Nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAp vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Thiện Tâm. |
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, mục tiêu của ngành nông nghiệp Thủ đô là ngoài việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, tăng dần tỷ trọng các ngành chăn nuôi, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt thì việc phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là một hướng đi được ưu tiên, chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao, tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong đó, đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã được coi trọng, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành mô hình “4 nhà”, “6 nhà” đi vào thôn, xã và hộ nông dân, góp phần thúc đẩy và đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản VietGAP hay hữu cơ là xu hướng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi và bền vững với môi trường sinh thái. Hướng đi này cần được tích cực nhân rộng ở nhiều nơi để phát huy và tận dụng được những thế mạnh vốn có về nuôi trồng thủy sản.
Vì vậy, để phát huy lợi thế về nguồn nước sạch, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì cũng đã xây dựng mô hình thủy sản theo hướng VietGAP. Đồng thời thành lập Hợp tác xã Thủy sản và kinh doanh tổng hợp Tân Mai để quy tụ các hộ thành viên nuôi trồng thủy sản, thống nhất quy trình sản xuất và ký kết hợp tác tiêu thụ với các đơn vị doanh nghiệp tiêu thụ nông sản tại Hà Nội.
Anh Lê Hữu Lập, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì chia sẻ, tận dụng lợi thế đồng trũng, thuận tiện cho nuôi trồng thủy sản, nhiều năm qua, gia đình anh đã tập trung thâm canh thủy sản bằng phương pháp truyền thống. Tuy nhiên nuôi trồng thủy sản bằng kinh nghiệm thông thường hiệu quả kinh tế cũng như môi trường sinh thái không bảo đảm, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng thiên về những sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng của chi cục thủy sản Hà Nội, năm 2019, gia đình anh Lập đã chuyển hẳn 5,5 ha sang nuôi trồng theo phương pháp VietGAP. Đây là hình thức nuôi trồng gần với tự nhiên, không sử dụng các chất hóa học, không sử dụng các sản phẩm biến đổi gen. Quy trình nuôi này áp dụng các biện pháp tốt nhất bảo vệ hệ sinh thái, gìn giữ đa dạng sinh học, hạn chế tối đa tác động gây ô nhiễm và mất an toàn từ các hoạt động nuôi tới con người và môi trường.
Anh Đỗ Văn Biên, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì cho biết, gia đình anh Lập là một trong 2 thành viên của HTX thủy sản và kinh doanh tổng hợp Tân Mai tiên phong tham gia nuôi thủy sản theo phương pháp VietGAP. Trong quá trình sản xuất, các hộ luôn sử dụng men vi sinh để phân giải thức ăn dư thừa và chất thải giúp đáy ao sạch, cải thiện môi trường ao. Bước đầu cho thấy môi trường trong sạch, tốc độ sinh trưởng của tôm cá tốt hơn, sản phẩm đầu ra bảo đảm an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc kháng sinh.
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thủy sản và kinh doanh tổng hợp Tân Mai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì cho biết, nuôi trồng thủy sản theo mô hình khép kín, đầu tư công nghệ cao, không sử dụng kháng sinh… ngoài mục tiêu bảo đảm đầu ra ổn định còn hỗ trợ công tác truy xuất nguồn gốc, nâng cao uy tín sản phẩm, tăng sức cạnh tranh để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là một xu thế tất yếu giúp ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Qua việc áp dụng mô hình chăn nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, các sản phẩm của hợp tác xã đáp ứng được các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Mong muốn của Hợp tác xã là sớm xây dựng được kênh tiêu thụ ổn định, bền vững để người chăn nuôi yên tâm sản xuất và người tiêu dùng Thủ đô được sử dụng các sản phẩm thủy sản sạch, bảo đảm vấn đề an toàn thực phẩm.
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/phat-trien-nuoi-trong-thuy-san-vietgap-an-toan-ben-vung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã