Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết: Hiện nay, Hội đồng OCOP cấp quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm tiềm năng 5 sao theo đề xuất của 12 tỉnh, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11/2020. Về cơ cấu sản phẩm theo nhóm, 1.786 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 163 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 107 sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm nội thất và trang trí, còn lại là các sản phẩm khác. Về chủ thể đã có 1.271 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 471 HTX, 390 doanh nghiệp, 365 cơ sở sản xuất, còn lại là các tổ hợp tác.
Theo ông Tiến, riêng khu vực ĐBSCL trong năm 2020, có số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 3 cả nước, có 375 sản phẩm trong đó số lượng sản phẩm đạt 3 sao chiếm gần 62,7% và 33% sản phẩm 4 sao. Sản phẩm OCOP của vùng chủ yếu là thực phẩm chiếm khá cao so với cả nước. Đã có 209 chủ thể có sản phẩm OCOP, bình quân cả vùng có 1,9 sản phẩm/chủ thể, tập trung nhiều là các cơ sở/hộ sản xuất, doanh nghiệp, chủ thể là các HTX chỉ chiếm.
Các địa phương vùng ĐBSCL đã phát huy lợi thế của các sản phẩm vùng miền, gắn với thế mạnh của vùng như: trái cây, lúa gạo, du lịch sinh thái để lựa chọn, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương (như: dừa, bưởi, sầu riêng, chôm chôm của Bến Tre, lúa gạo ở Sóc Trăng, An Giang, trái cây, du lịch ở Đồng Tháp…), từng bước hình thành chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Chương trình OCOP đã thực sự là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn, sức lan tỏa của Chương trình mạnh mẽ và được cộng đồng tích cực đón nhận, các sản phẩm tham gia OCOP phát triển tốt và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như mẫu mã.
Tính đến nay, tỉnh đã có 37 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao đến từ 28 chủ thể (12 hộ sản xuất kinh doanh, 13 doanh nghiệp, 3 HTX). Và có 5 sản phẩm rất đặc trưng của tỉnh (từ gạo và đường thốt nốt) có tiềm năng đạt OCOP 5 sao đang đề nghị trung ương đánh giá công nhận cho 2 doanh nghiệp.
Sau khi đánh giá, phân hạng thời gian vừa qua tỉnh cũng đã tích cực hỗ trợ nâng cấp, cải tiến mẫu mã, chất lượng cho các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sao, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm với nhiều hoạt động khác nhau. Đây là động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, do đây là Chương trình còn khá mới mẽ nên cán bộ các cấp ở các địa phương chưa được tiếp nhận nhiều thông tin liên quan đến Chương trình OCOP. Các doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất kinh doanh chưa có nhiều thời gian tiếp cận với các khái niệm, bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP … nên còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Song, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc từ phía Trung ương, sự đồng thuận vào cuộc của cả thể thống chính trị và người dân địa phương, Chương trình OCOP tỉnh An Giang cũng đạt được những kết quả khích lệ ban đầu. Mặc dù, số lượng các sản phẩm đã được đánh giá và công nhận còn khá khiêm tốn so với một số tỉnh bạn và chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh, nhưng đây là động lực để tỉnh phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, cho biết: Có thể nói chương trình OCOP bước đầu đã có những tác động tích cực vào phát triển kinh tế và xã hội khu vực nông thôn, cụ thể: nhiều vùng, địa phương đã phát huy các lợi thế theo nhóm sản phẩm để phát triển OCOP. Đối với khu vực ĐBSCL khai thác lợi thế của các sản phẩm chủ lực, vùng sản xuất tập trung (84,5% sản phẩm OCOP là nông sản và thực phẩm). Thúc đẩy trách nhiệm và năng lực của các chủ thể, phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm đặc sản, truyền thống ở khu vực nông thôn.
Đặc biệt là khai thác lợi thế của vùng nguyên liệu địa phương, gắn với phát triển thương hiệu cộng đồng, điển hình thuỷ sản và các loại mắm ở các tỉnh ven biển, lúa gạo ở vùng ĐBSCL. Kết quả sơ bộ đến 10/2020, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm 32,2% (đặc biệt là khu vực ĐBSCL chiếm 36,9%, cao nhất cả nước).
Từ đó đóng góp vào mục tiêu phát triển bao trùm của đất nước và không bỏ lại ai phía sau. Nhiều sản phẩm đã phát huy được giá trị, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, đặc biệt là sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp.
Để đạt hiệu quả cao trong phát triển sản phẩm OCOP, thứ trưởng cũng lưu ý tới đây các địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan cần chú ý sản phảm OCOP phải đảm bảo vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý, cũng như đảm bảo nguồn gốc về nguyên liệu làm ra sản phẩm và phải sử dụng lao động tại địa phương.
Theo Lê Hoàng Vũ/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/ocop-an-giang-phat-huy-loi-the-san-pham-vung-mien-d278599.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã