Nghề trồng nấm ở xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã có từ cả chục năm trước. Sau thời gian dài, từ "nghề phụ" tạo công ăn việc làm lúc nông nhàn cho bà con, nay việc trồng nấm đã thành nghề chính và cho thu nhập cao gấp 2 – 3 lần với nghề nông nghiệp khác ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Hợp tác xã nấm Đồng Cam, bà con ở Đồng Cam từng được một dự án phi chính phủ của Mỹ hỗ trợ trồng nấm. Trong 5 năm, bà con được hỗ trợ từ lán trại, kỹ thuật trồng nấm cho đến giống nấm.
Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, cũng là lúc bà con bỏ nghề trồng nấm này. Lý do thì có nhiều, nhưng tựu trung lại là do quy mô manh mún, thị trường chưa quen nên thu nhập từ nghề trồng nấm thấp.
Mãi cho đến cuối năm 2011, đầu năm 2012, được sự giúp đỡ của Trung tâm công nghệ sinh học thực vật (thuộc Viện di truyền công nghệ Việt Nam) và UBND huyện Cẩm Khê, nghề trồng nấm ở Đồng Cam mới được "hồi sinh".
"Lúc đầu, người dân cũng không mặn mà tham gia vào HTX lắm vì trước đây mọi người đã từng trồng nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sau khi động viên, thuyết trình đề án, hướng phát triển, tiêu thụ, người dân đã hiểu và cùng tham gia. Đến nay, HTX đã có hơn 20 hộ thành viên rồi", ông Thành cho biết.
Cũng theo ông Thành, việc "hồi sinh" nghề trồng nấm cũng dễ dàng hơn do các hộ thành viên đã từng tham gia vào dự án trồng nấm trước đó. Do vậy, khi tham gia vào HTX nấm Đồng Cam, người dân đã nắm được quy trình, kỹ thuật trồng nấm.
Nguyên liệu trồng nấm có thể là rơm rạ, mùn cưa, lõi ngô trộn đều với cám ngô, cám gạo hoặc bã đậu tương. Những phế phẩm nông nghiệp này sẽ được đóng thành bịch giá thể, mỗi bịch có kích cỡ 25 – 37cm.
Trước khi cấy nấm, mọi người cần đưa những bịch nguyên liệu vào lò hấp ở nhiệt độ từ 100 – 120 độ C để thanh trùng.
Tiếp đó, cấy giống nấm vào bằng cách rắc giống trên bề mặt, hoặc rắc vòng quanh. Cuối cùng, mọi người lấy bông bịt miệng bịch lại.
Giá treo các phôi nấm làm những thanh ngang, mỗi thanh cách nhau 30cm. Trên mỗi giàn bố trí dây treo cách nhau 25 – 30cm với mật độ 6 - 8 bịch phôi trên dây.
Sau khi cấy giống được khoảng 20 – 25 ngày, những bịch nấm lên phôi thành công sẽ được đưa vào nuôi trồng. Tùy theo lượng nấm ra nhiều hay ít, to hay nhỏ, độ ẩm không khí thế nào để điều chỉnh lượng nước tưới.
"Trong giai đoạn này nấm rất cần nước. Nếu thiếu nước, nấm ra thể quả nhỏ, nhẹ cân, nhưng nếu tưới nhiều, nấm sẽ có màu vàng, dễ thối rữa. Ta không nên tạo ẩm trực tiếp mà tạo ẩm kiểu gián tiếp, hơi nước từ dưới lên, hoặc tưới kiểu sương mù," ông Thành chia sẻ thêm.
Ông Thành cũng cho biết, khi thấy nấm ra hết núm tròn như hình đồng tiền, rải đều thì thu hoạch. Không nên để già vì nó nát mất nấm. Nấm ra hôm nay mai sẽ hái và cứ 2 tiếng hái 1 lần vì nấm ra rất nhanh.
Hiện nay, HTX nấm Đồng Cam thường trồng nấm sò, nấm mỡ từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau. Còn nấm rơm, HTX thường trồng từ tháng 5 đến tháng 7. Ngoài ra, các thành viên trong HTX nấm Đồng Cam còn trồng nấm rơm trái vụ, nấm linh chi, mộc nhĩ.
Mỗi ngày, HTX nấm Đồng Cam thu hoạch hơn 100kg nấm tươi. Với quy trình đầu vào, chăm sóc đúng kỹ thuật, sản phẩm sạch, chất lượng nên nấm của HTX nấm Đồng Cam rất được thị trường ưa chuộng với giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg.
Ông Hà Công Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân chia sẻ, nghề trồng nấm ở Minh Tân đã tạo công ăn việc làm cho người dân lúc nông nhàn, và tận dụng được những phụ phế phẩm nông nghiệp. Không những vậy, hiệu quả từ mô hình trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn những hình thức làm nông nghiệp khác.
"Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục khuyến khích người dân tham gia hợp tác xã, hoặc tiến hành trồng liên kết để xây dựng thương hiệu và tìm đầu gia cho sản phẩm, nhằm thúc đẩy kinh tế của địa phương", ông Hà Công Minh cho biết.
Theo Bình Hùng/danviet.vn
https://danviet.vn/phu-tho-bat-rom-muc-mun-cua-moc-ra-cay-sieu-dinh-duong-nong-dan-kiem-tien-trieu-moi-ngay-20210410141937101.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã