Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Thịnh (ảnh) chia sẻ, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT là một trong những cục nông vận, tiếp cận đa ngành.
Đặc biệt, các bộ, đảng viên của Cục có mối quan hệ rất khăng khít với các địa phương, 3,7 triệu xã viên của 15.863 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 39.000 trang trại nông nghiệp, hơn 3.000 làng nghề và hàng triệu lao động nông thôn.
Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch
Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của Cục trong 5 năm vừa qua?
- 5 năm qua, về phát triển và hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Cục Kinh tế hợp tác và PTNT có nhiều điều đáng khích lệ, thậm chí là tự hào. Đầu tiên là việc thực hiện nhiệm vụ phát triển 15.000 HTX đến năm 2020 do Quốc hội và Chính phủ giao. Đến nay, cả nước đã đạt 15.863 HTX, vượt so với kế hoạch.
Kết luận 70 của Bộ Chính trị ban hành ngày 10/3/2020 đánh giá, khu vực HTX đã thoát khỏi những yếu kém kéo dài. Đây là thành quả lớn lần đầu tiên đạt được. Bởi, trong 20 năm kể từ khi có Luật HTX năm 1996 cho đến năm 2016 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đều được đánh giá là khu vực yếu kém kéo dài.
Cuối năm 2019, Chính phủ đã công nhận thành tích này của Đảng bộ và đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Cục.
Về công tác di dân và bố trí dân cư, trong 5 năm qua, chúng ta đã tổng di dân được 114.000 hộ, trong đó có 72.000 hộ dân ở những vùng có nguy cơ thiên tai, giúp giảm thiểu tổn hại về người.
Đáng chú ý, nếu như trước năm 2015 có sự bùng nổ về di dân tự do - mỗi năm có hàng nghìn hộ di cư từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên thì đến nay đã khống chế được, chỉ còn vài chục hộ tới vài trăm hộ/năm di cư.
Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Cục đã hoàn thành đào tạo nghề cho 1,4 triệu lao động, đạt tỷ lệ 100%. Quan trọng là chương trình và chất lượng đào tạo nghề đã thay đổi, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có cả nghề đào tạo giám đốc HTX, đưa những nghề mới hay công nghệ cao trong nông nghiệp.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Cục đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 52 về phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó có nghề muối và có đầy đủ chính sách để hỗ trợ cho khu vực này nhằm hỗ trợ cho khoảng 51.000 hộ diêm nghiệp với 200.000 nhân khẩu. Đây là một trong những ngành rất khó khăn vì các hộ diêm nghiệp đều là hộ nghèo, thu nhập và đời sống người làm muối rất khó khăn.
Những kết quả đạt được nhiệm kỳ 2015 - 2020:
Xây dựng 15.863 HTX, vượt so với kế hoạch đề ra.
Di dân được 114.000 hộ, trong đó có 72.000 hộ dân ở những vùng có nguy cơ thiên tai.
Đào tạo nghề cho 1,4 triệu lao động, đạt tỷ lệ 100%.
Ngoài ra, còn rất nhiều nhiệm vụ khác như giảm nghèo, phát triển nông thôn rồi bảo hiểm nông nghiệp, cơ giới hóa… cũng được đẩy mạnh và cải thiện nhiều.
Như ông vừa nói, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT có mối liên hệ trực tiếp với lực lượng rất đông đảo HTX, trang trại, nông dân. Điều này có những mặt thuận, nhưng đôi khi cũng tạo ra những áp lực, nhất là khi phải tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất từ phía người dân?
- Lấy ngay ví dụ về hội nghị thúc đẩy chăn nuôi lợn diễn ra ngày 6/5, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã chỉ đạo rất nhiều về lĩnh vực trang trại, HTX. Là cơ quan trực tiếp tham mưu, Cục biết khu vực chăn nuôi nhỏ và vừa, nhất là các trang trại, HTX rất khó khăn.
Thực tế, dù HTX, trang trại và các hộ dân chiếm tỷ trọng tới 65% nguồn cung cho thị trường, nhưng đây là khu vực bị tổn thương rất nặng.
Tại hội nghị, báo cáo của Cục về khu vực kinh tế hợp tác hơi "thê thảm": Trong lúc các doanh nghiệp gần như tái đàn cơ bản xong thì HTX, trang trại tái đàn chưa được tới 50%, thậm chí đàn nái có nơi mới phục hồi được 30%.
Khi đưa thông tin như thế, nhiều ý kiến hỏi liệu lĩnh vực của chính bên Cục mình quản lý kết quả có ảm đạm quá không?
Tôi bảo không, mình cứ đưa bình thường vì đây là cái thực, cái đúng của trang trại, HTX đang gặp phải. Mình không lo vì như thế mà thành tích tái đàn chung của ngành giảm xuống.
Nói tóm lại, anh phải trung thành, bám sát thực tiễn và dám nói những câu chuyện phản ánh thực tiễn thì Chính phủ, Bộ mới chỉ đạo được. Thông tin mà không đúng thì rất khó chỉ đạo, triển khai.
Gắn với lợi ích của dân
Năm 2025 cơ bản chấm dứt di dân tự do
Trong nhiệm kỳ tới, về mục tiêu Đảng bộ Cục Kinh tế hợp tác và PTNT tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; phấn đấu hoàn thành tất cả các mục tiêu mà nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ NNPTNT đề ra như: Đến năm 2025 cơ bản không còn di dân tự do; thực hiện Nghị quyết 1033 của Ban cán sự Đảng bộ Bộ NNPTNT về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tập trung đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp.
Trong năm 2020, Cục tham mưu Bộ trình Chính phủ thay thế Quyết định 2261, tổng kết chương trình 15.000 HTX; ban hành nghị định hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ; xây dựng đề án phát triển nghề muối...
Là đơn vị tham mưu cho Bộ về mảng xây dựng quan hệ sản xuất - một trong những yếu tố then chốt trong tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới, vậy, theo ông với thực trạng nông dân còn làm ăn nhỏ lẻ, rồi hàng chục nghìn HTX, trang trại đang gặp những khó khăn, thách thức thì chúng ta phải làm gì để tạo ra những chuỗi liên kết giá trị bền vững, hiệu quả?
- Khó khăn nhất trong phát triển là mình hay nói nông dân nhỏ lẻ, manh mún, là người yếu thế. Nhỏ lẻ, manh mún đúng rồi. Nhưng trên thực tế nông dân, các trang trại, HTX là trung tâm của sáng tạo.
Điều quan trọng nhất là mình có giúp cho người ta triển khai được ý tưởng, dự án của họ hay không.
Thực ra, chính sách của Chính phủ từ xưa đến nay rất quan tâm đến người nghèo, quan tâm đến nông dân, nhưng Chính phủ không có nhiều tiền, và tiền không bao giờ đủ được.
Quan trọng nhất là giúp về mặt cơ chế, những gì khó thì chúng ta phải tập trung vào.
Tôi lấy ví dụ như khu vực kinh tế hợp tác khó nhất hai chuyện: Một là xác lập mô hình mới, hai là phải giải tán cái cũ đi.
Từ năm 2015 đến nay đã giải tán trên 3.500 HTX kiểu cũ (hiện còn 465 HTX) để thiết lập lại HTX mới.
Giải quyết cái cũ đi, người ta thấy rằng mô hình đó không còn phù hợp và Nhà nước đã bỏ nó đi và mình xây dựng các mô hình mới, lúc đó người ta theo. Hai nữa, cũng chẳng mình ngồi nghĩ, sáng tạo đâu mà chỉ cần giúp ý tưởng của người ta thành hiện thực.
Ngay lĩnh vực chăn nuôi, chúng tôi đang trưng ra một loạt các mô hình HTX mà họ làm chuỗi nuôi, tức là HTX chế biến một phần thức ăn, sản xuất con giống, thậm chí cả giết mổ.
Nếu HTX này được nhân rộng thì trong dịch này họ chẳng phụ thuộc vào giống của doanh nghiệp lớn và cũng không sợ không bán được hàng vì họ giết mổ, bán hàng theo kênh riêng.
Nhưng khi phát triển thì từ cái nọ nó sinh ra cái kia, phải giải quyết tiếp. Chẳng hạn mô hình thì có rồi, nhưng mắc nhất là cơ chế về đất đai. Dù đất đai trong HTX do các thành viên góp vào, nhưng để chuyển đổi và cấp giấy chứng nhận tập thể cho HTX là cả một vấn đề, không hề đơn giản…
Tựu trung lại, anh có gắn với lợi ích của dân hay không. Nếu quản lý nhà nước không vì mục tiêu, không gắn với lợi ích của dân thì chính sách cũng không tồn tại được.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: Khương Lực (thực hiện)/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã