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi thời gian qua đã nâng hiệu quả tưới thực tế so với năng lực tưới thiết kế các công trình thủy lợi từ 76% năm 2012 lên 80% đến hết năm 2015. Đến nay, tổng năng lực tưới hệ thống thủy lợi đạt khoảng 3,9 triệu ha đất canh tác.
Điển hình như dự án thủy lợi Phước Hòa đưa nước từ sông Bé tới Long An phục vụ cấp nước cho hơn 100.000 ha đất nông nghiệp và có thể cấp 1 triệu m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An.
Báo cáo của Vụ hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho thấy, nhiều dự án vay vốn ODA với ý nghĩa nhân văn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nhiều dự án hỗ trợ giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn nhất là người nghèo ở vùng sâu, vùng xa...
Điển hình như dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung về nâng cấp, cải thiện điều kiện tưới cho hơn 54.000 ha diện tích đất canh tác và nuôi trồng thủy sản cùng hàng loạt các tiểu dự án giúp hoàn thành thêm các mục tiêu xây dựng nông thôn mới về kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn. Dự kiến có hơn 988.000 người dân hưởng lợi tại 109 xã thuộc 26 huyện của 6 tỉnh thụ hưởng dự án.
Các dự án nước sạch nông thôn góp phần cung cấp nước cho vùng nông thôn ở đồng bằng sông Hồng, nhiều nơi nước ngầm bị nhiễm Asen; cung cấp nước cho khu vực còn thiếu nước trầm trọng ở miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Đặc biệt, các dự án (gồm dự án FLICH - vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á; dự án KFW 6,7,8 - vốn vay Chính phủ Đức; dự án JICA2 Lâm nghiệp - vốn vay Nhật Bản) trong lĩnh vực lâm nghiệp đã hỗ trợ phát triển và bảo vệ rừng khu vực có diện tích rừng bị suy giảm mạnh như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, nhất là rừng phòng hộ.
Qua đó góp phần trồng mới và bảo vệ các khu rừng phòng hộ, rừng ven biển, phủ xanh đất trống, đồi trọc... cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số.
Nhiều dự án vốn vay ODA, dự án viện trợ không hoàn lại sau khi đầu tư đã mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế, môi trường, tăng tỷ lệ che phủ, góp phần bảo vệ nguồn nước, tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, khu vực trọng điểm như Tây Nguyên.
Điển hình như dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA2) đã phát triển, cải thiện rừng phòng hộ trên phạm vi 71.275 ha, rà phá bom mìn và tẩy rửa chất độc hóa học 6.500 ha.
Các dự án trong lĩnh vực thủy sản như dự án Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh (MOVIMAR) của Cơ quan Phát triển Pháp viện trợ không hoàn lại; dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững – vay vốn Ngân hàng Thế giới đã và đang hỗ trợ nâng cấp hạ tầng hàng loạt cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hỗ trợ trang thiết bị thông tin liên lạc cho ngư dân..., phát triển mô hình quản lý đánh bắt ven bờ bền vững.
Bên cạnh đó, các dự án này cũng tăng cường khả năng nghiên cứu, nhân giống và đưa các mô hình nuôi trồng thủy sản (tôm thâm canh và tôm sinh thái trong rừng ngập mặn...) đảm bảo an toàn sinh học, quản lý môi trường và nguồn nước, qua đó giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh... giúp đánh bắt và nuôi trồng hiệu quả.
Dự án Quản lý nghề cá ngừ trong vùng biển Tây Thái Bình Dương và Đông Á do Chính phủ New Zealand tài trợ thông qua Ủy ban nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương sau 5 năm triển khai đã xây dựng được hệ thống giám sát tàu cá tại 19 tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam.
Qua đó, tăng cường khả năng giám sát, báo cáo, cập nhật các thông tin liên quan tới nghề đánh bắt cá ngừ. Hỗ trợ công tác bảo tồn, duy trì nguồn lợi thủy sản trong khai thác bền vững.
Nguồn vốn từ các chương trình, dự án ODA đã được sử dụng để hỗ trợ, thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) được Ngân hàng Thế giới tài trợ đã áp dụng cách tiếp cận tổng thể và đồng bộ chuỗi thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” và “từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng” để giải quyết các vấn đề liên quan lẫn nhau như năng lực cạnh tranh chăn nuôi, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường.
Điển hình dự án đã hỗ trợ 517 xã, thị trấn đáp ứng 1 trong 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt dự án đã hỗ trợ nâng cấp các chợ đầu mối theo mô hình chợ thực phẩm mát hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.
Việc áp dụng quy trình VietGAP đã giúp sản phẩm chăn nuôi nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc giảm tỷ lệ chết ở đàn vật nuôi, sử dụng hiệu quả thức ăn chăn nuôi, giảm thời gian nuôi giúp các hộ chăn nuôi nâng cao hiệu quả kinh tế; kiểm soát và phòng chống dịch bệnh cho các loại gia cầm…
Hiện tại hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thịt áp dụng quy trình GAHP đã được dự án thí điểm thiết lập thông qua việc đánh số tai, thương hiệu LIFSAP đã được nhiều người biết đến, các thương lái và người tiêu dùng đã bắt đầu tìm mua các sản phẩm thịt áp dụng quy trình VietGAP được các thương lái mua cao hơn các sản phẩm thông thường trung bình là 2.000 đồng/kg hơi.
Kết quả đánh giá hiệu quả chăn nuôi đạt được trung bình ở các hộ VietGAP là 41,74% cao hơn so với hộ không áp dụng VietGAP là 15,23%.
Ngoài ra, dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (Vn-SAT) được triển khai từ năm 2016 đã có những tác động tích cực đối với nông nghiệp như giảm lượng giống gieo sạ từ 120kg/ha xuống còn từ 80-100kg/ha tại khu vực ĐBSCL; thành lập 307 tổ chức nông dân lúa gạo, đào tạo 114.496 nông dân trồng lúa về “3 giảm 3 tăng” và 50.411 nông dân về 1 phải 5 giảm.
Dự án cũng đầu tư cơ sở hạ tầng cho 45 tổ chức nông dân và áp dụng tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên 20.000 ha cà phê tại Tây Nguyên; thúc đẩy các hoạt động liên kết chuỗi để gia tăng thu nhập cho người dân, tiến tới đạt mực tiêu tái cơ cấu cho 2 ngành lúa gạo và cà phê.
Theo Đồng Thái/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;